Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Không kỳ vọng “triệt hạ” được tham nhũng
Hàn Tín - 29/10/2013 18:25
 
Thảo luận tổ các nội dung liên quan đến nội chính vào chiều ngày 29/10/2013, ngoài bày tỏ sự bất bình trước tình hình an ninh xã hội ngày một phức tạp, tội phạm gia tăng về số lượng, trẻ hóa và ngày một nghiêm trọng, các đại biểu Quốc hội một lần nữa bức xúc trước tình trạng tham nhũng. >>> >>> >>> >>>

“Bất kỳ quốc gia nào, thời đại nào cũng có tham nhũng, chúng ta không phải là ngoại lệ - Đại biểu tỉnh Trà Vinh, ông Trần Quang Tuấn nhận định - Chúng ta không kỳ vọng “triệt hạ” được tham nhũng, mà chỉ mong muốn hạn chế tối đa và tiến tới đẩy lùi quốc nạn này mà thôi”.

Ông Tuấn cho rằng, muốn hạn chế được tham nhũng, một trong những vấn đề cần phải xử lý triệt để là phải minh bạch hóa, công khai thu nhập và tài sản của những người có chức, có quyền.

Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong năm 2012 đã có gần 113.500 người kê khai tài sản lần đầu trong tổng số 115.890 người phải kê khai tài sản; 519.320 người kê khai bổ sung trên tổng số 526.630 người phải kê khai bổ sung; 376.200 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác.

“Kê khai tài sản trên thực tế chỉ là hình thức”, ông Tuấn bình luận về những con số “quá đẹp” nêu trên và dẫn chứng, ông đã đọc không ít bản kê khai tài sản và nhận thấy, việc kê khai tài sản “chỉ làm lấy lệ”, không giải quyết được việc gì vì chỉ làm trên hình thức.

Muốn kê khai tài sản đi vào thực chất, theo ông Tuấn, cần phải xây dựng Luật Kê khai tài sản, thu nhập, trước mắt thí điểm đối với cán bộ có chức, có quyền, cán bộ làm ở những lĩnh vực có cơ hội tham ô, tham nhũng, sau đó tổng kết và nhân rộng ra các đối tượng khác.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, để chống kê khai tài sản hình thức, làm lấy lệ thì bên cạnh việc công bố công khai, minh bạch bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức thì những bản kê khai tài sản hàng năm phải được lưu vào hồ sơ của cán bộ, công chức.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Ngọc Bảo

“Chỉ có như vậy mới có cơ sở để so sánh xem năm ngoái, năm kia anh thu nhập thế này, tài sản anh có thế này, năm nay anh tăng lên là do đâu”, ông Bảo phát biểu.

Ngoài việc công khai, minh bạch tài sản làm lấy lệ, việc xác minh tài sản không đạt hiệu quả (cả năm 2012 chỉ phát hiện được 3 trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực), ông Bảo còn chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng đang khiến lòng dân “nhức nhối”, dư luận xã hội bất bình.

Cụ thể, nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế như xây dựng, đấu thầu, đất đai… chưa hoàn thiện. Bộ máy quản lý nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp không phát huy được chức năng, nhiệm vụ. Các vụ án tham nhũng bị phát hiện chưa làm đến tận gốc rễ vấn đề. Chưa xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để xảy ra tham nhũng… Tất cả những hạn chế này khiến tham nhũng vẫn có đất để hoành hành.

“Cử tri hỏi, vụ án Vinashin, Vinalines đã xử lý hết người phạm tội chưa, đã xử lý hết trách nhiêm chưa? Cử tri hỏi không sai. Bởi ngay như tôi là Đại biểu Quốc hội mà mỗi khi muốn khai thác thông tin về tham nhũng để thực hiện quyền giám sát, trả lời chất vấn của cử tri, tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội mà cũng không tìm được tài liệu chính thống”, ông Bảo bức xúc.

Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, ông Phạm Trường Dân dẫn số liệu của Thanh tra Chính phủ về việc truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng và đi đến kết luận, tham nhũng không giảm là do xét xử tội danh này chưa tương xứng với hậu quả mà nó gây ra là làm giảm lòng tin của người dân với chế độ.

“Hiện có một loại tham ô, tham nhũng đang ngày càng phổ biến, gây thất thoát rất lớn nhưng chưa xử lý được. Đó là việc những người được cử làm đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cố tình tăng vốn ảo làm giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, gây thất thoát tài sản nhà nước rất lớn”.

Ông Dân đề nghị, muốn xử lý được tham nhũng thì cần phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hàng loạt luật, trong đó có việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức xử phạt đối với tội danh tham nhũng và chế tài thu hồi tài sản của người tham ô, tham nhũng”, ông Dân đề xuất.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư