Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Kinh doanh của các Cienco toàn là màu xám
Mạnh Bôn - 13/08/2013 12:59
 
Báo cáo mới đây của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) chỉ toàn màu xám.

Theo KTNN, năm 2011, cả nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thị trường tiêu thụ khó khăn…, nhưng vẫn có 23/27 tập đoàn, tổng công ty được kiểm toán kinh doanh có lãi.

Cienco 4 là doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu bằng vốn vay

Trong số 4 đơn vị bị lỗ, thì Cienco 8 đứng ở vị trí thứ 2 với số lỗ gần 138 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần so với Tổng công ty Xăng dầu Quân đội - đơn vị đứng ở vị trí thứ 3 về số tiền kinh doanh thua lỗ.

Ông Đào Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, về cơ bản, các doanh nghiệp nhà nước đã quản lý nợ phải thu theo đúng quy định, song Cienco 8 lại là một trong những đơn vị quản lý nợ chưa chặt chẽ, để khách hàng chiếm dụng vốn lớn, nợ xấu cao, với số nợ phải thu quá hạn trên 44 tỷ đồng, quản lý nợ tạm ứng không chặt chẽ dẫn đến nợ quá hạn tồn đọng lên tới 67,65 tỷ đồng.

Không những thế, Cienco 8 còn là một trong số ít tập đoàn, tổng công ty không xây dựng và ban hành quy chế quản lý nợ phải thu và để cho 9/10 công ty thành viên không trích lập dự phòng theo quy định.

Cũng theo ông Dũng, trong hầu hết doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức theo dõi, kiểm kê vật tư, hàng hóa theo đúng quy định và phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của từng đơn vị, thì Cienco 8 và Cienco 4 lại kiểm kê, theo dõi hàng tồn kho không đầy đủ, chưa chính xác.

Cienco 8 và Cienco 4 cũng là 2 trong số doanh nghiệp nhà nước hoạt động chủ yếu bằng vốn vay, thậm chí chiếm dụng vốn của đơn vị khác và vi phạm về mức độ huy động vốn được quy định tại Nghị định 09/2009/NĐ-CP.

Cụ thể, Cienco 4 có số nợ phải trả chiếm trên 89% tổng nguồn vốn (bình quân của các tập đoàn, tổng công ty là 70%); Cienco 8 có nợ phải trả gấp 7,3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, nợ phải trả quá hạn gần 73,2 tỷ đồng, nhiều công ty thành viên của Tổng công ty này có nợ phải trả gấp từ trên 11 lần đến 42 lần vốn chủ sở hữu.

Cienco 8 được KTNN nhắc đến như là một trong những doanh nghiệp điển hình trong việc không bảo toàn nguồn vốn, nợ đọng tiền thuế kéo dài (hầu hết các thành viên của Cienco 8 không nộp ngân sách đầy đủ, kịp thời với số nợ ngân sách vào thời điểm đầu năm 2012 là gần 133,5 tỷ đồng).

Cienco 4 lại “nổi tiếng” là một trong số ít doanh nghiệp nhà nước “trả lương vô lối”, không tương xứng với hoạt động sản xuất, kinh doanh và quá chênh lệch giữa “cán bộ” với người lao động, khi mà thành viên Hội đồng Thành viên và các phó tổng giám đốc nhận mức lương gần 40 triệu đồng/tháng thì người lao động trong Cienco này chỉ được nhận mức lương chưa đầy 5,5 triệu đồng/tháng.

Trước đó, vào cuối năm 2012, Bộ Tài chính đã gửi các đại biểu Quốc hội báo cáo tổng thể về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh niên độ năm 2011 của 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo báo cáo này, các Cienco cũng nổi lên là những đơn vị dẫn đầu về sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nợ phải thu khó đòi lớn, nợ phải trả cao…

Không chỉ có số nợ phải thu quá lớn, nhiều Cienco còn nằm trong top đầu về nợ quá hạn. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong số 30/91 tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quá quy định (3 lần) có sự góp mặt của khá nhiều Cienco. Trong đó, nợ quá hạn/vốn chủ sở hữu của Cienco 1 là 21,85 lần và của Cienco 8 là 16,11 lần - giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 trong top 10 đơn vị bị báo động về tình trạng nợ nần chống chất.

Mặc dù không nằm trong giới hạn cảnh báo về nợ quá hạn cao, nhưng với số nợ quá hạn tới 128 tỷ đồng, Cienco 6 là một trong số ít doanh nghiệp có nợ quá hạn cao nhất năm 2011.

Với tình hình tài chính thiếu lành mạnh, nên tính đến đầu năm 2012, Cienco 1 có số lỗ lũy kế là 35 tỷ đồng, Cienco 6 lỗ lũy kế 27 tỷ đồng.

Ông Thân Đức Nam, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Cienco 5 cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, ngoài việc phải chịu khó khăn như mọi lĩnh vực khác, còn phải chịu khó khăn riêng. Đó là do chủ trương kiềm chế lạm phát, hàng loạt dự án, công trình giao thông buộc phải giãn, hoãn, tạm dừng thi công, khiến hàng loạt doanh nghiệp thiếu việc làm, không luân chuyển được nguồn vốn.

Ông Nam cho biết, năm 2011, ngay cả những doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín và quan hệ với ngân hàng lâu năm như Cienco 5, trong nhiều thời điểm cũng không thể vay được vốn ngân hàng. Thiếu vốn, không đủ khả năng tài chính để triển khai các dự án có hiệu quả, nhân công, thiết bị, máy móc không sử dụng hết công suất khiến tình hình tài chính của các Cienco rơi vào khó khăn.

Sốt ruột với nợ xấu khối doanh nghiệp nhà nước
Sự xuất hiện của Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào cuối tuần qua hứa hẹn sẽ góp phần rã băng“cục máu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư