Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khoản phải thu của FECON giảm mạnh
Kỳ Thành - 08/02/2022 13:30
 
Khoản phải thu của FECON giảm mạnh 29% so với đầu năm 2021, cho thấy công tác thu hồi công nợ và tình trạng bị chiếm dụng vốn của công ty được cải thiện đáng kể.
Một Dự án điện gió mà FECON đang triển khai
Một dự án điện gió mà FECON đang triển khai

Công ty cổ phần FECON (mã FCN - HoSE) đã công bố BCTC quý IV/2021 và luỹ kế cả năm 2021.

Theo đó, trong quý IV/2021, FECON ghi nhận doanh thu đạt 1.275 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 44 tỷ đồng, giảm 13,3% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 26% so với quý IV/2020 lên 184,89 tỷ đồng, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,9% lên 14,5%.

Mặc dù lợi nhuận gộp tăng, nhưng do chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế quý IV/2021 giảm. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 80% lên gần 48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10% lên 70 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ chào thầu và tiến độ triển khai các dự án của khách hàng dẫn đến giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của công ty.

Ngoài ra trong năm 2021 việc chi trả cổ tức của các công ty con được thực hiện rải rác trong IV quý khiến doanh thu tài chính quý IV giảm so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, do tiến độ thu tiền một số dự án bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình tài chính của khách hàng đồng thời dự án Metroline 3 Hà Nội (Nhổn - Ga Hà Nội) vẫn bị dừng thi công do chưa giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng khiến tăng thời gian vay vốn.

Trong quý IV/2021, FECON cũng công bố trúng hàng loạt gói thầu với tổng giá trị khoảng 1.290 tỷ đồng.

Với kỳ vọng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như các dự án năng lượng tái tạo mà FECON sở hữu, thời gian gần đây, cổ phiếu FCN cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ mức giá thấp nhất là 10.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) lên 37.000 đồng (phiên 12/1/2022), sau đó “hạ nhiệt” do ảnh hưởng chung của thị trường và đang giao dịch quanh ngưỡng 23.000 đồng/cổ phiếu (phiên 8/2/2022).

Lũy kế cả năm 2021, FECON ghi nhận doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2020.

Trong năm 2021, FECON đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 175 tỷ đồng. Như vậy, FECON chỉ hoàn thành được 89% chỉ tiêu doanh thu và 65,6% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FECON đạt 7.598 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn (37%) trong tổng tài sản của FECON là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 2.818 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với con số đầu năm là 3.969 tỷ đồng thì có thể thấy, công tác thu hồi công nợ của FECON đã được cải thiện đáng kể.

Trong năm 2021, hàng tồn kho và tài sản cố định của công ty cũng tăng mạnh lên 1.710 tỷ đồng và 1.887 tỷ đồng, tương ứng tăng 66% và 180% so với đầu năm, cho thấy FECON đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất trong năm 2021, bởi phần giá trị tăng chủ yếu là đầu tư vào máy móc, thiết bị và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

Về nợ phải trả, giá trị ghi nhận tại ngày 31/12/2021 là 4.594 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tăng 20% lên xấp xỉ 3.004 tỷ đồng, do trong quý IV/2021, FECON đã phát hành thành công 32 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho Quỹ đầu tư hạ tầng Red One và CTCP Raito Kogyo (nhà đầu tư ngoại), thu về 416 tỷ đồng, được ghi nhận vào vốn góp của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần.

FECON lọt Top 50 Doanh nghiệp Việt có Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn 2021
Công ty cổ phần FECON (FECON) đứng vị trí thứ 6 nhóm ngành Xây dựng/Vật liệu/kiến trúc, đồng thời đứng trong Top 50 Doanh nghiệp Việt có Thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư