Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Kiểm toán nguồn lực dành cho cuộc chiến chống Covid-19
Hàn Tín - 16/02/2022 09:57
 
Hôm nay (16/2/2022), Kiểm toán nhà nước (KTNN) bắt đầu thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sử dụng nguồn lực thế nào là quan trọng nhất

Theo ông Vũ Văn Họa, Phó tổng KTNN, đây là cuộc kiểm toán chuyên đề nhằm đánh giá việc tuân thủ pháp luật, ban hành cơ chế chính sách, khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh và một số bộ, ngành. Cuộc kiểm toán này không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kit xét nghiệm tại tất cả các đơn vị, do nội dung này Thanh tra Chính phủ thực hiện.

Theo ông Họa, huy động các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19 là nội dung hết sức quan trọng, bởi nguồn lực phòng chống dịch rất đa dạng và phong phú như từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; chính sách thuế miễn, giảm, gia hạn thuế; chính sách giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, gia hạn, giữ nguyên nhóm nợ… Đặc biệt là  việc sử dụng nguồn lực từ cơ sở khám chữa bệnh trong bối cảnh hầu hết các đơn vị đều thực hiện tự chủ về tài chính trong khi nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh năm 2020 và năm 2021 bị sụt giảm nhiều.

Hy vọng, KTNN có những đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ khác được kịp thời, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.

“Sử dụng các nguồn lực là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi cũng như đối tượng thụ hưởng; chính sách đối với bệnh nhân; chính sách an sinh xã hội; chính sách đối với lực lượng sản xuất và lưu thông hàng hóa; doanh nghiệp. Vì vậy, KTNN sẽ làm rõ những khó khăn, vướng mắc về cơ sở pháp lý và hồ sơ thanh, quyết toán; khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật, nhất là phương tiện phòng chống dịch như vắc-xin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…”, ông Họa nhấn  mạnh.

Theo ông Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhiều chính sách được ban hành trong bối cảnh đại dịch phức tạp, nên mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất phục hồi dài hạn hơn là giải cứu trong ngắn hạn. Đối tượng hỗ trợ rộng, thuộc đủ mọi thành phần kinh tế, yêu cầu trong thời gian ngắn cần phải ban hành chính sách, nên quá trình đánh giá tác động và lấy ý kiến góp ý chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn, dẫn đến dự báo chưa chính xác phạm vi và mức độ tác động.

Nguồn lực là hiện vật xác định giá trị thế nào

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tại một số thời điểm, nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị gặp khó khăn; giá hàng hóa tăng cao, vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nhiều địa phương rất khó khăn khi mua sắm vì không có giá tham khảo phù hợp, rất dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng. Để tránh bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng, đã có nhiều ý kiến đề nghị  Bộ Y tế mua sắm tập trung để đảm bảo thống nhất trên cả nước.

“Việc mua sắm tập trung cũng có rất rủi ro vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nên từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua rất khó khăn. Giá hàng hóa mua sắm tập trung có thể tăng tại thời điểm mua, nhưng sau đó có thể biến động giảm nếu số ca mắc thấp. Điều này gây rủi ro về mặt pháp lý đối với đơn vị tổ chức đấu thầu”, ông Thuấn phân tích.

Ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, công tác quản lý, theo dõi sử dụng, định giá hiện vật do tổ chức, cá nhân ủng hộ gặp khó khăn. Điểm này chắc chắn sẽ được KTNN “hỏi đến” khi thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19.

“Hà Nội tiếp nhận 9 xe ô tô do tổ chức trao tặng phục vụ cho công tác chống dịch, mỗi xe một giá khác nhau, vấn đề là xác định giá trị xe là bao nhiêu: lấy giá do nhà sản xuất công bố hay giá do nhà tài trợ công bố? Nếu không xác định rõ sẽ rất phiền phức, rất dễ bị suy diễn là tiêu cực, không minh bạch vì tiền, tài sản tài trợ cho công tác chống dịch liên quan đến thu ngân sách nhà nước do được trừ đi khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, nên sau này còn liên quan đến thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế”, ông Lưu quan ngại.

Cũng theo ông Lưu, tổ chức, cá nhân tài trợ vật tư, sinh phẩm, thiết bị y tế, tài sản, hiện vật cho công tác phòng chống dịch thì bị vướng ở khâu xác định giá trị tài sản, còn tài trợ bằng tiền mặt để cơ quan hữu quan mua sắm tập trung thì phải tổ chức đấu thầu, mất rất nhiều thời gian. Chỉ định thầu thì rất sợ liên quan đến pháp lý vì giá thiết bị, sinh phẩm y tế thay đổi liên tục, trường hợp mua xong, mấy ngày sau giảm giá thì rất dễ liên quan đến vấn đề pháp lý vì sẽ bị nghi ngờ không minh bạch, nên đơn vị tiếp nhận rất sợ “dịch giã qua đi, pháp lý trở lại”.               

175,4 tỷ đồng/km cao tốc Bắc - Nam phía Đông và băn khoăn của Kiểm toán Nhà nước
Kiểm toán Nhà nước nêu ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư