Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Không có dự án lớn, vốn FDI vào Việt Nam tháng 11 chỉ 490 triệu USD
Nguyên Đức - 26/11/2016 14:53
 
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong tháng 11 chỉ là 490 triệu USD, khá thấp nếu tính theo tháng. Sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn là nguyên nhân của tình trạng này.
TIN LIÊN QUAN

Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 18,103 tỷ USD, bằng 89,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong đó, có 2.240 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 13,028 tỷ USD, bằng 96,1% so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, có 1.075 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,075 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2015.

.
.

Như vậy, nếu so với con số trên 17,6 tỷ USD vốn FDI thu hút được trong 10 tháng đầu năm, thì trong tháng 11/2016, cả nước chỉ thu hút được 490 triệu USD vốn FDI, bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm.

Nếu tính bình quân theo tháng, thì đây là mức thu hút vốn FDI khá thấp. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn.

Cuối tuần trước, Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực đầm nhà Mạc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vốn đầu tư 315,46 triệu USD. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án này đã được tính cho tháng 10/2016, do giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được ký từ thời điểm đó.

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2016, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với 907 dự án đầu tư đăng ký mới và 766 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 13,41 tỷ USD, chiếm 74,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 11 tháng.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 49 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 740,93 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 684,84 triệu USD, chiếm 3,8% tổng vốn đầu tư.

11 tháng đầu năm, trong khi vốn đăng ký sụt giảm so với cùng kỳ, do từ đầu năm tới nay ít dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, thì vốn giải ngân tiếp tục xu hướng tích cực. Con số chính thức sau 11 tháng là 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Các dự án FDI đã hoạt động kinh doanh hiệu quả, do vậy, 11 tháng qua đã đóng góp 114,076 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước (tính cả dầu thô), tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 71,5% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với kim ngạch nhập khẩu 92,831 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015, thì tính chung trong 11 tháng đầu năm 2016, khu vực FDI xuất siêu 21,245 tỷ USD - kể cả dầu thô và xuất siêu 19,148 tỷ USD - không kể dầu thô.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư