Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Khơi dòng năng lượng từ khí hóa lỏng: Đừng để tuột mất cơ hội
N.L - 10/10/2023 07:21
 
Việc chuyển đổi thành công các dự án đốt than sang khí tự nhiên hóa lỏng là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng và giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050.

Xu hướng chuyển dịch sang năng lượng sạch

Một loạt dự án điện than đang chờ được “bật đèn xanh” để chuyển đổi thành các dự án phát điện từ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khi Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Trị có những động thái kiên quyết về việc bỏ các dự án điện than để chuyển sang làm điện khí nhằm đảm bảo nguồn điện cung cấp cho địa phương trong tương lai, đồng thời bổ sung cho nguồn điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển nguồn điện chạy nền của nước ta trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiệt điện than không được phát triển thêm, thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển các nguồn lớn có khả năng điều tần. Do đó, phát triển nhiệt điện khí (cả khí tự nhiên và LNG) trong giai đoạn hiện nay để chạy nền có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch dần sang năng lượng sạch hơn ở Việt Nam.

.
Phát triển nhiệt điện khí (cả khí tự nhiên và LNG) trong giai đoạn hiện nay để chạy nền có vai trò rất quan trọng nhằm bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch dần sang năng lượng sạch hơn ở Việt Nam.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, hiện có 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong việc thay đổi cổ đông, thu xếp vốn, với tổng công suất lên tới 7.220 MW. Các dự án này gồm: Nhiệt điện Vĩnh Tân III (1.980 MW), Nhiệt điện Sông Hậu II (2.120 MW), Nhiệt điện Quảng Trị (1.320 MW); Nhiệt điện Công Thanh (600 MW); Nhiệt điện Nam Định I (1.200 MW).

Trong đó, với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư là Tổng công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã có văn bản thông báo dừng triển khai.

Đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh (tại Thanh Hóa), nhà đầu tư - Tập đoàn Công Thanh và tỉnh Thanh Hóa đang xin chuyển thành dự án điện khí LNG (Văn bản số 9651/UBND-CN ngày 4/7/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than sang khí LNG nhập khẩu với công suất 1.500 MW).

Tập đoàn Công Thanh báo cáo đã sẵn sàng vốn và mặt bằng cho việc chuyển đổi. Cụ thể, Công Thanh đã ký quỹ với tổ hợp nhà đầu tư, gồm: Tập đoàn BP (cung cấp khí cho Dự án), Tập đoàn GE (cung cấp thiết bị) và Quỹ đầu tư Actis (thu xếp tài chính). Theo chủ đầu tư dự án, các đối tác ngoại cũng đang ‘theo sát’ dự án và nếu có tín hiệu bật đèn xanh của chính phủ cho dự án này sẽ là tiền đề cơ bản cho những đàm phán và đi tới thỏa thuận cụ thể.

"Chúng tôi đang thảo luận về khả năng hợp tác với Công Thanh về đề xuất phát triển dự án phát điện từ LNG, đặt tại tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam, cùng với hai đối tác quốc tế khác”, đại diện Tập đoàn BP Singapore chia sẻ với Báo Đầu tư. BP không che dấu tham vọng trở thành một công ty có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc sớm hơn. “Dự án được đề xuất với Công Thanh phù hợp với mục tiêu bền vững của BP, bao gồm cung cấp nhiều năng lượng sạch hơn cho nền kinh tế và hỗ trợ cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động", đại diện BP nói.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Tập đoàn GE hiện cũng đang triển khai những trao đổi kỹ thuật về dự án Công Thanh và sẵn sàng tham gia nếu cơ hội hợp tác mở.

Liên quan tới việc chuyển đổi Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh thành dự án điện khí LNG, bà Lâm Nguyễn Phương Thảo, luật sư của Công ty Russin và Vecchi Việt Nam cho rằng, nếu được phê duyệt, thì đây có thể trở thành hình mẫu cho các dự án đang chậm tiến độ.

“Trên hết, việc chuyển đổi năng lượng đốt than sang các nhà máy điện sử dụng LNG có thể tạo ra việc làm trong ngành xây dựng, kỹ thuật và vận hành hạ tầng liên quan. Đồng thời, thông qua việc chuyển đổi này, có thể thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài và giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào than nhập khẩu”, bà Thảo.

Tuy nhiên, để chuyển đổi thành công dự án năng lượng đốt than sang sử dụng LNG, cần giải quyết được “bài toán” chi phí trả trước, vì hạ tầng LNG cần được phát triển và nguồn cung cấp cần được đảm bảo. Đặc biệt, phải làm rõ khung pháp lý về nhập khẩu LNG và sản xuất điện.

Mặc dù vậy, bà Thảo bày tỏ tin tưởng rằng, lợi ích của việc chuyển đổi các nhà máy điện đốt than sang nhà máy điện LNG sẽ lớn hơn chi phí. “Đây là bước cần thiết trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một tương lai năng lượng sạch hơn và bền vững hơn”, luật sư của Công ty Russin và Vecchi Việt Nam nhấn mạnh.

Trong các cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đều khẳng định, các dự án nhà máy điện LNG là nguồn điện quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện chạy nền như nguồn nhiệt điện sử dụng LNG sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh cung cấp điện quốc gia.

Tuy nhiên, việc cho phép chuyển đổi hay không còn phụ thuộc vào các cuộc làm việc giữa Bộ Công thương với nhà đầu tư và địa phương có dự án. Cụ thể, Bộ Công thương phải xem xét rất nhiều vấn đề, như sự phù hợp của cơ cấu nguồn điện, khả năng tác động tới giá điện, năng lực của chủ đầu tư dự án cũng như những đơn vị tham gia tổ hợp nhà đầu tư, các điều kiện kỹ thuật để chuyển đổi dự án...

LNG - lựa chọn thay thế hoàn hảo cho các dự án điện than

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, việc chuyển đổi dự án điện than sang điện khí là vấn đề cấp thiết, không có gì phải bàn cãi. Lý do là, LNG có lượng khí thải carbon thấp hơn tới 50% so với than, thêm vào đó, các tổ chức tín dụng cũng đang thắt chặt vốn cho các dự án điện than để bảo đảm cam kết quốc tế về giảm phát thải.

Ông John Rockhold, Trưởng nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

Để việc chuyển đổi này diễn ra thành công, ông Rockhold nhấn mạnh yếu tố hạ tầng, cảng nước sâu, giá điện và đặc biệt là hướng dẫn của Chính phủ.

Đồng quan điểm, bà Lâm Nguyễn Phương Thảo phân tích: “Bằng cách chuyển đổi cơ sở vật chất hiện có, các nhà máy được chuyển đổi có thể tận dụng vị trí chiến lược, hạ tầng hoàn chỉnh và các kết nối hiện có với đường cao tốc và cảng biển. Điều này sẽ giảm bớt chi phí, thời gian giải phóng mặt bằng hay thủ tục hành chính”.

Nêu dẫn chứng, tại Mỹ, từ năm 2011 đến năm 2019, có hơn 100 nhà máy nhiệt điện than đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, bà Thảo cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và căn cứ vào những điều kiện cụ thể của mình để áp dụng.

Đặc biệt, theo TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) thông thường, các nhà máy điện than, điện khí nằm ở miền Nam, miền Trung, nhưng miền Bắc lại có mức tiêu thụ điện cao hơn, làm gia tăng áp lực cho hệ thống truyền tải. Vì vậy, ông Lâm cho rằng, đẩy mạnh chuyển đổi đối với các dự án điện than, nhất là những dự án có sẵn hạ tầng, sẽ giải quyết được vấn đề này.

Song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa là mức độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, những diễn biến trên thị trường toàn cầu trong thời gian qua càng cho thấy nhu cầu cấp bách cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng, vì một hệ thống năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch có thể tác động đến mức chi phí trong nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, với xu hướng phát triển bền vững hiện nay, có thể nói LNG chính là lựa chọn thay thế hoàn hảo cho các dự án điện sử dụng than.

Tăng hệ lụy nếu các dự án điện chậm tiến độ
Quy hoạch Điện VIII được ban hành chậm hơn 2 năm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 của Quốc hội. Sự chậm trễ này, theo các cơ quan của Quốc hội, đã ảnh hưởng tới các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một nhà đầu tư cho hay, tính đến mốc thời gian 2030, chỉ còn 7 năm để thực hiện các dự án điện khí. Nếu các dự án không kịp tiến độ, thì không chỉ lãng phí thời gian, mà còn gia tăng nguy cơ thiếu điện. Trong khi đó, LNG cũng là điện hoá thạch, nên đến năm 2030, có thể các ngân hàng sẽ không tài trợ vốn nữa.

“Do đó, cần đẩy nhanh các dự án điện khí LNG. Dự án nào triển khai nhanh được, thì đề nghị cho triển khai, kể cả dự án điện than chuyển đổi sang LNG nếu đủ điều kiện, để tránh tình trạng thiếu điện vào thời điểm nắng nóng”, nhà đầu tư này nói.
Nhiệt điện Công Thanh đề xuất chuyển sang điện khí LNG: Ích nước, lợi doanh nghiệp
Đề xuất vừa được lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cho thấy hướng đi và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư