Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Kinh tế năm 2025: Tăng tốc “khoán tăng trưởng”
Hà Nguyễn - 22/07/2025 07:43
 
Chính phủ đã đặt mục tiêu cao hơn cho tăng trưởng kinh tế năm 2025, ở mức 8,3 - 8,5%. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra cho các địa phương là cũng phải tăng trưởng GRDP cao hơn so với mức đã được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP.
TP.HCM đang nỗ lực thực hiện hàng loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm, hoàn thành mức “khoán tăng trưởng” được giao.  Ảnh: Lê Toàn

Kịch bản mới, trách nhiệm tăng

Chính phủ đã quyết tâm phấn đấu đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025. Điều đó đòi hỏi các địa phương cũng phải nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

“Các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, nhất là các địa phương đóng vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng đã nói như vậy tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.

Khi kịch bản tăng trưởng của cả nước được điều chỉnh, cộng thêm với việc các địa phương đã được sáp nhập kể từ ngày 1/7/2025, thay vì 63 tỉnh, thành phố, hiện chỉ còn 34 tỉnh, thành phố, thì mức “khoán tăng trưởng” mới cho các địa phương cũng đã được Bộ Tài chính tính toán lại.

Hiện tại, Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Nếu được thông qua, các mức “khoán tăng trưởng” mới sẽ được giao cho các địa phương và cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Trong đó, trong nhóm các địa phương tăng trưởng GRDP 2 chữ số có Hải Phòng (12,2%); Ninh Bình (10,6%); Bắc Ninh (11,5%); Quảng Ninh (12,5%); Phú Thọ, Huế, Quảng Ngãi, Cần Thơ đều 10%... Trong khi đó, các “đầu tàu” kinh tế như Hà Nội và TP.HCM phải tăng trưởng 8,5%; Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng đều 9%; Tây Ninh 9,3%; Khánh Hòa 8,5%...

Soi vào mức “khoán tăng trưởng” ở Nghị quyết số 25/NQ-CP, có thể thấy, nhiều địa phương sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ nặng nề hơn. Chẳng hạn, TP.HCM phải tăng trưởng cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với trước, Hà Nội cao hơn 0,5 điểm phần trăm, Quảng Ninh cao hơn 1 điểm phần trăm, Thái Nguyên cao hơn 0,5 điểm phần trăm…

Đây là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đều đang gặp khó khăn. Hơn thế, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh các địa phương tăng trưởng cao như Quảng Ngãi (13,02%), Hải Phòng (11,42%), Quảng Ninh (10,89%), Ninh Bình (10,75%), Đà Nẵng (9,98%)…, vẫn còn 17/34 địa phương tăng dưới 8%. Đáng chú ý, trong số đó có Hà Nội (7,63%), TP.HCM (6,56%), Cần Thơ (7,87%), Thanh Hóa (7,88%), Thái Nguyên (6,61%)…

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, để tăng trưởng GRDP cả năm ở mức 8,5%, trong 6 tháng cuối năm, Hà Nội phải tăng trưởng 9,3%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với kịch bản đặt ra ở Nghị quyết số 25/NQ-CP. Trong khi đó, TP.HCM sau sáp nhập tăng trưởng khá thấp trong 6 tháng, nên buộc phải đạt mức tăng trưởng 10,3%, thay vì 9,6% như ở Nghị quyết số 25/NQ-CP. Tương tự, Quảng Ninh phải tăng trưởng 13,9%; Hải Phòng tăng trưởng 13,1%. Con số này với Bắc Ninh là 12,4%, Cần Thơ là 11,9%...

Nếu không có các yếu tố bứt phá, không dễ để các địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như vậy trong 6 tháng cuối năm, để cả năm có thể hoàn thành mức khoán tăng trưởng mới, góp phần đưa cả nước đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5%.

Trông vào các địa phương động lực

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, nhưng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là “không thể không làm”, nên các địa phương không còn cách nào khác, buộc phải nỗ lực.

“Chúng tôi tin tưởng sẽ cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5%, phấn đấu đạt mức cao nhất là 8,5%”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được nói.

Theo ông Được, để thúc đẩy tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm, TP.HCM sẽ thực hiện hàng loạt giải pháp. Trong đó, trước hết là tiếp tục thực hiện bộ máy chính quyền 2 cấp với tinh thần thần tốc, quyết liệt; tăng tốc giải ngân đầu tư công; thúc đẩy các động lực truyền thống, hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài…

“TP.HCM đang tăng tốc triển khai xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế”, ông Nguyễn Văn Được cho biết.

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế chính là một động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam đang hướng tới. Đà Nẵng cũng đang nỗ lực thúc đẩy mô hình này. Bên cạnh đó, theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do, đồng thời tiếp tục thực hiện việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thành phố sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và giải ngân đầu tư công, thu hút nguồn lực cho các dự án công nghệ cao như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, ông Trần Sỹ Thanh tự tin rằng, Hà Nội bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% cả năm. Nhưng đó là nhiệm vụ trước kia, giờ đây, Hà Nội sẽ phải đạt mức tăng trưởng 8,5%, chứ không chỉ là 8%. Nhiệm vụ lớn hơn, trách nhiệm nặng nề hơn và vì thế, phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Cơ hội nào để thúc đẩy tăng trưởng?

Có một điểm chung được các địa phương đề cập khá nhiều trong các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Đây được coi là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của các địa phương nói riêng, của cả nền kinh tế nói chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 8,3 - 8,5% trong năm 2025 cũng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Mà nhiệm vụ này thành hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự nỗ lực của các địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2025. Năm nay, ngoài số vốn kế hoạch năm 2025 là gần 830.000 tỷ đồng, còn khoảng 152.700 tỷ đồng vốn được giao bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024. Ngân khoản gần 1 triệu tỷ đồng này nếu được giải ngân hết sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu giải ngân vốn hằng tháng đến từng chủ đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh của từng dự án; phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý III đạt 60% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2025 đạt 100% kế hoạch”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói.

Và không chỉ là vốn đầu tư công, để thúc đẩy tăng trưởng, theo tính toán của Bộ Tài chính, phải tăng cường huy động vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Tính toán của Bộ Tài chính cho biết, huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm phải vào khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.

Ngoài khoản đầu tư công, thì đầu tư tư nhân phải huy động được 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế 8%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 18,5 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.

Ngay sau khi các kịch bản này được tính toán, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã thành lập 8 tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tiếp tục họp bàn để đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho gần 3.000 dự án còn tồn đọng trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải chủ động phối hợp, rà soát, tìm giải pháp tháo gỡ cho các dự án này. “Những vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, thì Chính phủ giải quyết; vấn đề gì thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương, thì các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Việc tháo gỡ được khó khăn cho các dự án, mà theo tính toán là có quy mô khoảng 235 tỷ USD, sẽ góp phần khơi thông nguồn lực, đưa kinh tế các địa phương và kinh tế cả nước tăng tốc phát triển.

Cùng với việc nâng mức “khoán tăng trưởng” cho các địa phương, dự kiến, Chính phủ cũng sẽ giao nhiệm vụ cao hơn cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đó, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dự kiến phải đạt mức tăng trưởng trên 8,5% so với năm 2024.

Đặc biệt, một số tập đoàn, tổng công ty phải đạt mức tăng trưởng cao hơn. Chẳng hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải tăng trưởng sản lượng 11,5%, tăng trưởng doanh thu 14,5%; Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đều phải tăng trưởng 9,5%. Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước dự kiến phải tăng trưởng 20,5%.
Ninh Thuận đặt ra 18 mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025
Năm 2025, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP phấn đấu đạt khoảng 13 - 14% để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả nhiệm kỳ; GRDP...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư