Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Không để xăng dầu, thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiếu hàng, tăng giá đột biến
Thế Hải - 24/01/2024 11:28
 
Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, không để tăng giá đột biến.
Chính phủ yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu, thịt lợn, vật tư nông nghiệp.
Chính phủ yêu cầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu, thịt lợn, vật tư nông nghiệp....

Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và nguyên vật liệu đầu vào quan trọng của sản xuất, không để xăng dầu, thực phẩm tăng giá đột biến.

Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 4 -4,5%.

Tại cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng 2024, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, để thực hiện nhiệm vụ Quốc hội đề ra, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024 cần dự báo sát tình hình thực tế, thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, bảo đảm thực hiện kiểm soát tốt lạm phát.

"Từ 1/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương, bên cạnh đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)... ,cần dự báo sát tình hình thực tế, sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Về quản lý, điều hành giá cả dịp Tết Nguyên đán 2024, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công thiết yếu, quan trọng theo lộ trình thị trường, đặc biệt là giá dịch vụ y tế, giáo dục, mặt hàng xăng dầu.

Từ đó, đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, không được để đứt gẫy nguồn cung; kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả trước các diễn biến bất thường trong cung ứng hàng hóa.

Các Bộ ngành, địa phương phải chủ động dự báo và có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải,… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, CPI tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Lạm phát cơ bản bình quân năm 2023 tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung.

Nguyên nhân làm tăng CPI trong năm 2023 được Bộ Tài chính chỉ ra là chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46%.

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24% do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Bên cạnh đó là chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, đồ uống và thuốc lá, thuốc và dịch vụ y tế, hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng đã tác động làm CPI tăng lên.

Ở chiều ngược lại, một số nhóm hàng hóa như xăng dầu, gas, bưu chính, viễn thông giảm giá, làm CPI chung giảm.

Trên cơ sở tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiế yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2024.

Tổng hợp các thông tin đánh giá về các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đưa ra 3 kịch bản lạm phát với các mức dự báo CPI bình quân tăng 3,52%, 4,03% và 4,5%.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư