Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 02 tháng 02 năm 2025,
Không có chuyện xây cầu treo cho hai hộ dân đi
 
Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT Hà Tĩnh xuống hiện trường làm việc với lãnh đạo địa phương để làm rõ vụ việc.
17
Cầu treo Khe Tây 

Trước thông tin cầu treo Khe Tây (xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư 3,5 tỷ đồng mà chỉ phục vụ 2 hộ dân, ngày 13/8, Tổng cục Đường bộ VN cùng với Sở GTVT Hà Tĩnh trực tiếp đến hiện trường và làm việc với lãnh đạo địa phương để làm rõ vụ việc.

Dân mừng vì thoát cảnh băng suối, lội khe

Ngày 13/8, PV  trực tiếp có mặt cùng đoàn khảo sát của Tổng cục Đường bộ VN tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Theo quan sát, cầu treo Khe Tây bắc qua khe Trươi vừa được hoàn thành nằm sát tuyến đường liên thôn dẫn từ trung tâm xã tới khu vực các xóm 5, 6, cách một cây cầu khác là cầu Gãy bắc qua khe Trôi chừng 500 m.

Cầu Gãy và cầu Khe Tây nằm trên hai nhánh suối phục vụ đi lại cho người dân ở hai vùng khác nhau. Cầu Gãy nằm trên đường vào xã Hưng Điền. Còn cầu Khe Tây phục vụ dân cư vùng Khe Bùn - Eo Nâm thuộc xóm 6, xã Sơn Thọ với 26 hộ dân đang sinh sống và 16 hộ dân có đất sản xuất trong khu vực này. Vì thế, theo một số hộ dân, nếu đi qua cầu Gãy để vào vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm, người dân phải qua suối Khe Tiên vào mùa mưa lũ, nước suối dâng cao và chảy xiết sẽ không thể qua lại. Khi ấy, dân cư trong khu vực này hoàn toàn bị cô lập bởi khe Tiên và khe Trươi.

Theo tìm hiểu của PV, vấn đề khiến dư luận bức xúc ở dự án xây dựng cầu treo Khe Tây không phải là tính khả thi hay số hộ dân được hưởng lợi từ dự án mà nguyên nhân sâu xa nằm ở việc thiếu đường giao thông kết nối đồng bộ. Trước thông tin này, chiều 13/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường đã đề nghị địa phương khẩn trương khai thông tuyến đường này để nhân dân đi lại thuận lợi  trong mùa mưa lũ sắp tới.

Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ Nguyễn Khắc Hội cho biết: “Vào mùa mưa bão, đường bê tông vòng lối cầu Gãy bị ngập sâu từ 1,5 m - 3 m nên toàn bộ dân cư ở xóm 6 lại phải mạo hiểm đi men theo đường cũ rồi dùng bè, dây cáp để băng qua nước lũ khe Trươi tới trung tâm xã”.

Đi theo cầu Khe Tây tới gặp gỡ những hộ dân xóm 6 đang sinh sống, canh tác trên khu vực đồi rừng phía Tây xã Sơn Thọ, chúng tôi gặp anh Nguyễn Minh Tân, người tới xóm 6 sinh sống, lập nghiệp được hơn 30 năm. Anh Tân cho biết: “Có những năm lũ to nước ngập sâu tới hơn 3 m, ngập cả một phần vườn đồi nhà tôi. Khi đó đường sá ngập cả, chúng tôi gần như bị cô lập hoàn toàn. Nay có cầu treo Khe Tây, người dân không còn chịu cảnh cô lập nữa”.

Theo anh Tân, thông tin nói “xây cầu treo cho hai hộ dân hay để phục vụ ông Chủ tịch xã” là không chính xác.

Cùng quan điểm này, ông Trần Văn Học, Trưởng xóm 6 cũng cho biết: “Nếu đi vòng theo đường bê tông qua cầu Gãy, có thể chở phân bón, trái cây thu hoạch bằng xe máy, ô tô nhưng lại phải gồng gánh đi cả cây số mới tới đường chính. Còn đi lối cầu treo Khe Tây chỉ vài trăm mét là tới trung tâm xã”.

Đại diện 26 hộ dân xóm 6 được mời đến dự cuộc họp cũng đều bày tỏ sự vui mừng khi có cây cầu treo Khe Tây.

Sau chuyến thị sát, các thành viên trong đoàn đều khẳng định, việc xây dựng cầu treo Khe Tây tại vị trí hiện tại là hoàn toàn hợp lý. Ông Trịnh Văn Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: “Tuyến đường bê tông và cầu Gãy không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của 26 hộ dân và 16 hộ có đất sản xuất ở bờ Tây khe Trươi vì khi mưa lớn, nước dâng cao thì toàn bộ sẽ bị cô lập”.

18
 

Đã khảo sát kỹ và thực hiện đúng quy trình

Giải thích lý do chọn vị trí xây dựng cầu treo Khe Tây, đại diện đơn vị thực hiện tư vấn xây dựng cầu treo tại Hà Tĩnh là Công ty Teco 4 cho biết, theo quy trình, việc chọn địa điểm xây dựng cầu treo Khe Tây do UBND xã thực hiện, báo cáo UBND huyện thẩm định. Sau đó, danh sách những địa điểm dự kiến xây dựng cầu treo được tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Tổng cục Đường bộ VN triển khai xây dựng. Tất cả những nơi địa phương kiến nghị đều được đơn vị tư vấn khảo sát và đã đến tìm hiểu quy hoạch của địa phương.

Thực tế, báo cáo do Sở GTVT Hà Tĩnh gửi Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, đường từ xóm 6 ra trung tâm xã Sơn Thọ nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới của xã, đã được UBND huyện Vũ Quang phê duyệt giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có quy hoạch điều chỉnh quy hoạch bổ sung phát triển trang trại, vùng sản xuất chăn nuôi tập trung công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, trong đó có tuyến đường nối xóm 6 ra trung tâm xã Sơn Thọ.

Ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: “Khi khảo sát xây dựng cầu, chúng tôi cũng đã tính toán thực nghiệm nhiều vị trí ở gần các khu tập trung đông dân cư của xóm 6 để xây dựng cầu. Tuy nhiên, do khu vực này là vùng trũng nên nếu xây cầu ở đây đòi hỏi phải xây dựng cầu cứng, vốn lớn, chiều dài cầu phải vượt trên 200 m mới vượt đỉnh lũ. Như vậy nằm ngoài tiêu chuẩn xây dựng của dự án cầu treo”.

Cũng theo ông Sỹ, địa hình, địa chất ở khu vực này cũng không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật xây dựng cầu treo. Vì thế, các cơ quan liên quan đã đồng ý phương án xây dựng cầu treo ở vị trí hiện tại.

 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư