Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Khuyến nghị thời điểm thả nổi tỷ giá
Thùy Liên - 27/06/2014 13:05
 
Các chuyên gia Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến nghị, việc "neo" tỷ giá cố định như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, từ năm 2016, nên áp dụng cơ chế thả nổi tỷ giá có quản lý.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
HSBC: Vẫn có khả năng điều chỉnh tỷ giá thêm 1%
Chính thức điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1%
Doanh nghiệp lớn rút ngoại tệ khiến tỷ giá "căng"
5 lý do không nên phá giá tiền đồng
  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo nên neo giữ tỷ giá theo giỏ tiền tệ thay vì neo giữ theo đồng USD  
  Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khuyến cáo nên neo giữ tỷ giá theo giỏ tiền tệ thay vì neo giữ theo đồng USD  

Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2014 chủ đề "Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu" vừa được công bố, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ lo ngại về việc tỷ giá bị “neo” quá lâu, đồng thời khuyến nghị từng bước thả nổi có quản lý trong điều hành tỷ giá.

Nhiều rủi ro khi neo tỷ giá

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận định, ổn định tỷ giá đã đóng góp tích cực vào việc kiềm chế lạm phát và không tạo các cú sốc bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài đang ẩn chứa một số nguy cơ. Tỷ giá thực gia tăng và tiền VND đang được định giá cao, theo đó, yếu tố tâm lý vẫn có tác động lớn đến tỷ giá.

Mặc dù điều chỉnh tỷ giá để cải thiện cán cân thương mại là khó đạt được trừ khi chúng ta thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu, nhưng việc giữ ổn định tỷ giá trong thời gian dài khiến tỷ giá bị dồn ép, nguy cơ phá giá và biên độ phá giá gia tăng khi kinh tế đảo chiều hoặc khi lãi suất trong nước giảm làm giảm nhanh chóng các dòng vốn đang tận dụng lãi suất trong nước cao.

Định giá cao tiền đồng trong thời gian dài cũng làm giảm động lực thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu theo hướng tích cực (không khuyến khích phát triển ngành công nghiệp phụ trợ). Ngoài ra, neo cố định theo USD như hiện nay cũng khiến VND quá lệ thuộc vào USD và có thể đối diện với rủi ro biến động USD trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn là Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực điều chỉnh mạnh, theo đó sẽ ảnh hưởng mạnh đến ổn định vĩ mô, một khi kinh tế đảo chiều, tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu nhập khẩu gia tăng và/hoặc giảm sút các dòng vốn vào do bất ổn kinh tế, chính trị thế giới. Trong bối cảnh kinh tế trong nước còn nhiều rủi ro bất ổn, thì khả năng nói trên vẫn cần phải được tính đến.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nhận định dòng tiền nóng vào Việt Nam trong vài năm qua gia tăng nhanh chóng chủ yếu để tận dụng mức lãi suất cao so với mặt bằng lãi suất chung của thế giới. Tuy nhiên, lãi suất đang có xu hướng giảm nhanh và các dòng tiền nóng này có thể đổi chiều nhanh chóng, gia tăng rủi ro đến ổn định tỷ giá.

Một vấn đề đáng lo nữa là với cơ chế điều hành tỷ giá và độ mở về tài khoản vốn duy trì như hiện nay tại Việt Nam thì tính độc lập của chính sách tiền tệ, và hiệu quả kiểm soát lạm phát có rủi ro lớn là phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp trung hòa, trong khi tính phi hiệu quả và chi phí của các biện pháp đang càng ngày càng gia tăng cùng với quy mô trung hòa.

Cơ chế neo cố định theo USD hiện nay ảnh hưởng không thuận lợi đến cán cân thương mại ở khía cạnh là tiền đồng quá lệ thuộc vào USD. Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chưa tới 20%, trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% tổng kim ngạch nhập khẩu.  

Việc phụ thuộc lớn vào USD, trong khi thương mại và vay nợ phụ thuộc vào đồng tiền các nước khác với tỷ  trọng cao hơn khiến cho tỷ giá song phương giữa Việt Nam và các nước bạn hàng lớn bị ảnh hưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư, không phản ánh được đúng tương quan kinh tế giữa Việt Nam và các nước bạn hàng, đặc biệt trong bối cảnh tiền USD trên thị trường thế giới biến động mạnh như hiện nay.

Cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá

Với nhận định cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng “neo” cố định theo USD hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt hơn.

Tuy nhiên, điều chỉnh cơ chế tỷ giá sang cơ chế thả nổi có quản lý chưa phải là thời điểm thích hợp bởi các điều kiện thực hiện chưa có đủ và vẫn có một số lý do để trì hoãn trong thời gian ngắn.

Vì vậy, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế khuyến nghị, trong giai đoạn ngắn hạn (2014-2015), cần có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để có thể ổn định được tỷ giá ở mức độ nhất định cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa để chống lại các cú sốc, cải thiện được tính độc lập của chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối diện nhiều rủi ro bất ổn khó lường trong những năm sắp tới.

Cụ thể, thứ nhất, nên thay việc neo giữ chặt vào đồng USD hiện nay sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ là một lựa chọn hợp lý, vừa giữ được ổn định tỷ giá ở mức độ nhất định, vừa đảm bảo tính linh hoạt của chính sách. Việt Nam hiện nay đã đáp ứng đủ các điều kiện cho việc neo tỷ giá theo giỏ tiền tệ.

Thứ hai, để tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay (kể từ đầu năm 2011).

Bên cạnh đó, cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên tỷ giá chính thức trong thời gian dài, thay vào đó, cần tạo một khuôn khổ linh hoạt hơn cho tỷ giá với sự thay đổi tỷ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.

Thứ ba, gia tăng hiệu quả các biện pháp trung hòa trong ngắn hạn với các giải pháp: phát triển hơn nữa thị trường mở, thị trường trái phiếu Chính phủ thứ cấp, sử dụng thêm một số các công cụ của biện pháp trung hòa…  

Trong trung hạn (2016-2018), khi các điều kiện vĩ mô đã chín muồi, thị trường tài chính trong nước được cải thiện cùng với các cơ chế giám sát hữu hiệu, mở cửa tài chính là bắt buộc và tất yếu theo lộ trình cam kết mở cửa tài khoản vốn thì cơ chế thả nổi tỷ giá có quản lý là một lựa chọn hợp lý.

Tỷ giá tăng không làm suy yếu VND Tỷ giá tăng không làm suy yếu VND

() Việc tăng tỷ giá vừa rồi không làm suy yếu tiền đồng, bởi VND đã được hỗ trợ tốt hơn bởi ngoại hối cân bằng hơn, cán cân thương mại được cải thiện, vốn FDI tăng trở lại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư