Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Khi truyền thông “dậy sóng” cùng tỷ phú
Anh Hoa - 21/06/2021 19:09
 
Với người làm báo kinh tế không bao giờ mong đợi đọc, nghe những thông tin không tốt từ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường kinh doanh tốt lên, thì thị trường báo chí cũng khởi sắc.
Thép Hòa Phát mạnh dạn đầu tư để nắm trong tay cơ hội phát triển. Ảnh: Đức Thanh

1.

Việc công bố tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam ngay trong số xuất bản đầu tiên sau khi Forbes thực hiện việc nhượng quyền thương mại để xuất bản ở Việt Nam vào năm 2013 đã khiến giới đầu tư thế giới có một cách nhìn khác về Việt Nam. Tỷ phú là những nhân vật có tầm ảnh hưởng, những kinh nghiệm thành công, tinh thần khởi nghiệp đặc sắc, nhưng tỷ phú Việt, nhất định sẽ bao gồm yếu tố văn hóa Việt trong kinh doanh.

Cùng thời điểm đó, danh sách những người giàu nhất thế giới đã công bố có nhiều thay đổi về thứ hạng và cả số lượng tỷ phú. Đặc biệt, trong số 1.426 tỷ phú trong danh sách năm 2013 của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, người sáng lập Tập đoàn Vingroup trở thành tỷ phú USD đầu tiên là người Việt Nam. Ông được xếp ở vị trí 974 với số tài sản mà Forbes ước tính là 1,5 tỷ USD.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong bảng xếp hạng toàn cầu. Các đại diện này gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Không chỉ công bố danh sách tỷ phú, tạp chí này còn công bố hàng loạt những thương hiệu dẫn đầu, công ty kinh doanh hiệu quả và niêm yết tốt nhất trên thị trường cho đến những gương mặt start-up của khu vực châu Á đến Việt Nam…

Danh sách này sẽ kéo theo những ngành nghề kinh doanh tiêu biểu là những  “gà đẻ trứng vàng” của họ như bất động sản, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản xuất ô tô, nông nghiệp, hàng tiêu dùng… là những ngành khá truyền thống ở Việt Nam.

Và giữa năm 2020, khi nhiều quốc gia đang vật lộn với đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế đang bao trùm lên toàn bộ thế giới phương Tây, tạp chí này lại đưa ra các yếu tố để khuyến khích nhà đầu tư quốc tế nên hướng đầu tư vào Việt Nam.

Truyền thông trong và ngoài nước liên tục đưa tin Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng trong đối phó với Covid-19. Họ đều thừa nhận, Việt Nam đưa ra một hình mẫu ngăn chặn dịch bệnh thành công chỉ bằng nguồn lực hạn chế và tập thể lãnh đạo quyết tâm.

Trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực chống Covid-19, không chỉ ghi nhận kỷ lục mới về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế, mà các doanh nghiệp hàng đầu đang xoay chuyển để tiếp tục tồn tại và phát triển trong đại dịch từ các lĩnh vực bán lẻ, dệt may, thép, bất động sản công nghiệp.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thời gian qua phần nào cho thấy, bản lĩnh doanh nhân, khả năng xoay trở, thậm chí mạnh dạn đầu tư, chuẩn bị đón lấy cơ hội phát triển khi đại dịch qua đi như Thép Hòa Phát, Bách Hóa Xanh, Masan trong mảng bán lẻ, Thành Công trong ngành dệt may... Nỗ lực của từng doanh nghiệp được tiếp sức nhờ các chính sách tiền tệ linh hoạt, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất của Chính phủ và các bộ, ngành.

Thực tế, giới đầu tư “ngầm” cho rằng, danh sách tỷ phú Việt Nam được truyền thông công bố chủ yếu căn cứ trên sàn chứng khoán. Điều đó chưa thể hiện rõ bản chất của nền kinh tế Việt Nam. Bởi có nhều tỷ phú Việt Nam giàu hơn con số công bố đó rất nhiều hoặc ít hơn rất nhiều mà không ai biết. Nhiều người cũng cho rằng, với chi phí mua bản quyền của Tạp chí Forbes có 35.000 USD (chưa đến 1 tỷ đồng Việt Nam), thì Forbes có thể phục vụ mục đích cho một nhóm doanh nhân nào đó tại Việt Nam.

Nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, những thông tin hoàn toàn trở thành động lực phát triển cho đất nước. Đặc biệt, nếu Việt Nam muốn dùng các tỷ phú làm công cụ marketing cho quốc gia thì hiển nhiên nhiều người càng giàu càng tốt.

Khi nhà đầu tư toàn cầu muốn đánh giá thị trường cho bất cứ ngành nghề nào, nếu thị trường đó xuất hiện nhiều các thương hiệu như McDonald’s (kinh doanh thức ăn nhanh), cà phê Starbucks, cho đến hệ thống khách sạn Hilton, Marriott…, thì nhà đầu tư có thể suy nghĩ để đầu tư! Điều này cho thấy, số lượng tỷ phú càng nhiều sẽ nâng tầm uy tín của quốc gia.

Với tỷ phú, hay doanh nhân giàu có, việc xuất hiện trên báo có nghĩa là nhận diện thương hiệu sẽ được tăng.

Thế nhưng, đó không phải là những lý do chính, nó tùy thuộc vào cách hoạt động của công ty truyền thông được mua. Họ muốn trở thành một phần của văn hóa đại chúng đang được thiết lập. Một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ tìm kiếm cơ hội tại nơi xuất hiện cả cung lẫn cầu.

Ở góc độ báo chí và những người làm báo, các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới như đang rót tiền mua những tờ báo lớn nhỏ, nhất là khi ngành báo giấy rơi vào thời kỳ khó khăn.

2.

Các tỷ phú nói riêng hay các doanh nhân tầm cỡ khác là những con người điển hình, cá nhân góp phần tạo nên Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng và ý nghĩa hơn… Có thể, mỗi khi danh sách này được công bố, dư luận sẽ được phen dậy sóng nhờ truyền thông đồng loạt đưa tin. Xong hầu hết các tỷ phú lại ít màng đến. 

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long khẳng định, từ lúc là tỷ phú USD, cuộc sống của ông không có gì thay đổi. Có chăng chỉ có một thay đổi nhỏ: trước đây gặp ông họ gọi là đại gia, giờ gặp thì gọi là tỷ phú.

Giữa năm 2020, khi nhiều quốc gia đang vật lộn với đại dịch Covid-19 và nguy cơ suy thoái kinh tế đang bao trùm lên toàn bộ thế giới phương Tây, Tạp chí Forbes lại đưa ra các yếu tố để khuyến khích nhà đầu tư quốc tế nên hướng đầu tư vào Việt Nam.

Với một tỷ phú, người đứng đầu một doanh nghiệp không giúp họ thoát khỏi những khó khăn. Đó là sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn hơn. Với cá nhân doanh nghiệp của tỷ phú đó có tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn sẽ có nhiều thách thức hơn về quản lý, thương trường.

Khó khăn vẫn là khó khăn, họ không thể ngồi kêu khóc về nó, thậm chí họ không muốn ai nhắc về nó.

Gần đây, tỷ phú hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn quyết định xin thành lập IPP Air Cargo có vốn đầu tư 100 triệu USD. Động thái này cũng vấp phải dư luận trái nhiều và quan điểm không khả thi chiếm số đông.

Là doanh nhân, là tỷ phú và kinh doanh nhiều năm ở thị trường trong và ngoài nước hơn ai hết, ông hiểu mọi quyết định của mình. Để tạo ra cuộc cách mạng trong ngành logistics hàng không, sẽ rất khó khăn và tốn kém với ông. Dù vậy, ông không ngần ngại. Cũng giống như trước đây ông đã làm với thị trường hàng hiệu. Không ai nghĩ tới, nhưng nay ông đã tạo được uy tín để đưa hơn 108 thương hiệu cao cấp trên thế giới về phân phối tại Việt Nam.

“Tôi làm gì cũng tính toán kỹ, có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện, chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm, nên thời cơ chín muồi thì phải làm ngay. Mình không ra quyết định đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng”, ông chia sẻ và khẳng định, khó khăn sẽ đến với người mới vào nghề và không thực sự hiểu về nghề, trong khi ông đã trong ngành 36 năm, nắm bắt được ưu, khuyết điểm của thị trường. Ông sẽ làm tất cả với tâm huyết để đấu với những người khổng lồ.

Trong khi đó, tin tỷ phú Phạm Nhật Vượng lại gây ấn tượng với giới truyền thông khắp nơi bởi những quyết định nhanh, đầu tư nhanh, triển khai nhanh và bán hàng nhanh. Tóm lại là tốc độ thay đổi và thích ứng nhanh, trong thời gian qua.

3.

Cả nước đang đoàn kết chống lại Covid-19. Nhiệm vụ chính là chiến thắng trong cuộc chiến không khói súng này. Những người làm báo luôn tự hào một thế hệ doanh nghiệp, doanh nhân mang tinh thần dân tộc.

“Mạo hiểm”, “liều lĩnh” hay “bất khả thi”... và tinh thần không bỏ cuộc của họ trở thành chìa khóa duy nhất giúp doanh nghiệp, doanh nhân đi qua những thời điểm cam go nhất để đánh thức những vùng đất cằn cỗi.

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam cũng đã có được một số tập đoàn tư nhân lớn và đang phát triển mạnh và những cá nhân đứng đầu các tập đoàn đó trở thành tỷ phú. Họ đại diện cho những doanh nghiệp đã bứt phá lên hẳn một tầm cao khác so với đại đa số doanh nghiệp tư nhân còn lại. Nhưng số doanh nghiệp như vậy mới chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Việt Nam chưa có  những công ty đưa ra được những sản phẩm ngày càng chiếm được vị trí trên thị trường thế giới, khiến đất nước, công chúng tự hào. Báo chí Việt Nam vẫn chờ đợi thêm những cơ hội để được đồng hành hơn với họ trong mỗi cung đường, mỗi bước tiến, lùi, rẽ phải, trái của họ. Để bao giờ, những cái tên đó được gọi một cách tự hào như Toyota, Sony, Canon của Nhật Bản, hay Samsung, Huyndai, Lotte của Hàn Quốc…

Thời gian này, những đầu tàu kinh tế trong các lĩnh vực không chỉ căng mình vượt bão, mà còn thể hiện trách nhiệm, bản lĩnh, bằng nhiều cách đóng góp, đồng hành với Chính phủ đưa đất nước vượt qua đại dịch. Với họ, mỗi ngày trôi qua là thời điểm họ vật lộn với cách ly, những thông tin về dịch bệnh, tình hình sản xuất, dòng tiền…, nhưng họ đã đủ trải nghiệm để không kêu than nữa, bởi giờ đây ai chẳng khó khăn.

Hai tỷ phú công nghiệp đầu tư mở rộng hệ sinh thái
Hai tỷ phú Trần Bá Dương và Trần Đình Long vẫn không ngừng mở rộng hệ sinh thái của doanh nghiệp, bất chấp những cản trở do dịch bệnh gây ra.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư