Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Không thể đột phá kiểu ôm đồm
Bảo Duy - 27/09/2013 13:35
 
Nỗi lo vỡ trận kế hoạch 5 năm và triển vọng phục hồi kinh tế chậm đang khiến giới chuyên gia kinh tế đòi hỏi các giải pháp và điều hành kinh tế vĩ mô trọng tâm và quyết liệt hơn. >>> Đề xuất có Sách Trắng về doanh nghiệp nhà nước >>> "Mùa Thu" chưa khác nhiều "Mùa Xuân" >>> Kinh tế chưa thoát đáy, niềm tin chưa chạm đáy

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 (diễn ra trong hai ngày 26 và 27/9 tại TP. Huế) được các chuyên gia kinh tế vẽ lại không mấy khác biệt so với những nhận định từ Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013 (diễn ra vào tháng 4/2013).

Nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ cho dù có dấu hiệu phục hồi ở một số lĩnh vực

Điều này có nghĩa, lo ngại từng được chính các chuyên gia kinh tế nhắc đến cách đây 5 tháng là sự chậm chạp trong thực hiện các giải pháp của Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2013 đã thực sự hiển hiện.

Thậm chí, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam còn cho rằng, nền tảng kinh tế các tháng đầu năm rất yếu.

“Chỉ số mua hàng nhà quản trị (PMI) liên tiếp 3 tháng gần đây đều dưới ngưỡng 50 (ngưỡng mở rộng sản xuất), nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư rất yếu; tăng trưởng trong lĩnh nông nghiệp sụt giảm liên tục; doanh nghiệp tiếp tục ngừng hoạt động...

Trong khi đó, việc triển khai đề án tái cơ cấu chưa có một hành động chiến lược nào”, ông Thiên thẳng thắn phân tích và dự báo, chưa có cơ sở để nói kinh tế năm 2013 sẽ thoát đáy.

Không phải là diễn giả duy nhất và đầu tiên đặt vấn đề về sự chậm trễ trong các bước thực hiện tái cơ cấu, song ông Thiên là người giữ quan điểm khi tiếp tục cho rằng, các giải pháp hiện tại vẫn đang theo quỹ đạo cũ, có nghĩa là vẫn điều hành bằng các giải pháp ngắn hạn.

“Trong 2 năm còn lại của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, chúng ta sẽ dốc sức đạt chỉ tiêu kế hoạch đã trở nên rất khó khả thi, hay chuẩn bị cơ sở cho cuộc bứt phá sau năm 2015?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Cho dù không muốn dùng thuật ngữ “tắc nghẽn tăng trưởng” như ông Thiên khi nói về tình hình đáng lo ngại của nền kinh tế Việt Nam, song TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng buộc phải nhắc tới thực trạng nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ cho dù có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt.

Tuy nhiên, những chỉ báo kinh tế vĩ mô mà ông Lịch nhắc tới để minh chứng cho dấu hiệu phục hồi, bao gồm tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, đều thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau vẫn còn hiển hiện. “Nếu không có các biện pháp đủ mạnh và tập trung, thì không thể tạo được sự chuyển biến của tình hình”, ông Lịch khẳng định.

Đặc biệt, ông Lịch đặt thêm nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô mới xuất hiện trong năm 2013, đó là sự thậm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch. Riêng trên địa bàn TP.HCM, năm 2013, ước thu ngân sách hụt gần 20.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

“Sự thâm hụt ngân sách diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, doanh nghiệp thua lỗ, thị trường bất động sản đóng băng, nhưng công chi không thể giảm, đang trở thành vấn đề nan giải cho bài toán ngân sách trong 2 năm 2014 - 2015”, ông Lịch cảnh báo về tình trạng trì trệ tiếp tục của nền kinh tế trong năm tới.

“Nếu muốn hoàn thành công nghiệp hóa, chấm dứt tình trạng lình xình như hiện nay, Chính phủ phải phối hợp tốt 3 nhóm chính sách tiền tệ, tài khóa và lộ trình điều chỉnh hàng hóa công”, ông Lịch đề xuất.

Về vấn đề này, ông Thiên khuyến nghị, cần làm rõ quan điểm chỉ đạo trong thực hiện giải pháp là ưu tiên cải cách và tập trung đột phá tái cơ cấu kiểu khác.

“Kiểu khác ở đây là ưu tiên trả nợ doanh nghiệp, đột phá hệ thống giá (giá than, giá điện và cải cách tiền lương khu vực nhà nước). Ngay cả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chỉ nên chọn 2 - 3 tập đoàn để thực hiện nhanh trong vòng 6 tháng. Trong tái cơ cấu ngân hàng thương mại nhà nước, cần tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong vòng 2 năm”, ông Thiên nói và cho biết, chúng ta không thể mãi loay hoay với các giải pháp ngắn hạn.

"Mùa Thu" chưa khác nhiều "Mùa Xuân"
Có đại biểu nhận định hóm hỉnh mà thực tế rằng, nhìn chung, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013 trong Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu đang diễn ra không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư