Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Chứng khoán tuần qua: VN-Index bứt phá nhưng chưa vượt được ngưỡng tâm lý 1.400 điểm
Thanh Thủy - 16/10/2021 14:55
 
Sau phiên tăng vọt đầu tuần, VN-Index lình xình đi ngang và chỉ chạm mốc 1.400 điểm khá chớp nhoáng hai lần. Thanh khoản tăng khá và đã xuất hiện phiên mua ròng trở lại của khối ngoại.

Tích lũy tìm xu hướng sau phiên bứt phá đầu tuần

Thị trường chứng khoán ghi nhận một tuần tăng điểm tích cực khi VN-Index có phiên đầu tuần tăng tới hơn 21 điểm. Tuy nhiên, giao dịch bốn phiên sau lại khá lình xình. Chỉ số sàn HoSE đóng cửa ở mức 1.392,7 điểm, tăng 19,97 điểm, tương đương 1,45% so với cuối tuần trước. UPCoM-Index tăng đều với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, đóng cửa tăng 1,16%. Riêng HNX-Index bứt phá tăng tới 12,92 điểm (+3,47%).

VN-Index chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý 1.400 điểm

VN-Index chưa thể bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý 1.400 điểm - Nguồn: Vietstock Finance

Trong khi VN-Index vẫn vẫn chưa thể chinh phục thành công ngưỡng 1.400 điểm và cách 31 điểm so với đỉnh cũ 1.424 điểm xác lập hôm 2/7, hai chỉ số sàn UPCoM và HNX đều liên tục xô đổ đỉnh cũ và xác lập mức điểm cao mới.

Đà tăng của HNX-Index được dẫn dắt bởi hai cổ phiếu, gồm tân binh KSF của Tập đoàn KSFinance – một trong ba thành viên thuộc nhóm công ty do ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT Sunshine Group nắm lượng lớn cổ phần và IDC – cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang thu hút dòng tiền lớn.

KSF chào sàn HNX hôm 6/10, liên tục tăng kịch biên độ và mới chỉ có phiên giảm điểm đầu tiên hôm 15/10 (-4,1%). Tính chung cả tuần, cổ phiếu này vẫn đóng góp tới 5,5 điểm tăng cho chỉ số. Với mức tăng 29,7%, KSF cũng là cổ phiếu trong nhóm tăng mạnh nhất tuần qua. Thanh khoản cải thiện dần từng phiên, từ mức vài nghìn cổ phiếu/phiên đã tăng lên vài trăm nghìn cổ phiếu/phiên.

Cổ phiếu của IDICO cũng tăng 8,4% trong tuần. Khối lượng giao dịch tuần qua ghi nhận một số phiên vọt lên 6,7 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, trong khi bình quân 10 phiên gần đây chỉ giao dịch 3,2 triệu đơn vị. Cổ phiếu này gần mới đón nhận thông tin khá tích cực khi doanh nghiệp này sắp chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2021 tỷ lệ 24% và tiến gần hơn kế hoạch chuyển sang niêm yết sàn HoSE.

Riêng hai cổ phiếu trên đã góp 7 điểm tăng trong tổng hơn 12,9 điểm tăng của chỉ số sàn HNX. Còn trên sàn HoSE, ông lớn vốn hóa Vingroup lại là trụ cột lớn nhất nâng đỡ chỉ số. Cùng đó, một số cổ phiếu ngân hàng như TCB, CTG, VPB, VIB, MBB, HDB dù xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ nhưng vẫn nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index.

Tân bình SHB đã có tuần giao dịch giao dịch đầu tiên trên HoSE. Tuy nhiên, khác với KSF, lĩnh mới sàn HoSE chỉ tăng giá trong phiên chào sàn với mức tăng khiêm tốn. Tính chung cả tuần, vốn hóa thị trường của SHB đã giảm 4,7% và là cổ phiếu trong nhóm 5 cổ phiếu kéo chỉ số giảm nhiều nhất bên cạnh MSN, VHM, NVL và VCB.

Khối ngoại bán ròng tuần thứ 10, bán mạnh MML, ròng rã chốt lời HPG

Giá trị giao dịch tuần này duy trì ở mức cao. Riêng trên sàn HoSE, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 732,51 triệu đơn vị/phiên, tăng 9,81% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 21.595 tỷ đồng/phiên, tăng 8,51% so với tuần trước. Trên sàn HNX, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 2.560 tỷ đồng/phiên, giảm nhẹ 3,15% so với tuần trước. Theo chuyên gia phân tích từ Chứng khoán Rồng Việt, thanh khoản tăng mạnh trong phiên thứ Sáu và đạt trên mức trung bình 50 phiên, cho thấy áp lực bán chốt lời vẫn mạnh và gây sức ép cho thị trường.

Điểm tích cực trong phiên cuối tuần vừa qua là động thái mua ròng của khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lần đầu tiên sau 7 phiên, dù số tiền giải ngân vẫn còn khiêm tốn (khoảng 30 tỷ đồng). Tính chung cả tuần, nhóm này vẫn bán ra cổ phiếu thu về 2.989 tỷ đồng. Đây cũng đã là tuần bán ròng thứ 10 liên tiếp của khối ngoại.

Ba cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất là MML, HPG và PAN. Giao dịch bán thỏa thuận của VN Consumer Meat II PTE. LTD thuộc quỹ đầu tư toàn cầu KKR (Hàn Quốc) là nguyên nhân chính khiến giá trị bán ròng của khối ngoại tại Masan MeatLife tăng lên 2.549 tỷ đồng. Ngay sau khi thoái vốn khỏi công ty thực phẩm này, ông Kok Neal Leroux, người tham gia vào HĐQT Masan MeatLife từ tháng 4/2019, đã từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT. Đến nay, danh tính (các) cổ đông nội mua lại cổ phần tương đương hơn 7% vốn điều lệ công ty chưa được công bố. Nhiều khả năng do chưa xuất hiện nhà đầu tư nắm trên 5% vốn sau thương vụ vừa qua. 

Tương tự MML, một số cổ đông lớn nước ngoài của The PAN Group là Tael Two Partners và Sojitz đang đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu PAN. Giá trị bán ròng PAN trong tuần vừa qua tăng lên hơn 349 tỷ đồng. Chỉ tính riêng giao dịch liên quan đến cổ đông lớn nước ngoài tại hai doanh nghiệp này, giá trị bán ròng đã lên tới 2.898 tỷ đồng.

Cổ phiếu của vua thép Hòa Phát cũng đang bị khối ngoại bán ròng tới 393 tỷ đồng nhưng nguồn cung cổ phiếu lại đến từ nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ nắm sở hữu cổ phần dưới 5%. Động thái chốt lời diễn ra khi HPG đang ở vùng giá đỉnh lịch sử, đóng cửa tuần này ở mức giá 57.300 đồng/cổ phiếu.

Hoàng Minh Thắng, đồng tác giả T-Check: Cấp tốc tìm “vắc-xin công nghệ” trong mùa dịch
Ngay trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư, đội ngũ kỹ sư của TMA Innovation, trong đó có Hoàng Minh Thắng đã “điều chế” ra “vắc-xin công nghệ”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư