Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Không để quá tải bệnh viện do sốt xuất huyết
D.Ngân - 13/10/2021 14:58
 
Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

Báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội thông tin, trong tuần qua trên địa bàn Thành phố ghi nhận 440 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 82 ca so với tuần trước đó). Bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 28 quận, huyện và 166 xã, phường.

Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

Những quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết nhiều trong tuần qua, là: Đống Đa (84 ca), Thanh Trì (43 ca), Hai Bà Trưng (29 ca), Hoàng Mai (27 ca), Thường Tín (24 ca), Nam Từ Liêm (24 ca).

Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.831 ca mắc sốt xuất huyết tại 28/30 quận, huyện, thị xã; 307/579 xã, phường, thị trấn (giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái) và chưa ghi nhận ca tử vong.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện thời tiết đang vào mùa mưa, nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh sốt xuất huyết phát triển, nên dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp, nếu không chủ động phòng, chống.

Trên phạm vi cả nước, theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 50.473 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 18 trường hợp tử vong tại 9 tỉnh. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm nhưng số tử vong tăng 5 trường hợp.

Hiện nay đang là thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị sở y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn. 

Cụ thể là nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Cùng với đó, các địa phương cần phải xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Việc phun hóa chất phải bảo đảm đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.

Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng, chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời. 

Cùng với đó, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Bộ Y tế yêu cầu các Sở y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân;

“Tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện”, Cục Y tế dự phòng yêu cầu.

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị sở y tế các địa phương cần tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng, chống Covid-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Tại các địa phương, tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng, chống Covid-19 và các hoạt động khác nhưng đồng thời vẫn bảo đảm các biện pháp an toàn trong phòng, chống Covid-19. 

Qua đó, người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Trong điều trị sốt xuất huyết chuyên gia đã chỉ ra 3 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trở nặng khó cứu chữa, đó là chủ quan không đi khám bệnh; hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời.

Trên thực tế, sau giai đoạn sốt cao lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh cần được bác sĩ theo dõi sát sao. 

Ngoài ra, sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng týp riêng lẻ. Vì vậy, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 týp vi rút khác nhau.

Ngoài ra, với sốt xuất huyết sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương, gây tình trạng cô đặc máu. Vì vậy, trong chế độ ăn, uống cho người bệnh quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol. 

Bên cạnh đó, người bệnh nên uống các loại nước trái cây, nước quả ép nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng, giúp thành mạch bền tốt hơn khiến bệnh sớm cải thiện.

Khẩu hiệu: “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” không bao giờ cũ và rất dễ thực hiện. 

Do đó, người dân cần nâng cao ý thức phòng dịch như: Thực hiện ngủ màn, phát quang bụi rậm, úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng để tránh muỗi vằn đẻ trứng sinh ra lăng quăng.

Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, tạo môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển.

Phân biệt sốt xuất huyết và phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19
Đã có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà không hay biết, lại nhầm lẫn đó là do phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin Covid-19.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư