Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Kịch bản nào cho lạm phát năm 2025?
Tùng Linh - 09/01/2025 18:09
 
Sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5/2024, lạm phát đã thiết lập xu hướng giảm dần. CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm 2023, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu và tiếp tục nối dài một thập kỷ dưới 4%.

Một thập kỷ lạm phát thấp

“Đối diện với nhiều thách thức từ các các cuộc xung đột địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông, xu hướng gia tăng giá cước vận tải  và đặc biệt là sự mạnh lên của USD, đã từng không có nhiều dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam được đưa ra vào đầu năm 2024. Dù vậy, bức tranh kinh tế đã dần sáng hơn kể từ quý II/2024”.

Đây là đánh giá của PGS, TS. Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính chia sẻ tại tại Hội thảo khoa học Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025” do Viện kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá tổ chức ngày 9/1.

Một trong các điểm sáng của nền kinh tế được PGS, TS. Nguyễn Đào Tùng chỉ ra là  xu hướng giảm dần của lạm phát sau khi đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5/2024. Đến cuối năm 2024 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép với tăng trưởng GDP đạt mức 7,09% (vượt mục tiêu 6 - 6,5%), còn CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều mức mục tiêu được Quốc hội thông qua là 4 - 4,5%. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Thậm chí, lạm phát ở Việt Nam năm 2024 thấp mức trong 10 năm qua.

Hội thảo khoa học Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo 2025”

Không chỉ giữ được lạm phát dưới 4%, lạm phát thập kỷ vửa qua thấp hơn nhiều bình quân giai đoạn 10 năm trước đó. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính, các số liệu cho thấy trong giai đoạn 2015-2024, tính trung bình, lạm phát chỉ ở mức 2,8%/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 10,2%/năm của 10 năm trước đó.

Chỉ ra nguyên nhân của kết quả có phần bất ngờ trên, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, tốc độ tăng cung tiền trong giai đoạn 2014-2023 (độ trễ 1 năm) chỉ ở mức 13,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình 27,1% của giai đoạn 2004-2013. Lãi suất trong giai đoạn 2014-2024 luôn được duy trì thực dương, trung bình ở mức 3,7%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Trong khi đó, mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2004-2014 là 0%/năm. Cùng đó, tỷ giá USD/VND trong giai đoạn 2014-2024 cũng được duy trì ổn định hơn so với giai đoạn 2004-2014. Nếu như tốc độ giảm giá của VND so với USD trong giai đoạn 2004-2014 ở mức trung bình 2,9%/năm, thì trong giai đoạn 2014- 2024 đã giảm xuống còn 1,6%/năm.

Lạm phát tại Việt Nam giữ ở mức dưới 4% trong một thập kỷ qua.

Tăng trưởng cung tiền thấp, lãi suất thực dương và tỷ giá ổn định là những yếu tố cơ bản giải thích tại sao lạm phát tại Việt Nam được duy trì ổn định ở mức thấp trong 10 năm gần đây. Trên thực tế, lạm phát trong giai đoạn 2015-2024, về cơ bản, đi ngang (xoay quanh mức trung bình là 2,8%/năm hay 0,23%/tháng), tức là được neo nhờ chính sách tiền tệ và tỷ giá ổn định.

Cũng theo Phó viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế - Tài chính, các biến động về lạm phát (cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình) chủ yếu do các biến động về giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng như giá các dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước kiểm soát.

Phân tích về các yếu tố tác động đến lạm phát, bà Nguyễn Thị Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê cho rằng, năm 2024 có những yếu tố thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát mục tiêu. Song hành với đó là công tác quản lý, điều hành giá.

“Các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm - mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI, nguồn cung vẫn dồi dào nhờ chủ động được trong sản xuất. Giá vật liệu xây dựng tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhà nước định giá tiếp tục được điều hành thận trọng, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được kết cấu theo mức lương cơ sở mới đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước tại Trung ương và địa phương; học phí của cơ sở giáo dục quốc dân, học phí giáo dục mầm non và phổ thông công lập tiếp tục giữ ổn định”, bà Oanh cho hay.

Kịch bản nào cho lạm phát năm 2025?

Trong năm 2024, cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42% thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023. TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá đây sẽ là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Tuy nhiên, trong năm 2024, lãi suất thực, mặc dù vẫn dương, nhưng đang thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024, đồng thời tốc độ tăng giá USD cũng cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024. Các yếu tố trên có thể gây áp lực lên giá cả trong thời gian tới.

Đối với các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ.

Trong khi đó, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, có thể xem xét 3 kịch bản như sau cho năm 2025. Cụ thể, trong kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND ổn định và lãi suất chỉ tăng nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 0,23%/tháng và lạm phát trung bình cả năm 2025 sẽ ở mức khoảng 3,0%.

Trong kịch bản cao, áp lực tỷ giá lớn do USD tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, còn Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát, CPI có thể sẽ tăng 0,28%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 3,3%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng yếu, giá dầu giảm đáng kể, đồng thời giá USD và lãi suất ổn định hoặc giảm nhẹ, CPI có thể chỉ tăng 0,18%/tháng và lạm phát trung bình sẽ ở mức khoảng 2,7%.

Cũng theo vị chuyên gia này, các dự báo trên chưa tính đến trường hợp Chính phủ tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục theo lộ trình, cũng như khả kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do lãi suất tại các nước phát triển được duy trì ở mức cao trong một thời gian dài. Nếu Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ trong nửa cuối năm 2025, lạm phát trung bình có thể ở mức 3,5% trong kịch bản cao.

Đối với kịch bản thấp, trong trường hợp kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2025 và giá dầu giảm mạnh, lạm phát trung bình có thể giảm xuống còn 2,5% hoặc thậm chí thấp hơn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư