Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kiên trì nguyên tắc “tiền đăng - hậu kiểm”
Bảo Duy - 21/01/2014 07:53
 
Mục tiêu cao nhất của việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là đưa doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Qua đó, tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cổ đông thiểu số là ai, được ai bảo vệ? >Thành lập  doanh nghiệp, vướng mắc ở đâu?

Đây vừa là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong vị trí Trưởng ban soạn thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp, nhưng cũng là đòi hỏi của cộng đồng doanh nghiệp về những thay đổi lớn trong tư duy của nhà nước kiến tạo phát triển mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm 2014.

"Doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” là nguyên tắc cần được phát huy để doanh nghiệp phát triển
"Doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” là nguyên tắc cần được phát huy để doanh nghiệp phát triển

Điều này có nghĩa là, những thuận lợi mà các nhà đầu tư có được từ nguyên tắc “doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm” và “công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” của Luật Doanh nghiệp năm 1999, Luật Doanh nghiệp năm 2005 cần phải được kế thừa và phát huy.

Những tồn tại, những quy định không còn phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng cùng thông lệ quốc tế trong hoạt động thành lập doanh nghiệp, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài; trong quy định về bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp… cũng như những khó khăn trong thủ tục rút lui khỏi thị trường phải được khắc phục.

Tuy nhiên, những yêu cầu tưởng như phù hợp với xu thế phát triển và không cần phải bàn luận thêm này lại đang vấp phải một số đề nghị xem xét chặt chẽ hơn các điều kiện thành lập doanh nghiệp từ một số cơ quan quản lý nhà nước.

Sở cứ của đề nghị này là tình trạng “doanh nghiệp ma”, doanh nghiệp thành lập để lừa đảo, buôn bán hóa đơn, trốn thuế… đang gây khó cho hoạt động quản lý nhà nước. Thậm chí, sự chậm trễ trong ra đời thông tư liên tịch giữa 3 bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng về thống nhất thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư xây dựng mà cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đang rất chờ đợi cũng bởi lý do lấn cấn trong nỗi lo không quản lý được từ phía một số cơ quan nhà nước…

Có lẽ cũng phải nhấn mạnh lại nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm” trong thành lập doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp đang thực hiện, không có nghĩa là chỉ nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư – kinh doanh của nhà đầu tư, mà còn vì mục tiêu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước theo nguyên tắc này là được xác định rõ là tạo luật chơi, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật chơi đồng thời qua đó xử lý kịp thời hành vi vi phạm chứ không phải là chỉ tìm kiếm vi phạm để xử lý. Tư duy quản lý nhà nước theo nguyên tắc này buộc từng công chức trong bộ máy phải thay đổi cách hành xử với doanh nghiệp.

Đặc biệt, trên nguyên tắc này, yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước cùng một cấp, giữa các cấp trong theo dõi, giám sát doanh nghiệp nhằm tránh chùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có nghĩa quyết định. Đi cùng với đó là những quy định tạo môi trường thuận lợi cho các chủ thể khác có liên quan như các đối tác, bạn hàng, khách hàng… tham gia theo dõi, giám sát doanh nghiệp và cả hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

Có nghĩa yêu cầu về minh bạch hóa, công khai hóa thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng những điều kiện mà doanh nghiệp phải tuân thủ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước phải được cùng thực hiện. Đây chính là cơ sở để nguyên tắc tiền đăng - hậu kiểm thực sự phát huy hiệu quả.

Cũng phải nói thêm, kết quả khảo sát doanh nghiệp về việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện cuối năm 2013 cho thấy, lo ngại về sự trở lại của tư duy tiền kiểm trong thủ tục gia nhập thị trường đang được nhắc tới như là “bóng mây đen” trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nếu có bất cứ một quy định nào theo nghĩa dựng rào cản trong gia nhập thị trường, thì niềm tin kinh doanh đang dần trở lại theo những dấu hiệu tích cực của sự ổn định kinh tế vĩ mô sau một thời gian khá dài trong thế bấp bênh, sẽ lại sụt giảm nghiêm trọng.

Khoảng trống về quy định mua bán, sáp nhập DN
Dù dành hẳn một chương đề cập đến tổ chức lại DN qua các hình thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi DN, Luật Doanh nghiệp 2005...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư