Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô: Nhiều sai phạm, ngó lơ sinh mạng hành khách
Bảo Như - 16/01/2020 08:36
 
Rất nhiều điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe khách tại TP.HCM và Lào Cai liên quan đến sinh mạng người lái và hành khách đã bị các doanh nghiệp vận tải ngó lơ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Qua kiểm tra, hiện còn có một số lái xe có giấy khám sức khỏe hoặc sổ khám sức khỏe định kỳ không đúng mẫu hoặc không có nội dung xét nghiệm ma túy. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều lỗi cơ bản

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa kết thúc đợt thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe ô tô khách tại TP.HCM, Lào Cai. Đây là 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn bậc nhất nước.

Trong đó, Sở GTVT TP.HCM đang quản lý 5.183 đơn vị kinh doanh vận tải và 4 bến xe ô tô khách (2 bến loại 1, 2 bến loại 2); Sở GTVT Lào Cai đang quản ký 2.733 đơn vị kinh doanh vận tải và 17 bến xe ô tô khách (1 bến loại 1, 1 bến loại 3, 7 bến loại 4 và 8 bến thấp hơn bến xe khách loại 6).

Do số lượng đơn vị kinh doanh vận tải tại 2 địa phương này quá lớn, nên Thanh tra Bộ GTVT chỉ kiểm tra xác suất tại 12 đơn vị kinh doanh vận tải và 2 bến xe khách. Trong đó, 8 đơn vị kinh doanh vận tải tại TP.HCM lọt vào tầm ngắm của Thanh tra Bộ GTVT là Công ty Taxi Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Huệ Nghĩa Limousine, Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận vận tải và thương mại Công Thành, Công ty TNHH Cảng Phước Long, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Tân Nam Chinh, HTX Du lịch và dịch vụ Thống Nhất; HTX Vận tải Thái Bình, Công ty cổ phần Logistics NPL và Bến xe miền Đông.

Các doanh nghiệp vận tải có quy mô đầu phương tiện lớn đang hoạt động tại thị trường TP.HCM như VinaSun, Mai Linh (taxi); Phương Trang, Mai Linh Express, Thuận Thảo, Thành Bưởi, Kumho Samco (vận tải khách tuyến cố định)… vì một số lý do đã không nằm trong đợt thanh tra này.

Mặc dù vậy, chỉ sau 1 tháng tiến hành thanh tra, Bộ GTVT đã phát hiện rất nhiều “hạt sạn” lớn tại 14 doanh nghiệp vận tải và kinh doanh bến xe ở TP.HCM và Lào Cai. Cụ thể, Thanh tra Bộ GTVT ghi nhận việc có tới 5 đơn vị có người điều hành vận tải không có trình độ chuyên môn hoặc không được tập huấn nghiệp vụ vận tải theo quy định hoặc đang “chân trong chân ngoài” đồng thời làm việc tại các đơn vị khác, không đảm bảo các điều kiện quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ - CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 63/2014/TT - BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Đó là Công ty Huệ Nghĩa Limousine, Công ty Công Thành, Công ty Tân Nam Chinh, Công ty Logistics NPL (TP.HCM) và Công ty TNHH một thành viên Thương mại An Nghiệp (Lào Cai). Cần phải nói thêm rằng, đây là lỗi vi phạm khá nặng bởi liên quan đến điều kiện pháp lý tối thiểu để các doanh nghiệp có thể hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ.

Liên quan đến việc quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, Bộ GTVT phát hiện có 2 đơn vị không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, gồm Công ty Taxi Việt Nam (TP.HCM) có 41 lái xe, Công ty TNHH một thành viên Thanh Thủy (Lào Cai) có 14 lái xe; 3 đơn vị không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe khi tuyển dụng gồm Công ty Taxi Việt Nam có 1 lái xe, Công ty Huệ Nghĩa Limousine có 9 lái xe; Công ty Công Thành có 1 lái xe. Cả ba đơn vị này đều thuộc quyền quản lý của Sở GTVT TP.HCM.

Đặc biệt, đoàn thanh tra đã phát hiện 12 đơn vị có một số lái xe có giấy khám sức khỏe hoặc sổ khám sức khỏe định kỳ không đúng mẫu hoặc không có nội dung xét nghiệm ma túy. Trong đó, HTX Xe khách liên tỉnh Thống Nhất (TP.HCM) còn không lưu trữ hồ sơ khám sức khỏe cho lái xe và hồ sơ tập huấn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe. Tại thời điểm thanh tra, đơn vị này không cung cấp được cho đoàn thanh tra số liệu và danh sách chính xác về lái xe, nhân viên phục vụ trên xe.

Trong số 8 đơn vị được phát hiện không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lái xe, các đơn vị phớt lờ quyền lợi của người lao động nhiều nhất là Công ty Taxi Việt Nam có 317 lái xe, HTX Xe khách liên tỉnh Thống Nhất có 809 lái xe, HTX Vận tải Thái Bình có 150 lái xe.

Một thành viên đoàn thanh tra cho biết, đây là kết quả kiểm tra xác suất, nên nếu “bắt chặt”, thì số lượng các vi phạm được phát hiện sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Buông lỏng quản lý

Nếu các vi phạm liên quan đến điều kiện vận tải và đóng bảo hiểm xa hội, bảo hiểm y tế cho lái xe liên quan nhiều đến hoạt động nội bộ của đơn vị vận tải, thì việc quản lý, theo dõi việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện lại tác động trực diện đến trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường. Điều đáng tiếc là, theo kết quả thanh tra, nhiều đơn vị vận tải đã lỏng tay quản lý đối với hoạt động của lái xe trên đường.

Theo Kết luận Thanh tra số 12032/KL-BGTVT, Bộ GTVT ghi nhận có 7 đơn vị với 128 xe, người lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục từ 10% số ngày hoạt động trong một tháng. Trong đó, HTX vận tải Thái Bình có tới 108 xe; 3 đơn vị có 14 lái xe có 5 lần vi phạm tốc độ/1.000 km xe chạy trong 1 tháng, trong đó HTX Thống Nhất có 11 trường hợp.

Cần phải nói thêm rằng, tại thời điểm thanh tra tại TP.HCM, Bộ GTVT cũng tổ chức thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải bằng xe ô tô và bến xe khách tại 24 đơn vị kinh doanh vận tải và 4 bến xe khách thuộc 4 tỉnh gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Nai và Bình Thuận. Kết quả cho thấy, những lỗi vi phạm là khá tương đồng tại cả 6 địa phương.

Cụ thể, tại 4 địa phương trên, có 6 đơn vị mà người trực tiếp điều hành vận tải không có trình độ chuyên môn phù hợp, không được tập huấn nghiệp vụ vận tải hoặc đang đồng thời làm việc tại đơn vị khác, không đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 86/2014 và Thông tư số 63/2014 bao gồm: Công ty TNHH Nam Thịnh, Công ty TNHH Vận tải Nam Quốc (Đồng Nai); Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Bé Dũng, Công ty TNHH Thương mại Muine Travel Holiday, Công ty TNHH Thiên Ngọc Hương, Công ty TNHH Mười Ninh (Bình Thuận).

Về phương tiện, có 20 doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch bảo dưỡng phương tiện; có 5 doanh nghiệp không lập hồ sơ lý lịch phương tiện; 13 đơn vị không cập nhật hồ sơ lý lịch phương tiện hoặc có cập nhật nhưng không đầy đủ nội dung, không đúng với thực tế hoạt động của phương tiện hoặc hồ sơ lý lịch phương tiện không đủ nội dung quy định.

Đối với việc quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe, kết quả thanh tra cho thấy, có 7 đơn vị không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, có 5 đơn vị không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe khi tuyển dụng và 13 đơn vị có một số lái xe có giấy khám sức khỏe không đúng mẫu hoặc không có nội dung xét nghiệm ma túy, không kết luận hạng xe đủ điều kiện lái.

Về thanh tra bến xe khách, tại bến xe Hà Tĩnh có 10 doanh nghiệp, tại Đồng Nai có 2 doanh nghiệp hoạt động tại bến xe, nhưng chưa ký hợp đồng dịch vụ với bến. Một số hợp đồng dịch vụ không phải do doanh nghiệp vận tải ký trực tiếp với bến xe hoặc không có chữ ký của doanh nghiệp. Bến xe Đồng Nai không thực hiện đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông và giải quyết cho xe ra, vào bến.

Kết quả thanh tra của Bộ GTVT cũng chỉ ra các tồn tại của các Sở GTVT được “điểm mặt, chỉ tên” là: trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 300 vị trí điểm đón trả khách tuyến cố định, tỉnh Hà Tĩnh có trên 170 vị trí, tỉnh Đồng Nai có trên 50 vị trí các điểm đón, trả khách tuyến cố định chưa xây dựng công bố đưa vào khai thác theo quy định.

Trong việc cấp phù hiệu xe, biển hiệu xe, các Sở GTVT Nghệ An, Hà Tĩnh cấp một số phù hiệu xe có thời hạn có giá trị của phù hiệu chưa đúng quy định. Sở GTVT Đồng Nai cấp một số phù hiệu xe trước tháng 7/2019 có thời hạn có giá trị của phù hiệu và thời gian cấp phù hiệu chưa đúng quy định.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên nhân của những vi phạm trên là các sở GTVT chưa chú trọng, quyết liệt, chưa thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các doanh nghiệp, bến xe khách.

Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT nói trên cần xây dựng, công bố đưa vào khai thác các điểm đón, trả khách tuyến cố định; kiểm tra, rà soát việc tổ chức tập huấn, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ vận tải, an toàn giao thông cho các lái xe để xử lý các trường hợp không tập huấn đúng quy định; kiểm tra theo thẩm quyền đối với việc tổ chức khám và cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe; kiểm tra cụ thể việc thu giá dịch vụ xe ra, vào bến xe; yêu cầu doanh nghiệp truyền dữ liệu giám sát hành trình về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định.

“Tổ chức rút kinh nghiệm những tồn tại trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe ô tô khách; khắc phục ngay các tồn tại, đồng thời tăng cường công tác quản lý vận tải qua thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm về thời gian làm việc của lái xe, vi phạm về tốc độ, vi phạm về hoạt động của thiết bị giám sát hành trình. Báo cáo Bộ GTVT kết quả thực hiện kết luận thanh tra trước ngày 15/2/2020”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, qua xác minh 70 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2019, có 2 vụ mà lái xe không có giấy phép lái xe, số năm hành nghề trung bình của lái xe bị tai nạn là 9,5 năm, độ tuổi trung bình của lái xe là 38,1 năm. Thống kê theo hạng giấy phép lái xe, có: 14 trường hợp hạng B1, B2; 19 trường hợp hạng C; 5 trường hợp hạng D; 51 hạng E, Fc (chiếm tới 72,85%).
Sẽ có nghị định mới điều chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng ô tô trước ngày 1/1/2020
Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết liên quan đến việc ban hành nghị định mới quy định về kinh doanh và điều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư