Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Khúc cua lợi nhuận của doanh nghiệp ngành phân bón
Thanh Thủy - 31/10/2021 08:18
 
Giá bán đầu ra tăng cao là yếu tố tích cực thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón quý III/2021.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế - cũng đã đổ mạnh vào cổ phiếu ngành này, kéo giá tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm. 

Đạm Phú Mỹ luôn giữ vị trí số 1 về lợi nhuận trong ngành phân bón. Ảnh: Đ.T

Thời của cổ phiếu ngành phân đạm

Những ngày cuối năm 2019, hai ông lớn ngành phân bón là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã đồng loạt đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm sau khá thận trọng sau một năm kinh doanh sụt giảm mạnh. Đạm Cà Mau chỉ đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế chưa đến 52 tỷ đồng, giảm 88% so với kết quả năm 2019. Dự liệu xấu này đến từ thực tế kinh doanh khó khăn ở thời điểm đó.

Về phía tiêu thụ, nguồn nhập khẩu đã kéo giảm nhu cầu phân bón nội địa. Hầu hết các loại phân bón đều giảm về mức đáy vào giữa năm và hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm 2020. Còn từ nội tại doanh nghiệp, hai doanh nghiệp phân bón trong giai đoạn đó đều có khoảng thời gian dừng máy để sửa chữa. Nguồn cung khí - đầu vào chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất tại Đạm Cà Mau - còn có lúc thiếu hụt do ưu tiên nguồn cho các nhà máy điện thuộc cụm Khí - Điện - Đạm.

Tuy vậy, trái với lo ngại của lãnh đạo Đạm Cà Mau, hoạt động kinh doanh ngành phân bón nói chung và Đạm Cà Mau nói riêng đã khởi sắc trở lại từ mức đáy năm 2019. Đợt dịch bùng phát lần thứ tư đã khiến hoạt động sản xuất tại các nhà máy phải ngưng trệ. Trong khi sản lượng điện của Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ trong 9 tháng giảm gần 25%, thì sản lượng của Đạm Phú Mỹ vẫn tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán cũng ưu tiên nhóm ngành này. Từ đầu năm đến nay, nhiều cổ phiếu ngành phân bón đã tăng giá 2-3 lần, đồng thời, thanh khoản ngày càng lớn. Trong đó, giá cổ phiếu của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà mau đã cao gấp hơn 2 lần so với thời điểm đầu năm.

Hưởng lợi từ giá bán tăng

Sự lạc quan của các nhà đầu tư đối với cổ phiếu phân bón không phải không có lý do. Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng đáng kể, trong đó giá urê tăng khoảng 50%, DAP tăng khoảng 70%, kali tăng khoảng 80%. Yếu tố đầu ra này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo cập nhật mới nhất tại 9 doanh nghiệp phân bón đang giao dịch cổ phiếu trên sàn, kết quả kinh doanh quý III/2021 ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận, với tổng lãi trước thuế đạt 1.268 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu khiêm tốn hơn, với 27%. Tỷ suất lợi nhuận được cải thiện từ mức bình quân 5,6% hồi quý III/2020 lên 16,3% trong quý vừa qua.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, giá bán bình quân sản phẩm urê đã tăng hơn 64% và đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận gộp cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế của Đạm Cà Mau đạt 393 tỷ đồng, gấp 2,57 lần cùng kỳ.

Tương tự, biên lợi nhuận gộp của Đạm Phú Mỹ cũng vọt lên 36,4%, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 22%.

Khác với Đạm Cà Mau, doanh thu của Đạm Phú Mỹ tăng 45% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, khoản lãi thu được trong quý III tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ và Đạm Phú Mỹ tiếp tục vị thế số 1 về lợi nhuận trong các doanh nghiệp phân bón.

Theo phân tích của Bộ phận Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, các nhà sản xuất urê sử dụng khí đốt (giá cả thay đổi theo giá dầu FO) được hưởng lợi do họ không chịu áp lực từ yếu tố đầu vào là giá than tăng cao. Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sử dụng khí để sản xuất urê, nên thuận lợi hơn.

Tăng trưởng lợi nhuận tại các doanh nghiệp phân bón khác không đột biến như hai công ty trên, nhưng vẫn đạt được mức tăng 2 con số nhờ nguồn cung nhập khẩu thiếu hụt. Đạm Hà Bắc sau khoảng thời gian lỗ triền miên đã bất ngờ báo lãi 118 tỷ đồng nhờ doanh thu tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu của Công ty DAP Vinachem (DDV) đã tăng hơn 55%, giúp Công ty lãi hơn 68 tỷ đồng, trong khi quý III năm trước lỗ 6,8 tỷ đồng. PVFCCo North (mã PMB) - đơn vị phân phối phân bón của Đạm Phú Mỹ ở miền Bắc, nhờ doanh thu tăng 164% nên đã chuyển từ lỗ sang lãi gần 9,3 tỷ đồng. Các công ty khác cũng đạt mức tăng trưởng tốt như Phân lân nung chảy Văn Điển (tăng 13%), Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (tăng 18%), Phân lân Ninh Bình (tăng 34%).

Tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón tăng trưởng mạnh, một số công ty đã vượt xa kế hoạch đề ra. Riêng 9 doanh nghiệp trên sàn, tổng lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2021 cao gấp lần 2,5 lần cùng kỳ. Đạm Phú Mỹ đã hoàn thành 94% mục tiêu doanh thu, nhưng đã vượt gấp 4,11 lần kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm. Lợi nhuận 9 tháng của Đạm Cà Mau tăng 78% so với cùng kỳ và gấp 4,18 lần kế hoạch năm.

Theo đánh giá của giới phân tích, tình trạng thiếu hụt than sẽ chưa thể giải quyết ngay, mà còn kéo dài. Do đó, giá than tiếp tục tăng cao và sẽ làm giảm nguồn cung urê trong tương lai.

Tuy nhiên, theo Bộ phận Phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu urê có thể được áp dụng để đảm bảo an ninh lương thực và hạ nhiệt giá urê trong nước, nhất là khi giá gạo đã giảm kể từ tháng 4/2021 và gần với mức thấp kỷ lục trong năm 2019.

Chưa kể, các yếu tố tích cực của ngành này phần lớn đến từ bên ngoài. Trong khi đó, câu chuyện đưa phân bón trở thành hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng vẫn chưa ghi nhận nhiều tiến triển. Việc các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đang khiến phân bón sản xuất trong nước gặp bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Tiếp tục lãi lớn, lợi nhuận Đạm Phú Mỹ gấp hơn 3 lần kế hoạch đề ra
Giá bán và sản lượng kinh doanh phân bón cùng lúc tăng mạnh đã giúp “ông lớn” ngành phân bón báo lãi ròng 630 tỷ đồng trong quý III và 1.503 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư