Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Không nể nang, né tránh khi lấy phiếu tín nhiệm
Hàn Tín - 26/05/2013 09:22
 
Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh cho biết, ông mong muốn các ĐBQH công tâm, thận trọng, không nể nang, né tránh, không thiên vị khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Ông đã tìm hiểu, nghiên cứu những gì liên quan đến các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn trước khi lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 10/6 tới đây?

Cũng như các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khác, tôi đã nhận được báo cáo về các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của họ trong vòng 1 năm trở lại đây.

Không phải do đây là lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm nên các ĐBQH mới nghiên cứu rất kỹ các báo cáo này, mà tôi nghĩ, những lần lấy phiếu tín nhiệm sau này cũng vậy, chắc chắn ĐBQH cũng đều nghiên cứu rất kỹ các báo cáo tự đánh giá của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Các báo cáo nói trên rất quan trọng, nhưng tôi cũng chỉ coi là một trong những kênh thông tin để tìm hiểu về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cũng như phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm mà thôi.

Ngoài kênh thông tin này, tôi phải nghiên cứu thấu đáo những gì liên quan đến các chức danh trên nhiều kênh thông tin khác nhau, như qua cử tri; quần chúng nhân dân nơi đại biểu đó công tác, sinh sống; qua dư luận xã hội. Và đặc biệt, tôi rất quan tâm đến thông tin liên quan đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của những chức danh này trên các phương tiện thông tin đại chúng để xem thực sự họ đã hoàn thành sứ mệnh được giao như họ đã báo cáo không.

Ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội TP.Hài Phòng

Có vẻ ông là người rất thận trọng?

Đánh giá, nhận xét về một con người bình thường cũng cần phải hết sức thận trọng. Thay mặt cử tri để đánh giá, nhận xét về những chức danh chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ thì càng phải thận trọng hơn rất nhiều lần.

Vì nếu ĐBQH, những người thay mặt cử tri cả nước đánh giá những chức danh chủ chốt của bộ máy lãnh đạo thiếu thận trọng, không thực sự công tâm, thiếu khách quan, có đôi chút thiên vị, vị nể thì không thúc đẩy được người được lấy phiếu tín nhiệm có cơ hội, có điều kiện nhìn lại mình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để thực thi công việc tốt hơn.

Nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm không khách quan, chắc chắn cử tri sẽ không tin tưởng, kỳ vọng vòa việc lấy phiếu tín nhiệm.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, là một trong những công cụ vô cùng quan trọng để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình, nên các ĐBQH đều ý thức được sức nặng của lá phiếu mà mình đánh giá mức độ tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đánh giá, nhận xét về một cá nhân nào đó đúng là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ông có nghĩ rằng có thể có sự cả nể trong việc lấy phiếu tín nhiệm, vì nhiều ĐBQH là cấp dưới, thậm chí là cấp dưới trực tiếp của người được lấy phiếu tín nhiệm?

Tôi không dám chắc là có sự ưu ái, cả nể trong việc lấy phiếu tín nhiệm hay không. Bởi tình cảm của mỗi con người khác nhau, tình cảm của một người với người này, người kia cũng khác nhau.

Hơn nữa, lĩnh vực công tác của gần 500 ĐBQH khác nhau, va chạm với người được lấy phiếu tín nhiệm ở những mức độ khác nhau, nên đánh giá tín nhiệm của ĐBQH với một chức danh nào đó cũng sẽ rất khác nhau.

Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi cùng một chức danh có thể đồng thời nhận được cả 3 kết quả: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp với các tỷ lệ khác nhau.

Còn bản thân ông thì sao?

Với tư cách là ĐBQH chuyên trách, tôi coi việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ đơn thuần là bỏ một lá phiếu vào hòm phiếu, mà là công việc vô cùng lớn, vô cùng hệ trọng. Do vậy, tôi sẽ rất công tâm, thận trọng, không nể nang, né tránh, không thiên vị, không để tình cảm cá nhân xen vào công việc, mà luôn dặn mình phải thực sự khách quan để đánh giá một cách đúng mức từng chức danh.

Tôi luôn suy nghĩ rằng, chỉ có kết quả lấy phiếu tín nhiệm khách quan, công tâm mới thúc đẩy được những chức danh có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” nghiêm túc nhìn nhận tồn tại, hạn chế, thiếu sót, khiếm khuyết để tự sửa chữa, tự phấn đấu. Những người có phiếu tín nhiệm cao cũng coi đây là sự động viên, khích lệ, không chỉ là vinh dự, tự hào mà nó còn như phần thưởng cao quý sau một thời gian dài nỗ lực phấn đấu.

Nếu như hầu hết các chức danh đều đạt mức độ tín nhiệm rất cao thì sao, thưa ông?

Đây là một trong những vấn đề cử tri hết sức quan tâm. Theo tôi, nếu hầu hết các chức danh đều có tỷ lệ cao ghi nhận mức độ tín nhiệm cao, mà việc lấy phiếu thực sự công tâm, khách quan thì rất đáng mừng.

Ngược lại, nếu mức độ tín nhiệm cao, nhưng trên thực tế trong điều hành công việc của một số chức danh còn nhiều hạn chế, thiếu sót thì sẽ làm giảm niềm tin của cử tri đã gửi gắm vào lá phiếu của ĐBQH.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư