Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 09 tháng 10 năm 2024,
Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 400 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 764 triệu USD
- 29/07/2022 15:01
 
Ước 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, với 764 triệu USD.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,63 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chỉ đạt 376,15 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 186,42 tỷ USD, tăng 26,2%; nhập khẩu đạt 189,73 tỷ USD, tăng 36,5%.

Như vậy, nếu nhìn vào các con số, có thể thấy, thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng tích cực và là một điểm sáng của nền kinh tế.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,32 tỷ USD, giảm 7,7% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 56,99 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 159,36 tỷ USD, tăng 15,7%, chiếm 73,7%.

Trong 7 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,5%).

Chẳng hạn, điện thoại và linh kiện, đạt trên 33,67 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện - 31,68 tỷ USD; máy móc, thiết bị, phụ tùng khác – 24.9 tỷ USD; dệt may - 22,13 tỷ USD; giày dép - 14 tỷ USD…

Điện thoại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,06 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,53 tỷ USD, tăng 13,7%.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2022 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 40,8%).

Điện tử, máy tính và linh kiện là nhóm hàng đạt kim ngạch nhập khẩu cao nhất, lên tới 49,9 tỷ USD. Trong khi đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác là 26,2 tỷ USD; còn điện thoại và linh kiện là 11,82 tỷ USD…

Về cơ cấu hàng nhập khẩu 7 tháng năm 2022, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%, giảm 0,2 điểm phần trăm.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,6 tỷ USD.

Trong 7 tháng năm 2022, Việt Nam đã xuất siêu sang EU ước đạt 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 42,2 tỷ USD, tăng 21,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 23,5 tỷ USD, tăng 30,3%; nhập siêu từ ASEAN 7,9 tỷ USD, giảm 8,9%; nhập siêu từ Nhật Bản 769 triệu USD, giảm 13,9%.

Tính chung thì 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa vẫn ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư