Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Bác sĩ ở tuổi lục tuần với ¼ thế kỷ nghiên cứu bàn chải răng thông minh
Hồng Phúc - 17/06/2021 09:09
 
Hai thử thách lớn với bác sĩ Nguyễn Bá Hiền, nhà sáng chế bàn chải răng thông minh vừa được Mỹ cấp bằng bảo hộ - là tìm nhà đầu tư và hàn gắn những “vết xước” trong gia đình.

Gọi tên giá trị bị quên lãng

“H. ơi, tôi tìm ra rồi. Tôi tìm ra rồi”, với cái giọng run run qua cuộc gọi đến một người bạn, lúc một rưỡi sáng vào 13 năm trước, bác sĩ Nguyễn Bá Hiền vẫn còn nhớ rõ mồn một. 

Dấu mốc định hình bước ngoặt này đã hé mở một chút ánh sáng trên con đường trả ơn, mang tên “Vì một thế hệ trẻ Việt Nam không sâu răng”.

Đó là thời điểm ông nghĩ và phát hiện ra việc tạo dựng một hình thể bàn chải mô phỏng theo cung răng của trẻ và hình thể bàn chải này, được gọi là bản nhai từ lúc bấy giờ.

Bản nhai này có hình chữ U, mô phỏng theo kích thước, hình dạng cung răng trên và dưới của trẻ trong giai đoạn phát triển bộ răng sữa (từ 6 tháng đến 3 tuổi) và bắt đầu giai đoạn hàm răng hỗn hợp (từ 3-6 tuổi).

Gọi là bước ngoặt bởi suốt từ khi có ý tưởng vào năm 1995 đến năm 2008, bác sĩ Hiền loay hoay không chọn được cho mình một hướng nghiên cứu sao cho phù hợp để tìm được giải pháp giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ.   

.
Bác sĩ Nguyễn Bá Hiền luôn mong mỏi sáng chế lần này sẽ chung tay góp phần vì một thế hệ trẻ em Việt Nam không sâu răng.

Điểm đặc biệt ở bước ngoặt này lại nằm ở điểm “bàn chải nhưng không cần chải”.

Cụ thể, thay vì ngày nào cũng chải răng nhưng không thể tránh khỏi sâu răng, vậy tại sao không tạo ra chiếc bàn chải khác đi.

Nghĩa là, việc đòi hỏi một đứa trẻ như độ tuổi nêu trên có thể đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm, chải vòng tròn theo chiều dọc của răng, chải lần lượt theo từng nhóm gồm 2-3 chiếc răng là rất khó khả thi. Bởi chính người trưởng thành cũng thường không đánh răng đúng cách. 

Thế nên, bác sĩ Hiền tạo ra loại bàn chải dạng nhai, hình chữ U mô phỏng theo hình dạng và kích thước cung răng theo độ tuổi của trẻ trong thời kỳ răng sửa và giai đoạn đầu thời kỳ răng hỗn hợp. Hơn nữa, không cần đặt vấn đề là bắt buộc phải dùng đến kem đánh răng.

Bởi lẽ, một khi bản nhai được cho vào miệng và nhai thay vì chải sẽ kích hoạt các tuyến nước bọt tiết ra nước bọt, một loại dung dịch –một chất có giá trị cực kỳ quan trọng và quý giá về phương diện sinh-xã hội học, mà tạo hóa đã ban cho mỗi người đó chính là nước bọt.

Tác dụng của bản nhai sẽ được thể hiện trên nền tảng cơ- sinh học này.

Nước bọt là thứ quen thuộc, quen đến mức không mấy ai để ý, trừ những nhà nghiên cứu nói chung và trong y học, sức khỏe nói riêng. Đã có những nghiên cứu gọi nước bọt là “một trong những chất lỏng kỳ diệu nhất trong cơ thể của con người”. 

Từ cử động nhai sẽ kích hoạt các tuyến nước bọt tiết ra nước bọt và pH (trung tính) của nước bọt vừa tiết ra, bên cạnh pH của mảng bám (tính a-xit) sau khi ăn sẽ diễn ra phản ứng trung hòa a-xit-bazơ. 

Hiệu ứng này sẽ góp phần hạn chế hoặc ngăn chặn quá trình mất khoáng của men răng, nhất là ở trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên từ 6-8 tháng tuổi. 

Nhưng thách thức lớn lúc này là tìm kiếm sự đồng cảm từ những nhà đầu tư để họ tiếp bước, đưa sáng chế trở thành sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng. 

.
Với bác sĩ Hiền, sáng chế không phải để treo trong Viện Hàn lâm, lấy hương lấy hoa mà phải phục vụ được nhu cầu từ cộng đồng.

“Bất công” và “trầy xước”

Cả 2 đặc điểm quan trọng của sáng chế này là nước bọt và nhai đều là kiến thức mà bác sĩ Hiền tích cóp rồi suy tư về nó từ khi còn là sinh viên năm 3, khoa Răng hàm mặt trường đại học Y dược khoá 1978-1984.

Bài học chuyên ngành đầu tiên từ Người thầy đáng kính của bác sĩ Hiền là Giáo sư Võ Thế Quang vẫn còn mãi trong ký ức, khi Thầy cho những học trò của mình biết rằng: “sâu răng là tai họa thứ ba của loài người sau tim mạch và ung thư”?!

Một sinh viên năm thứ 3 như ông Nguyễn Bá Hiền chợt nhận thấy mình đang theo đuổi một nghề với trách nhiệm vô cùng lớn.

Thầy Võ thế Quang còn căn dặn, là thầy thuốc nếu không giúp được gì cho người bệnh bằng trang thiết bị hiện đại thì cũng phải cho người ta một lời khuyên. 

Những câu nói ấy đã chen và nằm yên trong đầu, khiến bác sĩ Hiền phải suy nghĩ hoài về nó. 

.
Hàng ngày bác sĩ Hiền vẫn miệt mài thăm khám sức khoẻ răng miệng cho bệnh nhân ở phòng khám nhỏ của mình trong một căn nhà thuê tại quận 8, TP.HCM.

Thêm vào đó là câu chuyện về một giáo sư người Ba Lan được mời đến khoa Răng hàm mặt trường Đại học Y dược TP.HCM lúc bấy giờ chia sẻ đề tài “nước bọt có khả năng được nghiên cứu để sản xuất vắc xin ngừa sâu răng”.

Những lời dặn kèm theo cụm từ “dùng nước bọt chế tạo vắc xin ngừa sâu răng” cứ ở yên trong đầu cậu sinh viên Nguyễn Bá Hiền.

Đến năm 1995, sau khi được phân giao công việc lấy dấu răng trong một công trình nghiên cứu cấp Nhà nước do Giáo sư Hoàng Tử Hùng chủ trì, bác sĩ Hiền mới càng thấm thía sự “bất công” của bọn trẻ khi bị sâu răng trước khi bắt đầu miệt mài nghiên cứu, tìm giải pháp.

Bởi, trong quá trình lấy dấu răng, ông nhận thấy dù có đánh răng thường xuyên thì trẻ vẫn bị sâu răng nhiều đến mức khi chúng há miệng ra, ông không biết nên chọn cái nào để điều trị trước. 

“Tôi thấy có điều gì đó hơi quá “bất công” chăng? Vì bọn trẻ không thể tự thực hiên việc chải răng đúng cách để không bị sâu răng mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.

Đó là vòng luẩn quẩn mà là thầy thuốc, nếu không giúp được gì cho người bệnh bằng trang thiết bị hiện đại thì cũng phải cho người ta một lời khuyên. Tôi chọn tìm giải pháp để thế hệ trẻ em Việt Nam không bị sâu răng”, bác sĩ Hiền trăn trở và cảm thấy chạnh lòng thậm chí một chút tự ái, vì thấy chỉ số sâu, mất, trám theo độ tuổi của trẻ em Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với một số các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong hành trình không biết mệt mỏi, luôn đi tìm giải pháp thì chợt trên thị trường xuất hiện loại kẹo cao su không dùng loại đường gây sâu răng, bác sĩ Hiền nhận ra cơ chế tạo nước bọt bằng cử động nhai. Đây là tiền đề để ông tạo nên bản nhai hình chữ U hiện nay. 

Từ thời điểm ấy, không đêm nào ông ngủ yên vì trăn trở cho việc cải tiến sản phẩm sao cho có chất liệu tương hợp sinh học (silicone) với độ dẻo và mềm mại để nhai, không như vật liệu như tất cả loại bàn chải như hiện nay,. 

“Sáng hôm sau, bình minh lên, tôi thực sự thấy quá nhiều năng lượng. Khi ấy tôi biết rõ mình vừa mở ra một cánh cửa và bước sang một thế giới hoàn toàn khác sẽ rất thú vị dù không biết là mình đi đến đâu nhưng rất muốn đi”, bác sĩ Hiền nói rồi chợt khựng lại, bởi từ dấu mốc này cũng là thời điểm bắt đầu xảy ra những thiếu sót trong gia đình. 

Những chia sẻ với các thành viên trong gia đình càng lúc càng vơi đi, những bữa cơm không cùng nhau, những buổi nghỉ cuối tuần ít dần và một chuyến du lịch mùa hè cùng gia đình lại càng khó và chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những “trầy xước” trong mối quan hệ gia đình ít nhiều cũng đã xảy ra. Bởi ông đã dành thời gian sống hết mình với sáng chế lần này khi tự nhận lấy trách nhiệm trả ơn cuộc đời này bằng con đường nghiên cứu trong lặng lẽ.

Ông từng tự biện cho chính mình rằng, "xay lúa thì khỏi bồng em", làm được việc này thì sẽ không chọn được tròn vai ở việc khác, dù biết ngữ cảnh trên không phải lúc nào cũng đúng. 

Khi tiễn tôi ra về, bác sĩ Hiền nở nụ cười nhẹ nhàng với ánh nhìn về phía giá treo sách nơi có một bức ảnh chụp từ lâu, khi vợ chồng ông và gia đình thật êm ả lúc chưa có “bản nhai" xuất hiện.

“Vết xước nào rồi cũng sẽ lành. Những thiếu sót đã xảy ra thì không thể sửa được nhưng thật sự tôi mong và tin rằng sẽ nhận được sự thấu hiểu và bao dung. Có lẽ đó là món quà cuối của cuộc đời này tôi hi vọng sẽ nhận được, cùng với sản phẩm của sáng chế là bản nhai sẽ có mặt trên thị trường trong thời gian sắp tới”, bác sĩ Hiền tin tưởng.

Vì sao bác sĩ lại cho rằng sáng chế này là một cách trả ơn cuộc đời?

Mấy chục năm làm nghề, tôi gặp quá nhiều trường hợp vì bệnh sâu răng mà cha mẹ cứ trách nhau về việc để con mình bị đau nhức, răng.

Một đứa trẻ đang đau buốt thường sợ bị làm đau thêm khi bác sĩ thăm, khám. Có trường hợp phải giữ tay chân trẻ khi có chỉ định cần xử trí ngay trên ghế nha khoa. Hoàn cảnh này, đều đem lại cho mỗi người trong chúng ta những trăn trở : Ước gì bệnh sâu răng không nên có ở trẻ em. Đó là nỗi ám ảnh từ khi tôi làm nghề này.

Để nha khoa trở thành nơi thân thiện thì việc đầu tiên là không được để sâu răng, tránh làm đau trẻ ngay lần khám đầu tiên.

Tôi từng nghĩ mình không làm được gì để giúp được bọn trẻ không bị sâu răng, nhưng mình lại đang “sống nhờ ở bệnh sâu răng”. Vì thế, tôi phải tìm phương cách nào đó để giảm tỷ lệ sâu răng ở trẻ em, xem như một cách trả ơn trong cuộc đời này.

Đó là ông tự ôm lấy trách nhiệm phải trả ơn chứ không ai bắt buộc?

Tôi nghĩ cuộc sống này ai cũng trả nợ hoặc có thể gọi là trả ơn. Trả được phần nào thì nhẹ đi phần đó.

Trong khi tài sản lớn nhất của chúng ta là sức khỏe và trí tuệ thì tôi đang làm việc trong lĩnh vực sức khỏe và sáng chế này được tạo nên bởi tri thức. Đó là việc tôi phải tận dụng. Tri thức không để riêng cho mình mà là để cống hiến, để tri ân.

Khoản lợi nhuận lớn nhất của tôi từ sáng chế này là làm sao để giảm tỷ lệ sâu răng của trẻ vì từ khi bắt đầu nghiên cứu đến nay, tôi chưa từng nghĩ làm việc này để kiếm tiền.

Và tôi rất mong sẽ nhận được sự bao dung - thấu hiểu của gia đình vì quá trình nghiên cứu không phải làm cho cá nhân tôi. Có lẽ đó là món quà cuối của cuộc đời này mà tôi hi vọng sẽ nhận được.

Ông có thất vọng khi chưa thể tìm kiếm được nhà đầu tư để đồng hành sản xuất?

Tôi vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư và sau này có thể sẽ chuyển giao lại tài sản này cho một ai đó mà mình tin tưởng. Họ sẽ “chạy tiếp sức”, giúp tôi tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp để đưa sáng chế thành sản phẩm có mặt ở từng gia đình.

Dù còn nhiều thách thức nhưng tôi sẽ không thất vọng khi trả lời cho câu hỏi này, thậm chí không bao giờ tuyệt vọng vì tuyệt vọng là sự phá sản lớn nhất của đời người.
Mong các nhà khoa học hiến kế xây dựng các định hướng phát triển cho Việt Nam
Chiều ngày 20/8, hơn 100 trí thức trẻ người Việt làm khoa học và công nghệ ở khắp nơi trên thế giới về dự Mạng lưới đổi mới sáng tạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư