Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Khởi nghiệp ở Việt Nam: Đừng nản lòng khi Quỹ đầu tư từ chối
Hồng Phúc - 17/03/2021 15:53
 
Có rất nhiều lý do để Quỹ đầu tư từ chối rót vốn vào start-up. Theo bà Hoàng Thị Kim Dung, các start-up không nên nản lòng, hãy tập trung vào khách hàng, tiếp tục hoàn thiện dự án.

Genesia Ventures là một quỹ đầu tư có trụ sở tại Nhật Bản, tập trung vào góp vốn cho các start-up công nghệ tại Nhật Bản và Đông Nam Á trong giai đoạn đầu phát triển. Hiện tổng các tài sản và số vốn quỹ đang quản lý nằm ở mức 100 triệu USD. 

Genesia đã và đang đầu tư vào khoảng 80 start-up toàn cầu và tại Việt Nam đã góp vốn cho các doanh nghiệp Homedy, Luxstay, Kamereo, Manabie, eDoctor và BuyMed.

Bà Kim Dung sinh ra tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Kinh tế Đại học Osaka, từng làm việc tại IBM Nhật Bản và gia nhập Genesia Ventures, Inc tháng  vào 04/2019.

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures Việt Nam.

Qua quan sát và trong các mối quan hệ với start-up, bà đánh giá như thế nào về nỗ lực của họ trong việc duy trì, phát triển hoạt động sau năm đầu tiên đại dịch xảy ra?

Nỗ lực sinh tồn của start-up trong năm vừa qua, có thể nói rất mạnh mẽ và bền bỉ.

Để sinh tồn, kéo dài thêm đường chạy (runway), nhìn chung, rất nhiều start-up tôi biết, họ đã cắt giảm chi phí hoạt động một cách tối đa, và tối ưu hoá vận hành bằng nguồn lực hạn chế. 

Nếu ví start-up như cơ thể người thì họ đã cắt giảm gần hết mỡ thừa, những chi phí không cần thiết, đổi lại là một cơ thể có nhiều cơ hơn, dẻo dai hơn và có sức hứng chịu khó khăn mạnh mẽ hơn trong năm Covid-19 thứ hai này. 

Là tác giả bài viết “SCALE và nguyên lý 'Cái rổ thủng: Đừng vội khi start-up chưa đủ 'chín'”, được nhiều người trong hệ sinh thái chia sẻ, bà có thể chia sẻ thêm góc nhìn của mình về việc sử dụng nguồn vốn của start-up mà mình biết?

Bài viết về Scale và nguyên lý “Cái rổ thủng” của tôi được viết đựa trên sự quan sát và trao đổi trò chuyện với nhiều start-up, các quỹ đầu tư và các tổ chức hỗ trợ start-up nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. 

Có thể nói, có hai kiểu start-up: một là start-up tập trung vào gọi vốn, coi việc gọi được vốn là thành công và hai là start-up tập trung vào sản phẩm và coi việc thuyết phục được khách hàng sử dụng là thành công. 

Ở hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam mình, hiện nay có cả hai kiểu start-up này. 

Start-up ở kiểu thứ nhất, tuy có thể gọi được nhiều vốn, nhưng chưa có sự tập trung triệt để vào hoàn thiện sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dùng. 

Vì vậy, vốn gọi được có thể bị sử dụng một cách không hiệu quả như phụ thuộc quá nhiều vào chạy quảng cáo hay trả tiền để có người sử dụng, hay tệ hơn là sử dụng vào việc không liên quan trực tiếp tới người dùng hay sản phẩm, đó là những thứ tạo hình thức bóng bẩy như văn phòng xa xỉ, hay các buổi tiệc sang trọng... 

Đó như là một cái rổ thủng, khi tiền bị đổ vào rồi ra, mà không lưu lại được những giá trị bền vững nhất, cũng như cách khách hàng đến rồi đi, sẽ không quay lại tiếp tục sử dụng sản phẩm, để tạo ra doanh thu tăng trưởng bền vững cho start-up.  

.
Bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures (Ảnh: NVCC).



Genesia đã dẫn đầu nhóm các nhà đầu tư rót vốn vào Vietcetera từ đầu năm ngoái. Gần đây, Vietcetera thông báo sắp hoàn thành Series A. Theo bà, đâu là những điều mà đội ngũ Vietcetera đã làm được để có thể tiếp tục đến với vòng gọi vốn kế tiếp? 

Sau gần 1 năm đầu tư đi theo sát đội ngũ Vietcetera, chúng tôi luôn đánh giá cao họ ở tầm nhìn lớn, sự lao động chăm chỉ và nhiệt huyết sáng tạo nội dung chất lượng cao mang tới độc giả của Vietcetera. 

Nội dung là "sản phẩm" của start-up này, nên đội ngũ Vietcetera đã luôn tập trung vào giá trị cốt lõi đó, luôn tìm tòi những đề tài thú vị, mang tính nhân văn, với góc nhìn tiến bộ, đem lại những bài viết nổi bật chất lượng. 

Nhờ đó, trong năm vừa qua Vietcetera đã có sự tăng trưởng người đọc một cách ấn tượng, website của Vietcetera đã cán mốc 1 triệu người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng, tương đương với mức tăng trưởng 700% so với năm trước đó. 

Ngoài ra, Vietcetera đã có được những đội ngũ phát triển nội dung mạnh, tìm ra được công thức sản xuất nội dung chất lượng cao với chi phí được tối ưu. 

Do đó với vòng gọi vốn Series A, Vietcetera mong muốn có thể Scale- mở rộng được mạnh mẽ, đem đến nhiều nội dung chất lượng cao tới nhiều độc giả hơn nữa. 

Chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng, khi startup sẽ thành công khi có đội ngũ mạnh biết tập trung vào giá trị cốt lõi là sản phẩm, không ngừng hoàn thiện chất lượng và làm hài lòng khách hàng của mình. 

Có rất nhiều lý do để Quỹ đầu tư từ chối rót vốn vào start-up. Theo bà, việc quan trọng nhất mà đội ngũ lãnh đạo start-up đó nên làm sau khi bị từ chối là gì?

Ở Genesia Ventures, chúng tôi không muốn nói "không" với start-up, mà chỉ từ chối đầu tư ở thời điểm hiện tại của start-up, mong muốn được nhìn thấy start-up hoàn thiện hơn. 

Khi đạt được tiêu chí đầu tư, quỹ sẽ có thể quyết định đầu tư.  Do đó, đội ngũ lãnh đạo startup chắc hẳn cũng ít nhiều trải nghiệm việc bị từ chối đầu tư ở những thời điểm khác nhau. 

Tuy nhiên, xin đừng nản lòng, hãy tham khảo có tính chọn lọc những góp ý từ nhà đầu tư, ưu tiên tập trung vào khách hàng, sản phẩm và đội ngũ, để tiếp tục hoàn thiện start-up của mình. 

Và hãy cố gắng để cho các nhà đầu tư đã từ chối trước đó được cập nhật quá trình hoàn thiện đó của startup, khi thời điểm chín đến, start-up sẽ có thể nhận được câu trả lời “Yes” từ nhà đầu tư. 

Trong cuộc trao đổi giữa chúng ta năm ngoái, bà có nói đến việc mong muốn cùng các Quỹ, dù là nội hay ngoại, chung tay “đẩy thuyền” cho các start-up phát triển hơn. Mong muốn này có được đa số những người tham gia hệ sinh thái hưởng ứng?

Mong muốn các quỹ nội và quỹ ngoại cùng "lên thuyền" và "đẩy thuyền" start-up phát triển, không chỉ là mong muốn của riêng tôi, mà còn là của chung của rất nhiều người trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. 

Tiêu biểu cho sự hưởng ứng chung là vào tháng 12 năm ngoái, Liên minh quỹ đầu từ VVCA được ra mắt với 17 thành viên là các quỹ đầu tư nội và ngoại kết hợp, góp tiếng nói chung để cùng đề xuất những chính sách nhằm hỗ trợ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư cho start-up Việt Nam. 

Ngoài ra, giữa các quỹ đầu tư, thực tế đã luôn luôn tồn tại sự kết nối, gặp gỡ để chia sẻ thông tin liên quan về các cơ hội đầu tư start-up  cho nhau, giúp các start-up gia tăng thêm các cơ hội tiếp cận dòng vốn đầu tư cho các vòng tiếp theo. 

Là chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures Việt Nam, bà có kiến nghị nào đến các cơ quan chức năng để góp phần tháo gỡ những vướng mắc mà start-up hay các Quỹ đầu tư Genesia đang gặp phải khi kinh doanh tại Việt Nam? 

Trong năm vừa qua hoạt động ở Việt Nam, tôi được đi theo sát với hệ sinh thái khởi nghiệp.

Thực sự cảm thấy rất vui, hơn bao giờ hết, hiện tất cả các thành phần trong hệ sinh thái đều tham gia đóng góp tích cực, với mục đích chung là để Việt Nam có thêm thật nhiều start-up được tạo ra và phát triển thành công ở Việt Nam. 

Trong quá trình phát triển ấy, có những khó khăn vướng mắc là điều không tránh khỏi. Quan trọng là chúng ta tiếp tục có những cơ hội để tất cả cùng đều mở lòng, lắng nghe và thực sự cùng nhau tháo gỡ những khó khăn đó. 

Với riêng quỹ đầu tư Genesia Ventures, tất cả sự tập trung của chúng tôi hiện nay vẫn luôn là start-up và thách thức của chúng tôi là làm sao để những start-up đầu tư có nhiều cơ hội thành công hơn nữa ở Việt Nam. 

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: Con tôi về nước khởi nghiệp vì khát vọng lớn lao
Ông tin khi con trai mình đã tìm ra sở trường, đam mê và dành trọn tâm huyết, nỗ lực cho nó thì sẽ có được thành công và hạnh phúc.
Bình luận bài viết này
  • luuquynhanh 15:45 | 20-03-2021
    Mình cảm giác các quỹ đầu tư khởi nghiệp, các chuyên gia với vai trò "bà đỡ" cho các start-up nhưng còn ngại nói thẳng, nói thật về những khó khăn khi khởi nghiệp ở Việt Nam thì phải? Nếu cứ nói chung chung thì các bạn mới vào việc, mới ấp ủ dự án không hình dung hết được những thử thách có thể gặp phải, vậy sao có thể chuẩn bị kỹ lưỡng mà tiến xa?
  • thuyquynh.duong 14:01 | 19-03-2021
    Không liên quan lắm, nhưng nhìn gương mặt chị, có thể cảm nhận sự hồn hậu, nhiệt tình, thân thiện. Hy vọng điều đó cũng giúp cho các start-up được chị và Quỹ tư vấn cảm thấy thêm tin tưởng và có động lực hơn. Thân.
  • namtien 13:57 | 19-03-2021
    Chị có nói, Liên minh quỹ đầu từ VVCA được ra mắt với 17 thành viên là các quỹ đầu tư nội và ngoại kết hợp, góp tiếng nói chung để cùng đề xuất những chính sách nhằm hỗ trợ thu hút thêm nhiều vốn đầu tư cho start-up Việt Nam". Vậy Liên minh đã đề xuất những chính sách hỗ trợ cụ thể nào, chị có thể chia sẻ được không ạ?
  • nguoinoithang 10:30 | 18-03-2021
    Đồng ý là các start-up còn những hạn chế, khiếm khuyết cần được hoàn thiện, bổ sung mới có thể được rót vốn. Nhưng xem một số chương trình về khởi nghiệp, mình thấy có những bác "cá mập" nói như té tát vào mặt các bạn trẻ. Mà nói thật, giờ các bác là Shark rồi, chứ ở độ tuổi của các bạn trẻ, có bác cũng chưa có tố chất gì, chưa có sáng tạo gì. Nên chăng là sự động viên, chia sẻ để khuyến khích người trẻ nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo của mình. 10 ý tưởng, 100 ý tưởng hay hơn nữa mà được 1 ý tưởng thành công, cũng đã là quá tốt cho xã hội rồi. Mình nói vậy chắc khó nghe, nhưng là suy nghĩ thật và có thể nhiều bạn khác cũng nghĩ như mình mà chưa có điều kiện nói ra. Yêu nhau, xin đừng nói lời cay đắng!
  • thienminh.nguyen 21:03 | 17-03-2021
    Không chỉ ở Việt Nam, ở đâu thì sự kiên trì, nhẫn nại, theo đuổi đến cùng cũng là tố chất mà người khởi nghiệp cần phải có để đi đến đích. Chưa được lựa chọn, rót vốn thì phải xem mình còn thiếu sót gì, có tham vọng không, có khả thi không, để hoàn thiện mình. Nếu mới nhận được những góp ý đã nản thì không xứng đáng được rót vốn.
  • tuanchau.ngoc 15:57 | 17-03-2021
    Cảm ơn lời khuyên của chị, chị đã nói trúng "tim" của nhiều bạn trẻ khởi nghiệp. Nhưng nói thật, nhiều khi cũng nản lắm, làm đi làm lại, loay hoay hoài không thuyết phục được bên rót vốn!!!
  • maitranhai 16:01 | 17-03-2021
    Mình thích hình ảnh "cái rổ thủng". Đúng là còn không ít startup vẫn nặng về quảng bá, như là một cái rổ thủng, đốt tiền mà không đem lại giá trị gì, thế thì làm sao giữ chân được khách hàng, thuyết phục được nhà đầu tư?
Xem thêm trên Báo Đầu Tư