Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khơi thông nguồn lực ở doanh nghiệp nhà nước
Như Loan - 01/04/2022 10:30
 
Sứ mệnh “sếu đầu đàn” được kỳ vọng ở các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện được nếu doanh nghiệp được làm mới, làm khác thời gian qua.
SCIC triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines
SCIC triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines

Tròn vai nhưng còn đau đáu

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước diễn ra cả ngày 24/3 đã chạm đến những vấn đề nóng rẫy của khu vực kinh tế quan trọng này.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp quan trọng không thể phủ nhận trong thời gian qua. Chẳng hạn, theo ông Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, qua hơn 15 năm hoạt động, SCIC đã góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Cụ thể, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 30.770 tỷ đồng; đã triển khai bán vốn tại 1.020 doanh nghiệp thu về 48.841 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 4,4 lần); nộp ngân sách nhà nước hơn 69.500 tỷ đồng. Tỷ suất ROE bình quân 13%/năm.

SCIC đã triển khai tái cơ cấu, xử lý tồn tại của một số tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn như Tập đoàn Dệt may – Vinatex, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng – Licogi, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn – Sabeco…; cơ cấu xử lý 02 dự án trong 12 dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ thuộc ngành Công thương: Dự án Tisco 2 và Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM); triển khai giải ngân 6.895 tỷ đồng đầu tư theo chỉ định của Chính phủ vào Vietnam Airlines.

SCIC cũng từng bước thực hiện vai trò nhà đầu tư Chính phủ, giải ngân 36.841 tỷ đồng, đồng thời tích lũy vốn chủ sở hữu đạt gần 60.500 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); Vốn hóa thị trường đạt của danh mục trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).

Dù vậy, ông Nguyễn Chí Thành trong nhiều cuộc trao đổi với giới báo chí luôn mong muốn SCIC sẽ được làm khác, có những diện mạo mới tới đây.

Đây cũng là vấn đề cần được quan tâm hơn lúc này, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc họp: “Doanh nghiệp nhà nước phải nói rõ được điểm nghẽn nào cần tháo gỡ, tạo điều kiện gì để huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Bản lĩnh đi con đường mới

Mang trong mình sự trăn trở, cùng với nhiều lãnh đạo DNNN khác, tại hội nghị ngày 24/3, ông Nguyễn Chí Thành đã đề xuất cần có một hệ thống cơ chế chính sách đặc thù mang tính đột phá và đầu tư bổ sung cho một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, tập trung vào các “sếu đầu đàn” của nền kinh tế. Nhất là hiện nay, các DNNN quy mô lớn bao gồm 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban, Viettel, 04 ngân hàng thương mại nhà nước và một số tổng công ty nhà nước khác nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

“Theo Luật Quản lý sử dụng vốn, Luật ngân sách nhà nước hiện nay, nhiều lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước không thuộc đối tượng được Nhà nước tiếp tục đầu tư thêm vốn. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương đang được kết chuyển về ngân sách nhà nước theo Luật ngân sách nhà nước. Do đó, thực tế phát sinh nhiều trường hợp doanh nghiệp nhà nước cần bổ sung vốn để mở rộng quy mô hoặc ứng phó với tình hình khẩn cấp ngoài kế hoạch (như dịch Covid vừa qua) thì sẽ không có nguồn vốn để đầu tư. Ví dụ điển hình như trường hợp Vietnam Airlines. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cần có một công cụ, một kênh đầu tư để thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả cho các doanh nghiệp".

"SCIC với vai trò là nhà đầu tư của Chính phủ, có thể huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển các DNNN quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án trọng điểm quốc gia. Mọi khoản đầu tư của nhà nước cho DNNN được thực hiện thông qua SCIC”, ông Thành nói.

Sau hơn 15 năm hoạt động, SCIC đã từng bước thực hiện vai trò Nhà đầu tư Chính phủ, giải ngân đầu tư với tổng số tiền 36.841 tỷ đồng và năng lực đầu tư của SCIC đã từng bước được tích lũy, tăng cường.

Cụ thể, về năng lực tài chính, SCIC đạt vốn chủ sở hữu của gần 60.500 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt trên 64.400 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); Vốn hóa thị trường của danh mục đạt trên 200.000 tỷ đồng (khoảng trên 8,6 tỷ USD).

Thêm vào đó, SCIC có kinh nghiệm, uy tín và lợi thế trong triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, đã triển khai thành công mô hình đại diện chủ sở hữu thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, bước đầu thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ vào thị trường tài chính, cơ sở hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Đồng thời, qua nhiều năm thực hiện công tác tiếp nhận, quản trị và thoái vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp, Tổng công ty này đã xây dựng đội ngũ trên 200 cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm trong quản trị và đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước.

Với những thế mạnh của mình, cùng với đặc thù hoạt động trong hệ sinh thái của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC sẽ huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban. Khi tham gia đầu tư, SCIC - với vai trò là nhà đầu tư tài chính, phối hợp cùng các doanh nghiệp thuộc Ủy ban - với vai trò là nhà đầu tư chuyên ngành, thực hiện đầu tư vào các dự án quy mô lớn, trọng điểm quốc gia có hiệu quả, thông qua đó, tạo động lực dẫn dắt và phát triển kinh tế xã hội.

Từng có nhiều năm nghiên cứu về các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm quốc tế về huy động các nguồn lực từ các tổ chức tài chính nhà nước đầu tư khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid 19, hồi phục, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Quỹ Đầu tư chính phủ là mô hình đang được các chuyên gia quan tâm và thảo luận. Đây là tổ chức đầu tư thuộc sở hữu của Nhà nước được thành lập để sử dụng nguồn thu từ thặng dư cán cân thanh toán; dự trữ ngoại hối, tiền thu từ cổ phần hóa của Chính phủ; thặng dư ngân sách; thu từ xuất khẩu tài nguyên…đầu tư thực hiện các mục tiêu của Chính phủ.

Trong những năm gần đây, số lượng và quy mô tài sản của các Quỹ Đầu tư chính phủ trên thế giới đã tăng mạnh. Tính đến năm 2021, có khoảng hơn 200 Quỹ Đầu tư chính phủ, trong đó tổng giá trị tài sản thuộc phạm vi quản lý của 100 Quỹ Đầu tư chính phủ lớn nhất trên thế giới lên tới 9.160 tỷ USD.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009: Singapore sử dụng 4,9 tỷ SGD từ Công ty đầu tư chính phủ GIC để hỗ trợ nền kinh tế. Tại Trung Quốc, CIC (thông qua công ty con Central Huijin) đã mua cổ phần tại 4 ngân hàng….

doanh nghiệp nhà nước phải nói rõ được điểm nghẽn nào cần tháo gỡ, tạo điều kiện gì để huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Được coi là cánh tay nối dài của Chính phủ, các quỹ đã đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có vai trò mở đường, dẫn dắt, lan tỏa để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng. Temasek Singapore là điển hình về vai trò của Quỹ Đầu tư chính phủ trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động những ngành, lĩnh vực dẫn dắt  nền kinh tế. Năm 2021, tổng giá trị danh mục đầu tư của Temasek là 381 tỷ Đô la Singapore (tương đương 280 tỷ USD). Trong đó, Temasek đầu tư và nắm giữ chi phối (một số doanh nghiệp là 100% vốn) tại các doanh nghiệp quy mô lớn trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến hạ tầng cơ sở quan trọng của nền kinh tế… Khazanah Nasional Berhad, Malaysia là cổ đông chi phối của một số công ty chiến lược quốc gia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, dịch vụ tài chính, hàng không… với tổng tài sản là 30,5 tỷ USD.

“Đã đến lúc xem xét chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC thành Quỹ Đầu tư Chính phủ để huy động nguồn lực tài chính cho DNNN và đầu tư ổn định, phát triển kinh tế - xã hội”, ông Long khuyến nghị.

Cùng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng mọi khoản đầu tư của nhà nước cho DNNN nên được thực hiện thông qua SCIC; Giao SCIC làm đầu mối để huy động và đầu tư bổ sung nguồn lực tài chính nhằm củng cố, phát triển DNNN quy mô lớn và tham gia đầu tư các dự án quy mô lớn.

Theo Đề án: “Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn SCIC với định hướng chuyển đổi hoạt động theo mô hình Quỹ Đầu tư chính phủ là 1 trong 8 “sếu đầu đàn” có vai trò dẫn dắt.

Mô hình trên được thực hiện cũng cho thấy rất rõ ý chí tiến về phía trước của khu vực kinh tế nhà nước, tức là không chỉ thoái vốn, bán đi, thu hẹp, nhỏ đi như giai đoạn vừa qua, mà phải có đầu tư thêm, nhất là những lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: năng lượng sạch, công nghệ, hạ tầng quan trọng quốc gia, các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất…

Quỹ đầu tư chính phủ - động lực thúc đẩy nền kinh tế
Khi thương mại, đầu tư toàn cầu biến động, các nền kinh tế đều cần trụ cột để giữ vững sự chủ động, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư