Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kiên Giang: Tăng cường máy bơm "khủng" đẩy nước mặn ra biển, "cứu khát" TP Rạch Giá
Huy Thịnh - 09/05/2016 14:30
 
Sáng nay, 9/5, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo cho triển khai lắp đặt 16 Motor điện công suất lớn tại đập ngăn mặn Sông Kiên ở TP Rạch Giá để bơm nước mặn ra biển, kéo nước ngọt từ thượng lưu về bảo đảm cung cấp đủ 100% nước ngọt cho TP Rạch Giá.

Gần 30 ngày qua, TP Rạch Giá bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng, cách TP Rạch Giá khoảng 15 km, vượt hồ thu nước ngọt của Nhà máy nước Rạch Giá khoảng 10 km về hướng thượng lưu.

Sau hơn 15 ngày đầu không thu được nước ngọt từ hồ chứa Nhà máy, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang (Kiwaco) khoan thêm hàng chục giếng nước ngầm và dùng khoảng 10 chiếc xà lan chở nước từ thượng lưu về hồ chứa của Nhà máy nước Rạch Giá mỗi ngày... Tất cả chỉ cung cấp cầm chừng cho TP Rạch Giá được khoảng 50% nhu cầu nước thực tế.

Giám đốc Kiwaco, ông Nguyễn Hữu Hoài Phương cho biết, sau khi đắp thêm đập Kinh Cụt ở Rạch Sỏi (TP Rạch Giá), mấy ngày qua mực nước mặn xâm nhập vào nội đồng giảm, hiện cách hồ lấy nước nước ngọt Tà Tây của Nhà máy khoảng 4 km. Như vậy 2 trong số 3 cửa sông chính của TP Rạch Giá đã được đắp đập ngăn mặn tạm thời. Tuy nhiên do nước mặn đã xâm nhập sâu từ trước, nên việc lắp đặt các máy bơm nước mặn ra ngoài cửa sông là cần thiết.

.
 Kiên Giang cho triển khai 16 Motor điện công suất lớn tại đập ngăn mặn Sông Kiên ở TP Rạch Giá để bơm nước mặn ra biển

"Trước tình hình hạn mặn vẫn còn tiếp diễn và để đảm bảo đủ nước ngọt cho TP Rạch Giá, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng nay đơn vị cung cấp thiết bị ở TP HCM đã tiến hành lắp đặt 16 máy bơm (Motor điện) ở đập Sông Kiên để bơm nước mặn ra biển. Mỗi máy có 45 mã lực với công suất bơm mỗi máy khoảng 1.500 m3 nước/h. Với các máy bơm này chỉ trong khoảng 3 ngày tới nước ngọt sẽ lùi về tới cửa lấy nước ngọt vào hồ chứa Tà Tây của Nhà máy nước. Khi đó, sẽ bảo đảm đủ cung cấp 100% nước ngọt cho TP Rạch Giá", ông Phương phấn khởi nói.

Trả lời Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn sáng nay, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, ông Đỗ Minh Nhựt cho biết, việc đắp các đập này là giải pháp tạm thời để chống xâm nhập mặn sâu vào nội đồng để cứu lúa. Tuy nhiên, do không lường trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài như năm nay, nên con đập này góp phần ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt của Nhà máy nước Rạch Giá và gây ô nhiễm môi trường cục bộ vài nơi do ngăn dòng chảy.

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hạn, mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long "mới chỉ bắt đầu"
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, vào trung tuần tháng 3 này , Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ phải gánh chịu một đợt xâm nhập mặn thứ...
Bình luận bài viết này
  • HOÀI NGỌC PHAN 03:13 | 10-05-2016
    Rạch Giá Kiên Giang vào mùa khô thường xuyên nhiễm mặn vì ở sát biển.Làm đập ngăn mặn,chận dòng chảy con sông bị ô nhiễm hôi thúi.Ngành cấp thoát nước nên nghiên cứu đầu tư đúng mức hệ thống ống dẫn nước ngọt dài khoảng 30km từ Núi Sập Thoại Sơn An Giang về Rạch Giá vì hạn mặn do biến đổi khí hậu sẽ còn kéo dài chứ không phải ngày một ngày hai.Giải pháp làm thêm hồ chứa nước làm sao đáp ứng nổi so với đà tăng dân số?Ước lượng khả năng tài chánh,đầu tư căn cơ một lần sẽ hữu dụng dài lâu vẫn hơn
Xem thêm trên Báo Đầu Tư