Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 17 tháng 06 năm 2024,
Khối ngoại "chốt lời" mạnh cổ phiếu FPT, VN-Index giảm hơn 19 điểm
Tùng Linh - 24/05/2024 17:02
 
Thị trường giảm mạnh trong phiên 24/5 trước việc nhiều nhóm ngành cổ phiếu lao dốc với thanh khoản ở mức cao. FPT bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Đồng thời, đây cũng là cổ phiếu kéo VN-Index giảm sâu.

Khác với cú đảo ngược vào cuối giờ giao dịch hôm qua, nỗ lực cuối phiên không thể giúp thị trường chứng khoán ghìm lại đà giảm. Ngay từ khi mở cửa, diễn biến trái ngược phiên trước xuất hiện khi áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và kéo các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn tương đối tốt và giúp các chỉ số không biến động tiêu cực mà giằng co quanh mốc tham chiếu.

Dù vậy, vào cuối phiên sáng, những biến động xấu đã xảy ra khi áp lực bán dâng lên rất cao kéo hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu lao dốc. Áp lực bán mạnh hơn vào phiên chiều khi tâm lý tiêu cực bao trùm toàn thị trường.

“Tội đồ” của phiên hôm nay phải kể đến FPT khi đây là mã kích hoạt tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư khi thị trường đang ở những ngưỡng nhạy cảm. FPT bị bán mạnh và chốt phiên giảm đến hơn 4% xuống 131.900 đồng/cổ phiếu. FPT là một trong những cổ phiếu dẫn dắt thị trường đi lên trong khoảng thời gian vừa qua. Khi cổ phiếu ông lớn ngành công nghệ này có vấn đề đã kích hoạt lực bán mạnh lan toả đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu khác.

FPT lấy
Cổ phiếu FPT kéo VN-Index đi lùi.

FPT hôm nay lấy đi của VN-Index tới 1,74 điểm. Đồng thời, FPT có phiên khớp lệnh kỷ lục 13,4 triệu cổ phiếu và bị khối ngoại bán ròng 2,6 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu công nghệ khác như CMG, ELC… cũng đồng loạt giảm.

Các cổ phiếu ngân hàng cũng là góp nhiều “đại diện” trong top 10 tác động tiêu cực đến thị trường khi ghi nhận áp lực đến từ VCB, CTG, VPB… Trong đó, VCB giảm gần 0,9% và lấy đi 1,09 điểm. CTG giảm 2,3% và lấy đi 0,98 điểm. Cùng với đó, các cổ phiếu như HPG, MSN, VHM hay BCM cũng đều có biến động tiêu cực ở phiê này.

Hàng loạt các nhóm ngành cổ phiếu “hot” thời gian qua như họ Viettel, phân bón, cảng biển - vận tải biển, chứng khoán… đều đồng loạt đi xuống. Trong đó, các cổ phiếu “họ” Viettel đều có mức giảm trên 3%.

Nhóm bất động sản cũng giao dịch tiêu cực khi ghi nhận việc DPG giảm sàn, TCH giảm hơn 6%, NTL giảm 5,9%...

Top 10 cổ phiếu tác động mạnh nhất đến VN-Index.

Ở chiều ngược lại, trong nhóm VN30 vẫn có 4 cổ phiếu tăng giá gồm ACB, GVR, PLX và STB. Trong đó, GVR có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 0,83 điểm, cổ phiếu này trong phiên tăng 2,5% lên 34.350 đồng/cp. ACB cũng tăng 2,8% và đóng góp 0,76 điểm. Ngoài ra cổ phiếu HVN tiếp tục chuỗi tăng ấn tượng với 2% lên 24.200 đồng/cp và cũng đóng góp 0,27 điểm cho VN-Index.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 19,1 điểm (-1,49%) xuống 1.261,93 điểm. Toàn sàn có 93 mã tăng, 364 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,19 điểm (-2,1%) xuống 241,72 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 139 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,77 điểm (-0,81%) xuống 94,4 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 1.367,8 triệu cổ phiếu, trị giá 35.531 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp 3.119 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 3.121 tỷ đồng và 1.697 tỷ đồng.

SHB là khớp lệnh mạnh nhất thị trường với hơn 39 đơn vị, tiếp sau đó, MBB, VIX, ACB, NVL, DIG, HPG và SHS đều khớp lệnh trên 30 triệu đơn vị.

Khối ngoại bất ngờ bán mạnh cổ phiếu FPT.

Khối ngoại bán ròng bán ròng đột biến hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HoSE trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã FPT với 355 tỷ đồng. MWG, MBB và VHM đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất CCQ ETF FUEVFVND với 92 tỷ đồng. TCB cũng được mua ròng 33 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 26 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 34 tỷ đồng ở UPCoM.

Động thái "chốt lời" cổ phiếu FPT ở thời điểm này vẫn có thể mang về trái ngọt cho  khối ngoại. Thời gian qua, cổ phiếu tăng mạnh, hiện vẫn cao hơn 37% so với thời điểm đầu năm. Thường xuyên trong tình trạng tiến sát mức tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, quyết định bán ra của khối ngoại đã giúp cổ phiếu này đã hở room khá nhiều (gần 2,7 triệu đơn vị).

Góc nhìn TTCK tuần 20-24/5: Ưu tiên nắm giữ cổ phiếu
Trong giai đoạn tới, thị trường nhìn chung vẫn đang trong xu hướng tích cực tuy nhiên và sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư