Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 27 tháng 08 năm 2024,
Khu kinh tế Vân Phong sẽ trở thành “rốn” hàng hóa của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Linh Đan - 27/08/2024 16:39
 
Các dự án cao tốc khi hoàn thành mạng lưới liên kết, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ, mà điểm kết nối chính sẽ nằm ở Khu kinh tế Vân Phong.
Khu kinh tế Vân Phong sẽ trở thành “rốn” hàng hóa của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Khu kinh tế Vân Phong được Khánh Hòa đặt kỳ vọng sẽ trở thành “rốn” hàng hóa của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Linh Đan

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp, thương mại tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Điểm đáng chú ý của kế hoạch này là tỉnh Khánh Hòa sẽ khai thác tối đa lợi thế với các tỉnh vùng Tây Nguyên khi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án đầu xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn Vân Phong - Nha Trang) được hoàn thành.

Theo nhìn nhận của UBND tỉnh Khánh Hòa, các dự án này khi hoàn thành mạng lưới liên kết, tạo động lực liên kết phát triển giữa Khánh Hòa và Đắk Lắk, giữa vùng Tây Nguyên và vùng Nam Trung Bộ mà điểm kết nối chính sẽ nằm ở Khu kinh tế Vân Phong do có vị trí thuận lợi về cảng nước sâu.

Khi đó, hàng hóa từ các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ sẽ tập trung về các cảng biển trong vịnh Vân Phong để xuất khẩu đi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng như nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài.

Cùng với đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ phối hợp với các địa phương trong khu vực thực hiện nghiêm quy hoạch vùng, tuân thủ phân bố không gian, tránh việc đầu tư chồng chéo gây lãng phí và khai thác hiệu quả lợi thế của toàn vùng và lợi thế so sánh của tỉnh trong phát triển kinh tế nói chung, phát triển công nghiệp nói riêng. Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa sẽ đề xuất với Chính phủ trao quyền mạnh hơn cho địa phương điều phối và xây dựng các cơ chế phù hợp để việc điều phối không làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của toàn vùng nói chung và của tỉnh nói riêng.

Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa sẽ tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp sản xuất của các địa phương trong Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung theo từng ngành, từng loại sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại với các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắc, Phú Yên.

Mới đây, tỉnh Khánh Hòa xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Địa phương này sẽ chú trọng phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển tải trọng lớn tại Vân Phong và Cam Ranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Theo đó, Cảng quốc tế Cam ranh sẽ phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cũng như của cả nước và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Khu kinh tế Vân Phong, có thể tiếp vận tàu container trọng tải tới 24.000 Teu.

Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án dịch vụ logistics theo quy hoạch được duyệt để phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển logistics theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 còn góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của tỉnh Khánh Hòa.

Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ phối hợp Khánh Hòa tổ chức Lễ hội “Xin chào Việt Nam”
Lễ hội “Xin chào Việt Nam 2024” tổ chức tại Khánh Hòa nhằm mở rộng mối quan hệ cùng hợp tác du lịch với các doanh nghiệp du lịch Ấn Độ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư