Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Khối ngoại bán ròng tới hơn 1.400 tỷ đồng, VN-Index hồi phục nhanh sau cú võng sâu
Thanh Thủy - 20/10/2021 20:07
 
Trước thềm phiên giao dịch đáo hạn phái sinh ngày mai, thị trường bất ngờ võng sâu. VN-Index xuống mốc 1.376 điểm nhưng cũng nhanh chóng hồi phục sau đó.

Cú võng sâu hơn 24 điểm giữa phiên chiều

Trái với diễn biến giằng co đi ngang ngay từ đầu phiên, thị trường bất ngờ lao dốc mạnh giữa phiên chiều. VN-Index có thời điểm giảm còn 1.377 điểm, bốc hơi tới 18 điểm so với mức đóng cửa phiên hôm qua và giảm 24 điểm so với mốc 1.400 điểm mà chỉ số nhiều thời điểm vượt lên trong phiên. HNX-Index có thời điểm rơi xuống 386 điểm, UPCoM-Index còn hơn 99 điểm.

Cú võng trên xảy ra chóng vánh, cả ba chỉ số đều hồi phục mạnh sau đó. VN-Index chỉ còn giảm 1,53 điểm (-0,11%) xuống 1.393,8 điểm. VN-Index dóng cửa trong sắc đỏ với số mã chứng khoán giảm giá cao áp đảo. HNX-Index vẫn tăng 1,29 điểm (0,33%) lên 388,29 điểm. UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (0,08%) lên 99,68 điểm.

Thị trường bất ngờ rơi sâu nhưng hồi phục nhanh
Thanh khoản tăng mạnh khi thị trường bất ngờ rơi sâu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch phân hóa. Trong khi một số đầu tàu như VCB, CTG, BID vẫn giảm giá, cổ phiếu TCB, OCB và SHB lại tăng mạnh. Nhóm bảo hiểm sau một phiên giao dịch thăng hoa bất ngờ đã nhanh chóng điều chỉnh với 7/10 cổ phiếu giảm giá. Cổ phiếu của ông lớn Bảo Việt (BVH) giảm 1,47% về mốc 60.500 đồng/cổ phiếu.

Cú rơi bất ngờ xuất hiện khi hợp đồng phái sinh VN30F2110 sẽ đáo hạn vào ngày mai (21/10). Theo phân tích của SSI Research, nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua ròng hơn 2.400 tỷ đồng kể từ khi hợp đồng tháng 10 trở thành hợp đồng tương lai kỳ hạn gần nất và mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng chỉ riêng tuần qua (11/10 – 15/10). Công ty chứng khoán này nhận định giao dịch kể trên có thể cho thấy giao dịch chênh lệch giá đã thực hiện vị thế bán (short) với hợp đồng tương lai và vị thế mua trên thị trường cơ sở trước đáo hạn. Do đó, bộ phận phân tích của SSI đánh giá sẽ có những áp lực nhất định lên vận động của VN30.

So với chỉ số chung, VN30 giảm mạnh hơn (-0,14%) và hiện đang đóng cửa ở mức 1.505 điểm. Hợp đồng VN30F2110 cũng giảm theo thị trường cơ sở, đóng cửa ở mức 1.504 điểm.

Dòng tiền mới được kích hoạt, thanh khoản thị trường vượt 28.500 tỷ đồng

Cũng nhờ cú võng giữa phiên chiều, dòng tiền mới kích hoạt chảy vào thị trường, kéo thanh khoản tăng. Tổng giá trị khớp lệnh đến cuối phiên sáng đạt 11.985 tỷ đồng, giảm so với sáng qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch khớp lệnh cả phiên đã vọt lên 26.607 tỷ đồng, tăng 19,6% so với hôm qua. Tính cả các giao dịch thỏa thuận, thanh khoản trên ba sàn đạt 28.518 tỷ đồng.

Trong khi dòng tiền mới đón bắt được giá thấp khi cổ phiếu hồi phục ngay trong phiên, bên bán lại “hớ” khi chuyển nhượng ở giá thấp. Khối ngoại bán ròng đột biến hơn 1.300 tỷ đồng trên sàn HoSE. Có tới 7 cổ phiếu bị bán ròng hơn trăm tỷ đồng.

HPG vẫn là cổ phiếu bị “chốt lời” mạnh nhất, thu về tới 359 tỷ đồng. Đây đã là phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp của cổ phiếu ông lớn ngành thép này và còn là phiên giảm thứ hai kể từ sau khi xác lập đỉnh giá mới hôm 18/10 (57.900 đồng/cổ phiếu).

Cổ phiếu bất động sản và ngân hàng cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài “thoát hàng” khối lượng lớn như NLG, VIC, VHM hay VCB, CTG, STB… Cổ phiếu SSI cũng bị bán ròng hơn 103 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF SSIAM VNFIN LEAD được khối ngoại mua ròng nhiều nhất (66 tỷ đồng).

Riêng trên HoSE, khối ngoại đã bán 2.819 tỷ đồng và mua vào 1.454 tỷ đồng, tương đương bán ròng 1.365 tỷ đồng.  Còn trên cả ba sàn, giá trị bán ròng của khối ngoại lên tới 1.406 tỷ đồng, duy trì chuỗi ba phiên liên tiếp bán ra trên thị trường.

Sau 9 tháng, FPT ghi nhận 4.575 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế
Cả doanh thu và lợi nhuận của FPT duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 9 tháng qua, với động lực chính từ mảng công nghệ và viễn thông.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư