Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Sốt ruột với nợ xấu khối doanh nghiệp nhà nước
Hà Tâm - 30/07/2013 12:51
 
Sự xuất hiện của Công ty Quản lý tài sản và các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vào cuối tuần qua hứa hẹn sẽ góp phần rã băng“cục máu đông” nợ xấu trong nền kinh tế. Song việc xử lý dứt điểm nợ xấu là công việc cực kỳ khó khăn. Thủ tướng chỉ thị chống lãng phí trong DNNN

Thực tế, nếu chia tảng băng nợ xấu của nền kinh tế thành ba phần, thì VAMC chỉ xử lý nợ xấu lớn của khu vực tư nhân; với phần còn lại, ngân hàng và Bộ Tài chính phải “gánh”.

VAMC chỉ xử lý nợ xấu lớn của khu vực tư nhân; phần còn lại,
ngân hàng và Bộ Tài chính phải “gánh” (Hình minh họa)

Điều đáng nói là, trong khi việc xử lý nợ xấu của khu vực tư nhân tiến triển khả quan, thì nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại chuyển biến rất chậm.

Theo Đề án Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngay trong năm 2013, Bộ Tài chính phải hoàn tất phương án xử lý nợ xấu của DNNN.

Song phải nhìn nhận rằng, không dễ đưa ra phương án xử lý, nhất là khi việc thống kê chi tiết nợ xấu tại khu vực này đòi hỏi phải có thời gian.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho thấy, tính đến tháng 1/2013, nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty là 1,33 triệu tỷ đồng, nhưng không chỉ rõ nợ xấu của khu vực này là bao nhiêu, tập trung ở doanh nghiệp nào.

Với tình hình làm ăn kém hiệu quả của DNNN hiện nay, có thể nhận định rằng, nợ xấu của khu vực này là đáng lo ngại, với con số lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Việc Bộ Tài chính yêu cầu tất cả DNNN gửi báo cáo về tình hình tài chính và nợ xấu của đơn vị để làm rõ bức tranh nợ xấu là rất cần thiết, bởi đó là cơ sở để có thể đề xuất giải pháp xử lý khả thi.

Tuy vậy, phải cuối quý III hoặc sang quý IV năm nay, cơ quan này mới có thể hoàn thiện phương án xử lý nợ xấu của DNNN để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong lúc chờ đợi giải pháp mới xử lý nợ xấu mà Bộ Tài chính đưa ra, mọi hy vọng lại đặt vào Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Thế nhưng, với quy mô khiêm tốn, thiếu công cụ và cả nhân lực, DATC chưa đủ sức để xử lý hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu. Một ví dụ cụ thể là sau 10 năm hoạt động, đến nay, DATC mới thực hiện được 128 phương án mua bán nợ theo thỏa thuận và chỉ định của Thủ tướng Chính phủ, tổng giá trị sổ sách của tất cả khoản nợ là hơn 8.579 tỷ đồng.

Từ năm 2007 đến 2012, DATC đã mua nợ, xử lý tài chính, tái cơ cấu cho 54 doanh nghiệp - con số “khiêm tốn” so với mong muốn.

Rõ ràng, để xử lý nợ xấu, tái cơ cấu DNNN, sẽ phải có thêm nhiều sáng kiến, chế tài và phải trang bị thêm “vũ khí” cho DATC. Ngoài ra, để ngăn chặn nợ xấu phát sinh trong tương lai, cần nhanh chóng ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69/2002/NĐ-CP về xử lý nợ tồn đọng đối với các DNNN theo hướng tăng trách nhiệm của ban lãnh đạo DNNN trong việc quản lý, xử lý nợ xấu.

Một vấn đề nữa là, DNNN hoạt động dựa trên tiền đóng thuế của dân, do đó, cần yêu cầu các doanh nghiệp này công khai định kỳ kết quả kinh doanh, số liệu nợ xấu và tình hình tái cơ cấu để người dân và dư luận giám sát.

Đã đến lúc phải quyết liệt hơn trong xử lý “cục máu đông” nợ xấu, bởi càng để lâu thì cái giá mà nền kinh tế phải trả sẽ càng lớn, thậm chí là vô phương cứu chữa.

VAMC tuyển dụng nhân sự xử lý nợ xấu
Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã có thông báo tuyển dụng, do Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Thủy ký. VAMC sẽ mua nợ xấu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư