Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát: Nghĩ lâu, nhưng làm rất nhanh
Thanh Hương - 17/02/2021 09:32
 
Mục tiêu lợi nhuận 1 tỷ USD của Hòa Phát được ông Long xác định sẽ đạt được khi đầu tư xong giai đoạn II của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Thậm chí, nếu thuận lợi, thì sẽ còn đạt kết quả cao hơn.
Doanh nhân Trần Đình Long

Thép vẫn là lĩnh vực hái ra tiền

Khi Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất bắt đầu bán ra những sản phẩm cuộn cán nóng (Hot Rolled Coil - HRC) đầu tiên vào cuối quý III/2020, có những thời gian, thông cáo báo chí của Tập đoàn Hòa Phát liên tục nhắc tới chuyện “cung không đủ cầu” và nỗi khổ tâm khi không đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp ống thép, tôn mạ và ngành cơ khí chế tạo khác.

Còn nhớ, 4 năm trước, khi Hòa Phát đầu tư vào Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện nay (gọi tắt là Dự án Hòa Phát Dung Quất 1), nhiều cổ đông đã rất băn khoăn, lo ngại và cho là mạo hiểm. Đây là điều dễ hiểu, bởi trước Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, có những doanh nghiệp lâu năm trong ngành thép hoặc đã đầu tư quy mô lớn tại Việt Nam bị vướng vào bộn bề khó khăn, trắc trở trong quá trình triển khai, khiến doanh nghiệp lao đao.

Ông Long khi được hỏi “có tiếc vì đã để công suất của HRC thấp, khiến ngay khi có sản phẩm đã bị khách hàng tranh nhau mua vì tiện và lợi hơn nhập khẩu” đã cho hay, “sản lượng của Dự án Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn toàn nằm trong tính toán và thiết kế từ đầu, bởi phải làm cả thép xây dựng, nên HRC chỉ có được sản lượng như vậy”.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thương trường dày dạn của ông Long và các cộng sự đã khiến Tập đoàn Hòa Phát nhanh chóng đi tới quyết định tiếp tục đầu tư cho Hòa Phát Dung Quất 2, cho dù giai đoạn 1 mới hòm hòm.

“Dự án Hòa Phát Dung Quất 2 sẽ sản xuất thêm 5 triệu tấn thép/năm và tập trung 100% cho HRC”, ông Long nói khi nhắc tới thực tế, sản lượng tiêu thụ HRC của Việt Nam năm 2020 là 12 triệu tấn và có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8 - 10%, trong khi cả nhà máy của Hòa Phát và Formosa mới cung cấp được 8 triệu tấn cho thị trường mỗi năm.

“Nghĩa là, ngay cả khi Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, thì cung vẫn chưa đủ cầu. Chúng tôi rất tự tin làm giai đoạn 2 và nhà máy mới sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại nhất thế giới bây giờ”, ông Long - người được Forbes xếp là tỷ phú thứ 3 tại Việt Nam với giá trị tài sản ngày 22/1/2021 là 2,1 tỷ USD - cho biết.

Trái với nhiều lĩnh vực khác lao đao vì đại dịch, năm 2020 đánh dấu những thành công ấn tượng của Hòa Phát khi giữ vững vị trí số 1 về thị phần thép xây dựng tại Việt Nam với khoảng 32%, một con số tăng trưởng vượt bậc, khi kết thúc năm 2019 mới chỉ là 26,2%. Cũng trong năm 2020, Hòa Phát đã hoàn tất đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, đặc biệt đã đạt  mức lợi nhuận kỷ lục trong lịch sử hoạt động gần 30 năm của mình  với  trên 13.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng thuộc diện có mức tăng cao nhất nhóm bluechips, với thị giá có lúc đã vượt qua 45.000 đồng/cổ phiếu vào giữa tháng 1/2021. Mức giá này gấp hơn 2 lần mức đáy vào cuối tháng 3/2020 và cũng là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Dẫu như ông Long cho biết, việc Chính phủ đã dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu kép, vừa chống Covid-19, vừa đảm bảo tăng trưởng, hay câu chuyện tăng cường đầu tư công, vấn đề giải ngân được thúc đẩy, nên Hoà Phát được hưởng lợi rất lớn từ chính sách, nhưng với nhiều người đã theo sát Hòa Phát bấy lâu thì nhìn thấy rõ, nền tảng làm nên thành công của doanh nghiệp thép số 1 Việt Nam là “tính toán đúng và quản trị chặt chẽ” .

Đơn cử, với Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, ngay từ khi bắt đầu triển khai, câu chuyện đầu tư cho môi trường bao nhiêu để Dự án thuận buồm xuôi gió đã được ban lãnh đạo Hòa Phát nghiền ngẫm kỹ lưỡng. Không giấu vẻ tự hào, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, ở tầm thế giới, chuyện các khu liên hợp thép lớn có lãi ngay từ năm đầu như Hòa Phát đang đạt được ở Dự án Hòa Phát Dung Quất 1 có thể nói là hiếm hoi.

Kết quả, với tỷ lệ đầu tư cho môi trường lên tới 30% chi phí, hiệu quả đã nhìn thấy ngay khi Dự án đi vào hoạt động và việc triển khai giai đoạn 2 không gặp trở ngại gì, dù làn sóng “nói không với thép” vẫn đang lan rộng ở nhiều địa phương có biển.

Tái cơ cấu hoạt động

Do thép vẫn là ngành chủ lực của Hòa Phát khi đang chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn, hay hàng năm dòng tiền ra khá lớn, tầm 20.000 - 25.000 tỷ đồng, câu chuyện đầu tư tiếp vào thép và tái cơ cấu các ngành hàng khác cũng được lãnh đạo Tập đoàn suy xét kỹ càng.

Thực tế, Việt Nam đang chuyển mình theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu về thép vẫn đang tăng mạnh, khoảng 9 - 10%/năm, hàng loạt công trình lớn đang được lên kế hoạch triển khai, nên việc đầu tư tiếp vào thép cũng được ban lãnh đạo Hòa Phát nhìn nhận là bước đi nhằm khẳng định năng lực, vị thế trong ngành thép tại Việt Nam nói riêng và từng bước so với khu vực, thế giới.

Quyết định đầu tư tiếp giai đoạn 2 tại Dung Quất được cho là có nhiều thuận lợi về mặt kỹ thuật, khi bên cạnh thị trường vẫn khát cung, Hòa Phát cũng đã có nhiều kinh nghiệm từ quá trình hoàn thiện Khu liên hợp Gang thép Hải Dương, cộng thêm 4 năm làm Dự án Hòa Phát Dung Quất 1 với công suất gần gấp đôi và giờ đây đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất thép HRC.

Ở khâu tài chính, dự tính vốn cố định để triển khai giai đoạn 2 khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng và vốn lưu động khoảng 20.000 tỷ đồng dường như không có trở ngại gì với Hòa Phát. Với bản tính thận trọng, nhìn xa và quan điểm không chia hết lợi nhuận kiếm được, mà phải dành để tiếp tục đầu tư mở rộng (năm 2020, Hòa Phát có ebitda khoảng 20.000 tỷ đồng và mức tăng trưởng 10%/năm), tỷ lệ vốn tự có để thực hiện giai đoạn 2 đã lên tới 50%.

Phần còn lại, Hòa Phát cũng đã thỏa thuận xong cùng ngân hàng với lãi suất rất tốt mà không cần dùng tới công cụ trái phiếu do uy tín của Hòa Phát vẫn tiếp tục tăng mạnh trên nền tảng tốt bấy lâu.

Hòa Phát từ chối mua mỏ quặng, mỏ than ở nước ngoài làm “của để dành” dù năng lực sản xuất tăng mạnh, vì ông Long cho rằng: “điều này bây giờ đã lạc hậu”.

“Hiện nay, Hòa Phát có cảng nước sâu cho phép tàu tải trọng 200.000 tấn cập bến, chúng tôi cũng có quan hệ với nhóm Big 4 công ty cung cấp khoáng sản trên thế giới, nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất của Hòa Phát luôn rẻ hơn 3 - 5 USD/tấn so với thị trường. Bởi thế, việc mua mỏ luôn độc lập với vấn đề đảm bảo an ninh nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, vì than quặng trên thế giới rất nhiều. Nếu có mua mỏ, phải kiếm được tiền, có lợi nhuận độc lập, thì mới đầu tư”, ông Long nói.

Đồng thời với quyết định đầu tư Dự án Hòa Phát Dung Quất 1, Hòa Phát cũng đang tính toán tái cơ cấu một số lĩnh vực giờ không còn là sở trường. Theo đó, Hòa Phát đã tiến hành cơ cấu lại mô hình hoạt động với 4 tổng công ty, tập trung sức mạnh vào 3 mũi nhọn chính là thép, nông nghiệp và bất động sản.

Việc tách riêng mảng ống thép và tôn mạ màu thành tổng công ty độc lập với Tổng công ty Gang thép được lý giải là bởi, mảng ống thép và tôn mạ là sản phẩm phía sau, tách riêng để quản lý chuyên sâu.

Cũng trong mô hình mới, một số lĩnh vực từng là sở trường của Hòa Phát khi mới khởi nghiệp hơn 20 năm về trước như nội thất, điện lạnh dường như đã lùi về phía sau.

Ông Long chia sẻ, với quy mô như hiện nay, Hòa Phát đạt lợi nhuận rất lớn, nhưng cũng không thể làm thép mãi, nhất là khi ở Việt Nam cũng không còn vị trí nào đủ tốt để xây dựng nhà máy lớn. Do đó, Hòa Phát đầu tư một phần tài sản, vốn vào lĩnh vực bất động sản.

“Hòa Phát không làm lớn như nhiều người trông đợi và không theo kiểu phong trào, người người, nhà nhà làm bất động sản”, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ quan điểm.

Hướng đầu tư bất động sản của Hòa Phát trong lần tái cơ cấu này vẫn là nhà ở và bất động sản khu công nghiệp, chứ không liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng. Các thành phố lớn, các vùng động lực phát triển kinh tế như Nam bộ, Duyên hải phía Bắc là những nơi có nhu cầu tăng cao về nhà ở và nhà xưởng để đón dòng đầu tư mới dịch chuyển sẽ là điểm đến của Hòa Phát.

“Chúng tôi là xe lu đi chậm, nhưng chắc và vẫn tiếp tục tiến lên”, ông Long nói về quan điểm kinh doanh xuyên suốt đã làm nên một Hòa Phát thành công như ngày hôm nay.

Nói về công thức dẫn tới thành công của Tập đoàn Hòa Phát, ông Long cho rằng, do có sự suy nghĩ rất lâu và kỹ khi định làm hay lên kế hoạch. Tuy nhiên, khi quyết định làm thì triển khai rất nhanh, bởi sẽ dồn nguồn lực vào mục tiêu hướng tới.

Sau gần 30 năm, tổng kết lại, có 3 yếu tố chủ đạo làm nên thành công của Hòa Phát. Thứ nhất, đầu tư đúng hướng, kiên định đầu tư theo con đường lâu dài, không làm theo phong trào. Thứ hai, tính toán đúng nhu cầu thị trường về các sản phẩm mà Hòa Phát đầu tư. Thứ ba, Việt Nam là nước công nghiệp mới, nên nhu cầu về sắt thép xây dựng còn rất lớn.

Nhăm nhe bán 4 triệu tấn thép/năm, HPG khiến đối thủ lo lắng
Trong tháng 10/2018, Tập đoàn Hoà Phát (HPG) đã bán được 250.000 tấn thép xây dựng và đạt sản lượng xuất khẩu 40.000 tấn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư