Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Không để người dân sống dưới gầm thảm họa - Bài 5: Tổng lực phòng ngừa thảm hoạ thiên tai
Hà Minh - 20/11/2021 08:27
 
Những vạt rừng, cây cối đâm chồi nảy lộc trên những vùng ngập mặn nơi sạt lở cửa sông, cửa biển, những bờ kè sinh thái được chính quyền, doanh nghiệp đầu tư như “lá chắn thép” giữ đất,
Mùa mưa mới lại đến. Lũ lụt, sạt lở đất, biển lấn làng lại tái diễn khắp dải đất miền Trung. Thiệt hại sau mỗi đợt mưa lũ cứ chồng lên qua từng năm, gia tăng về số lượng, nặng nề về mức độ tàn phá. Thiên tai ập đến, khó lường, khó đoán định làm xơ xác nhiều vùng đất ở miền Trung. Phải làm gì để người dân không nơm nớp lo sợ sống dưới gầm thảm họa, để họ sống bình yên, an toàn trong ngôi nhà của mình, để họ gắn với quê hương, không phải ly tán... 
Công trình kè mềm sinh thái tại khu resort Vĩnh Hưng (Quảng Nam)
Công trình kè mềm sinh thái tại khu resort Vĩnh Hưng (Quảng Nam)

Bài 5: Tổng lực phòng ngừa thảm hoạ thiên tai

Tại các địa phương miền Trung, hệ thống cảnh báo thiên tai được đầu tư hiện đại, đồng bộ; bản đồ cảnh báo được xây dựng chi tiết hơn, sát hơn với những vùng hay xảy ra thiên tai, bão lũ; phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) vẫn luôn sẵn sàng. Hơn hết, nhận thức về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây là những tín hiệu đáng mừng, hy vọng về một tương lai sẽ trở nên yên bình hơn với con người nơi đây.

Thích ứng với thiên nhiên, chủ động trước thiên tai

Khi những đợt mưa lũ cuối tháng 10 rút đi, chúng tôi đi dọc triền sông Thu Bồn (Quảng Nam). Tại những vị trí xung yếu thường xuyên bị đe doạ và sạt lở do thượng nguồn xả lũ, nay đã bật lên những hàng cây xanh chắn sóng, ngăn lũ và giữ đất. Tại khu resort Vĩnh Hưng nằm ven sông Thu Bồn, một kè sinh thái với chiều dài khoảng 350 m mới được hoàn thiện 3 lớp bảo vệ như những “lá chắn thép” che chắn an toàn cho những hạng mục công trình bên trong.

Ông Phạm Vũ Dũng, đại diện chủ đầu tư khu resort này cho biết, tình trạng xói lở, xâm thực từ sông Thu Bồn đã tăng nhanh qua các năm. “Khoảng 2.000 - 3.000 m2 đất của khu resort đã bị xói lở. Sau khi tham khảo các mô hình sinh thái, chúng tôi đã chủ động bỏ kinh phí tiến hành  làm tuyến kè này. Bước đầu, qua 4 đợt lũ, kè sinh thái đã phát huy tác dụng, cây được trồng đã lên xanh, đẻ nhánh nhiều gấp đôi so với lúc mới trồng. Bãi bồi ven sông Thu Bồn như con giao long khổng lồ mang một tấm giáp màu xanh đầy hy vọng”.

TS. Ngô Anh Đào, Công ty Tư vấn quy hoạch và thiết kế cảnh quan LAPAT International, tác giả của kè sinh thái này chia sẻ, việc xây dựng kè dựa theo cấu trúc tự nhiên mà thực vật sử dụng để tồn tại trước sự thay đổi môi trường, đó là để “thích ứng với thiên nhiên”, chứ không phải “chinh phục thiên nhiên”.

“Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” là chương trình do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ tại Quảng Ngãi. Chương trình này được triển khai dọc ven biển huyện Bình Sơn. Chỉ tay về vạt rừng rộng chừng 100 ha đã lên xanh, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, ông Võ Văn Đồng cho biết, trong số 100 ha, huyện đã giao 70 ha rừng cho người dân bảo vệ, gắn quyền lợi và trách nhiệm nên rừng được giữ vững.

Đã có nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu tại duyên hải miền Trung được triển khai hàng chục năm nay, hình thành nên những cánh rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Năm 2021, được sự hỗ trợ của JICA, tỉnh Ninh Thuận đã trồng mới 330 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, kết hợp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng với diện tích trên 4.000 ha.

Trong khi đó, ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam thì tập trung xây dựng các mô hình, dự án sinh thái về đô thị, du lịch, công nghiệp… để thích ứng với thiên nhiên, tiến tới phục hồi thiên nhiên.

Để không phải chạy theo thiên tai và dọn dẹp những thiệt hại sau thảm họa, các địa phương miền Trung đã chủ động hơn trong các giải pháp phòng chống, thích ứng với thiên tai. Đơn cử, tại Khánh Hòa, tỉnh đã rà soát lại quy hoạch, rà soát các khu vực sạt lở để di dời dân đến nơi ở mới. Việc quy hoạch, cấp phép dự án đầu tư mới đã được thẩm định kỹ càng hơn, không để dự án gây phá vỡ cảnh quan và môi trường thiên nhiên. 

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là việc làm cấp bách, thường xuyên và phải làm nhanh để các mùa mưa lũ tiếp theo không phải di dời dân và chứng kiến những thiệt hại đau lòng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Trần Hữu Thế, tỉnh Phú Yên liên tục phải đối phó với 2 thảm họa song song là sạt lở ven biển và sạt lở núi. Vì vậy, cứ mỗi khi bước vào mùa mưa bão, tỉnh đã chủ động khảo sát các khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở để sơ tán dân, quán triệt phương châm “4 tại chỗ”.

Phục hồi tự nhiên

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại TP. Glasgow (Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland) diễn ra đầu tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Oxfam nhận định, giải pháp dựa vào thiên nhiên đưa ra tại COP 26 như một cách khắc phục những sai lầm thảm họa thiên nhiên vừa qua. Muốn làm được điều đó, Việt Nam phải tăng diện tích rừng tự nhiên bằng cách chuyển đổi rừng trồng và rừng phòng hộ thành rừng không khai thác gỗ, đồng thời chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mục đích nuôi trồng thủy sản hoặc đất bảo tồn đa dạng sinh học”.

Trong Đề án “Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn 2050” tại duyên hải miền Trung, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, các nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa ra như nâng cao nhận thức về thiên tai; tăng cường cảnh báo sớm về bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất; quản lý lũ tổng hợp theo lưu vực sông; đảm bảo an toàn hồ chứa, phòng chống hạn hán và đảm bảo an toàn hệ thống đê biển, kết cấu hạ tầng ven biển.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, về lâu dài, để giảm thiểu thiệt hại, cần thực hiện các giải pháp gồm: hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến phòng chống thiên tai, tập trung xây dựng, bổ sung, sửa đổi các nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống thiên tai, rà soát các kịch bản biến đổi khí hậu làm cơ sở xây dựng phương án ứng phó, nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hiệu quả; tập trung xây dựng chiến lược phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực, quy hoạch dân cư khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, lũ quét, sạt lở; xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai phù hợp đặc điểm, điều kiện từng vùng, miền. Lập các bản đồ cảnh báo nguy cơ  sạt lở đất, lũ quét, lũ ống với tỷ lệ phù hợp làm cơ sở quy hoạch bố trí dân cư, chủ động di dời tái định cư; quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên.

Đặc biệt, giải pháp trồng, tái sinh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng cây gỗ lớn và rà soát tất cả quy hoạch chiếm dụng đến đất rừng, hạn chế tối đa tác động thay đổi trạng thái cân bằng tự nhiên của đồi, núi, sông, suối là giải pháp cân bằng và thuận theo tự nhiên, tiến đến thích ứng với thiên nhiên.

“Một điều quan trọng là phải kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai như công trình giao thông, hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ”, ông Hoài nêu.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ưu tiên bố trí di dời dân vùng thiên tai gắn với sinh kế bền vững; lồng ghép đầu tư công trình phòng chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội từng ngành, địa phương; tăng cường công tác thông tin truyền thông; ứng dụng khoa học - công nghệ trong theo dõi giám sát dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó...

Năm 2008: Việt Nam là quốc gia đầu tiên xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2009: Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á xây dựng và công bố kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Năm 2011: Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm 2012: Đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020.

Năm 2015: Việt Nam công bố “Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (gọi tắt là INDC) nhằm thể hiện nội lực của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Năm 2016: Việt Nam ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Năm 2020: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC) cập nhật của Việt Nam. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia, tương đương 83,9 triệu tấn CO2 quy đổi.

Tháng 3/2021: Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ban hành kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (NAP).

Tháng 4/2021: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành Luật Phòng chống thiên tai, Luật Quản lý đê điều, Luật Lâm nghiệp và Chiến lược phát triển rừng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên khoáng sản...
Không để người dân sống dưới gầm thảm họa - Bài 2: Biển xé bờ, làng mạc bị xóa sổ
Đất bị biển ngoạm sâu, làng mạc bị xóa sổ, bãi biển hoang tàn, cửa sông bồi lấp, người dân ở những ngôi làng ven biển miền Trung vẫn đang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư