Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động
Thị Hồng - 24/08/2020 14:31
 
Theo Sở Du lịch TP.HCM, từ khi Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm Covid-19 cuối tháng 7/2020 đến 17/8/2020, có từ 90-95% doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn đã tạm ngưng hoạt động.

Phần còn lại, các doanh nghiệp lữ hành chỉ hoạt động để xử lý các công nợ với đối tácm khách hàng, nhân viên luân phiên chia ca làm việc trực tuyến tại nhà hoặc nghỉ không lương. 

Đây là nội dung về việc hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng từ Covid-19 trong giai đoạn hiện nay do Sở Du lịch TP.HCM vừa báo cáo Uỷ ban nhân dân Thành phố. 

Đơn vị này chia tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch từ đầu năm đến nay thành 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 25/07 đến nay với dự báo, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ gặp nhiều trở ngại gấp bội trong thời gian tới. 

Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động đã được nêu như trên và với hoạt động cơ sở lưu trú cũng khó khăn không kém.

Cụ thể, khi Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm từ thời điểm cuối tháng 07/2020, các đơn đặt phòng trong tháng 07 và tháng 08 tại các khách sạn đa số bị huỷ, các hợp đồng hội nghị, tiệc cưới, nhà hàng (quy mô trên 30 khách trở lên) cũng bị huỷ. 

Sở Du lịch TP.HCM đánh giá, điều này một lần nữa tác động đến kết quả kinh doanh và tình hình nhân sự của các khách sạn khi phải cắt giảm, chia ca làm việc 2-3 ngày trong tuần.

Công suất phòng hiện giảm 91,5%, số lượng lao động giảm 61% so với cùng kỳ (trong đó, 87.4% lao động nghỉ không lương và 12,6% chấm dứt hợp đồng lao động).

Sở Du lịch TP.HCM báo cáo đến nay, có 21 công ty lữ hành và 436 hướng dẫn viên du lịch được hưởng chính sách giảm 50% phí, lệ phí so với trước dịch Covid–19; 453 cơ sở lưu trú du lịch được giảm 10% giá bán điện theo Quy định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương trong 3 tháng, từ kỳ hóa đơn gần nhất kể từ ngày 16/4/2020. 

Cùng với đó, 07/50 doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú gặp khó khăn khi liên hệ với ngân hàng để kiến nghị giảm lãi suất cho vay.

Về các trường hợp này, Sở Du lịch Thành phố đã đưa ra một số nguyên nhân trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ từ phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành như không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận các gói vay tín chấp.

Ngoài ra, hầu hết người lao động, doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ theo quy định tại nghị quyết số 42 và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg.  

.
Dịch vụ du lịch khám phá thành phố bằng xe bus Hop On Hop Off do công ty Ảnh Việt Tourist triển khai (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc).

Theo văn bản số 1295, Sở Du lịch TP.HCM vừa tham mưu đề xuất UBND Thành phố 02 kịch bản hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 trong thời gian tới.

Kịch bản thứ 1, trường hợp dịch bệnh được khống chế trong tháng 09/2020, Sở đề xuất tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp lữ hành khách sạn, vận chuyển và các điểm tham quan để có những sản phẩm mới, hấp dẫn an toàn và cạnh tranh. 

Đơn vị này còn kiến nghị đẩy mạnh triển khai các nội dung liên kết hợp tác phát triển với các tỉnh thành trong cả nước, chú trọng các tour thu hút phân khúc khách khác nhau như doanh nhân, học sinh, sinh viên, công nhân; nghiên cứu thực hiện số hóa các điểm đến du lịch trên địa bàn TP bằng giao diện ảnh 360, 3D,… 

Kịch bản thứ 2, trường hợp dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2020, bên cạnh các nhóm giải pháp trên, Sở kiến nghị nên tập trung cơ cấu, đào tạo lại nguồn nhân lực trong ngành du lịch cùng với hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường khách du lịch và xây dựng các sản phẩm mới chuẩn bị tái khởi động kinh doanh khi dịch bệnh được khống chế.

Đặc biệt, Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBNP Thành phố kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tham mưu chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chậm nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng trong năm 2020 trong khoảng thời gian từ 06 đến 12 tháng; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong năm 2020; tiếp tục giảm tiền điện, nước, phí dịch vụ Internet, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vay 50% tiền ký quỹ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và phải hoàn lại trong vòng 01 năm. 

Giải pháp cho doanh nghiệp du lịch vay 50% tiền ký quỹ được kỳ vọng giúp doanh nghiệp có nguồn vốn tái khởi động, hoạt động kinh doanh, tiếp tục duy trì hoạt động, hạn chế trường hợp rút giấy phép để lấy lại tiền ký quỹ và hoạt động kinh doanh lữ hành không phép.

Vốn đăng ký doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể gấp hơn 3 lần vốn thành lập mới
Dù lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và giải thể trên địa bàn TP.HCM thấp hơn lượng doanh nghiệp thành lập mới nhưng tổng vốn đăng ký...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư