Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Khơi thông nguồn lực khoáng sản, bắt đầu từ tư duy trong sửa luật
Khánh An - 07/07/2022 08:11
 
Kế hoạch sửa đổi Luật Khoáng sản có thể bắt đầu cho sự thay đổi lớn trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Cần thu hút được các Dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản 	ảnh: đ.t
Cần thu hút được các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản     Ảnh: Đ.T

Đấu giá rất hiệu quả, sao vẫn khó làm?

Chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trên tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp trong 10 năm qua, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đây là con số được tổng kết sau 10 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, tỷ lệ của hình thức đấu giá có cao hơn, 394 trên tổng số 4.279 giấy phép được cấp, chiếm tỷ lệ 9,2%.

Những con số này vẫn quá thấp, ở cả góc độ số liệu lẫn hiệu quả thực thi Luật Khoáng sản.

Trong công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để góp ý cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản sửa đổi, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhắc lại rằng, đấu giá quyền tài sản chính là một nội dung đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010. Song, trên thực tế, đa số mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin - cho”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI) nhấn mạnh, vấn đề đáng quan tâm là hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế, quy định pháp luật có, nhưng tại sao không phát huy rộng rãi.

Ngay trong Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thể hiện rõ ý này. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền). Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp.

Khi đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chính sách mới, lần đầu tiên thực hiện, nên bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập. Đặc biệt, quy định của pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa gắn kết đồng bộ, phù hợp với quy định về đất đai và quy định về đấu giá tài sản, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.

Hơn thế, trình tự, thủ tục liên quan để đưa dự án vào hoạt động sau khi tổ chức đấu giá thành công, như tổ chức thăm dò; phê duyệt trữ lượng khoáng sản, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, cấp phép đầu tư dự án, cấp phép khai thác khoáng sản, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thuê đất… thường phức tạp và kéo dài.

Đó là chưa kể, phần lớn các khu vực đưa ra đấu giá chưa có kết quả thăm dò mới dừng ở công tác đánh giá, điều tra, nên chưa xác định được chính xác trữ lượng, tài nguyên khoáng sản; độ tin cậy của tài liệu thấp, chưa đánh giá được chính xác giá trị của mỏ.

Hệ quả là, như Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa thật sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân.

Cơ hội thay đổi

“Một phần nguyên nhân của thực trạng trên nằm trong chính các quy định của Luật Khoáng sản 2010”, ông Đức chia sẻ quan điểm về lý do đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép theo hình thức “xin - cho”.

Cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi đang có những đề xuất thay đổi. Cụ thể, các quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được sửa đổi theo hướng đơn giản, minh bạch; nghiên cứu bổ sung các quy định để đảm bảo sau khi đấu giá, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nhanh chóng thực hiện dự án, không bị cản trở bởi các yếu tố bất khả kháng như không thỏa thuận được về thuê đất, hoặc chồng lấn với dự án khác, hoặc giá đền bù quá lớn.

Đặc biệt, đối với khu vực không đấu giá quyền khai thác, nếu có tiêu chí rõ ràng, thì thẩm quyền phê duyệt nên chuyển về Bộ Tài nguyên và Môi trường, tránh quá nhiều việc phải trình lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, nguyên nhân lớn là do Điều 78, Luật Khoáng sản đã không quy định rõ tiêu chí khoanh định khu vực đấu giá và khu vực không đấu giá, mà giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều này dẫn đến tình trạng các tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng và thực tế cho thấy, đại đa số các mỏ khoáng sản được xếp vào diện không đấu giá.

“Việc sửa đổi Luật Khoáng sản lần này cần tập trung làm rõ các trường hợp bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ngay trong luật. Định hướng là mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng rất hạn chế”, ông Đức khuyến nghị.

Với phương án này, ông Đức cho rằng, sẽ khắc phục được tình trạng trình quá nhiều lên Thủ tướng. Khi đó, việc duy trì thẩm quyền của Thủ tướng như trong Luật Khoáng sản hiện hành sẽ là một biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế số lượng mỏ không qua đấu giá.

Nhưng, VCCI đang quan tâm đến mối lo ngại hơn cả của các doanh nghiệp. Đó là những quy định liên quan đến quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản.

Qua thực tiễn triển khai Luật Khoáng sản, ông Đức cho hay, VCCI nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp phản ánh tình trạng quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản không được pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ, mặc dù họ đã phải nộp một số tiền cấp quyền khai thác rất lớn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp thường sử dụng quyền khai thác khoáng sản đã được cấp làm tài sản bảo đảm để huy động vốn đầu tư xây dựng công trình mỏ. Đây cũng là thông lệ quốc tế về thực tiễn kinh doanh trong ngành khoáng sản tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khi doanh nghiệp muốn thế chấp quyền khai thác khoáng sản để vay vốn đầu tư mỏ, thì bị một số cơ quan nhà nước gây khó khăn. Lý do được đưa ra là: vì Luật Khoáng sản không đề cập việc bảo vệ quyền tài sản của doanh nghiệp (bao gồm cả quyền thế chấp) đối với quyền khai thác khoáng sản.

“Việc tuyên bố rõ ràng và bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (nhất là việc thế chấp để vay vốn trong giai đoạn ngay sau cấp phép) sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và có thêm nguồn lực để xây dựng công trình mỏ an toàn, hiện đại, giúp giảm tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường và nâng cao khả năng khai thác triệt để nguồn lợi khoáng sản”, ông Đức nhắc lại khuyến nghị của VCCI gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, VCCI đề nghị bổ sung các quy định về bảo vệ quyền tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản đã cấp cho doanh nghiệp, có thể tiến hành dẫn chiếu sang Bộ luật Dân sự để tạo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc thiếu sót.

Cùng với đề xuất này, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm đầu tư đối với các dự án khoáng sản lớn.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra nhiệm vụ phải thu hút được các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác và chế biến khoáng sản.

Dù vậy, trong thời gian qua, lĩnh vực khoáng sản của Việt Nam đã không thu hút được các dự án đầu tư lớn, bài bản nhằm tận dụng được nguồn tài nguyên quốc gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do pháp luật chưa có cơ chế bảo hộ thích đáng đối với doanh nghiệp đầu tư dự án khoáng sản quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài.

Trao đổi với các doanh nghiệp khoáng sản, VCCI nhận thấy, một trong những nguyên nhân lớn nhất hạn chế đầu tư lớn trong lĩnh vực khoáng sản là rủi ro chính sách.

Rõ ràng, Việt Nam đang thu hút thành công các dự án đầu tư rất lớn trong nhiều lĩnh vực như chế tạo, năng lượng, xây dựng hạ tầng… nhờ sự ổn định chính sách. Các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng, các sắc thuế như thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân hay kể cả thuế nhập khẩu sẽ không có sự thay đổi lớn và đột ngột trong một khoảng thời gian dài.

Sự ổn định này đã không có trong lĩnh vực khoáng sản 10 năm qua.

Trên 8.000 giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản đã được cấp

Tính đến đầu năm 2021, cả nước có 3.679 khu vực được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân đang khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại khoáng sản như đá, sét, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát…

Trong đó, có gần 3.000 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phần lớn ở quy mô nhỏ và trên 500 khu vực khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp đang hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo 8.082 giấy phép (3.182 giấy phép thăm dò và 4.900 giấy phép khai thác khoáng sản) do cơ quan Trung ương và các địa phương cấp phép.

Trong đó, số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài Nguyên và Môi trường là 753 giấy phép (gồm: 332 giấy phép thăm dò khoáng sản, 421 giấy phép khai thác khoáng sản); số lượng giấy phép đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh là 7.347 giấy phép (gồm: hơn 2.800 giấy phép thăm dò khoáng sản; gần 4.500 giấy phép khai thác khoáng sản).

Một số tỉnh có số lượng tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản tương đối nhiều là: Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Thọ...

Tuy nhiên, cũng có địa phương không có hoạt động khoáng sản, như Bạc Liêu; hoặc có ít doanh nghiệp tham gia,như: Sóc Trăng, Thái Bình, Nam Định, Cần Thơ, Đồng Tháp, TP.HCM.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư