Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế Mỹ và chứng khoán lệch pha, nhà đầu tư găm tiền mặt ở mức “khủng”
Lê Quân - 20/06/2020 17:10
 
Đổ xô vào các quỹ thị trường tiền tệ để tránh “bão” Covid-19, nhà đầu tư Mỹ đang ngồi trên đống tiền mặt lớn nhất từ trước đến nay.
"Bầm dập" vì Covid-19, nhà đầu tư đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Mỹ và tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn. Ảnh: AFP

Lượng tiền mặt hiếm thấy

Nền kinh tế Mỹ đối mặt những bất ổn khó lường nhất trong nhiều thập kỷ qua cùng với nhiễu động kéo dài nhiều tháng qua trên thị trường chứng khoán, khiến nhà đầu tư đổ xô vào các quỹ thị trường tiền tệ. Đây là dạng quỹ đầu tư thị trường vốn ngắn hạn mà bản chất là quỹ đầu tư tín thác với ưu điểm an toàn, lãi suất và thanh khoản cao.

Wall Street Journal dẫn số liệu của Refinitiv Lipper cho thấy tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ gần đây tăng lên 4.600 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử thống kê từ năm 1992. “Đây là tâm lý tích trữ sống còn của nhà đầu tư. Nó đã thổi bay mọi kỷ lục trước đó”, Peter Crane, người sáng lập Crane Data, đơn vị theo sát hoạt động các quỹ thị trường tiền tệ.

Dồn tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ là một nhưng không phải biện pháp duy nhất cất trữ tiền mặt. Nhà đầu tư cũng có thể rút tiền mặt gửi vào những nơi khác, đơn cử ngân hàng.

Rất ít chuyên gia có thể cắt nghĩa tác động của đống tiền mặt “khổng lồ” 4.600 tỷ USD đến thị trường. Nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn giữa việc thị trường chứng khoán Mỹ gần đây tăng điểm khá ổn định bất chấp suy thoái kinh tế và việc lựa chọn biện pháp an toàn là giữ tiền mặt. Trong khi các nhà đầu tư khác gạt chuyện giữ tiền mặt sang một bên và có xu hướng bung tiền vào chứng khoán nếu có cơ hội hấp dẫn.

Tiền mặt lên ngôi thời Covid-19 khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, trái phiếu và hàng hóa. Chưa kể, các khoản tiền hỗ trợ phát tới hàng triệu người Mỹ theo chương trình giải cứu nền kinh tế cũng góp sức chất đống tiền mặt.

Tháo chạy khỏi thị trường là tín hiệu khó hiểu mới nhất trên thị trường, bởi lẽ nền kinh tế Mỹ đang vật lộn trước suy thoái vì đại dịch Covid-19, còn thị trường chứng khoán Mỹ lại đang hồi phục mạnh mẽ với mức tăng hơn 35% so với mức đáy hồi cuối tháng 3.

John Cunnison, Giám đốc phụ trách đầu tư của Công ty đầu tư Baker Boyer cho biết ông đã chuyển một số danh mục đầu tư của mình thành tiền mặt từ đầu năm nay khi các biến động bắt đầu len lỏi vào thị trường. Đây là lần đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ qua nhà đầu tư này ngưng rót tiền vào chứng khoán hoặc kênh đầu tư tài sản khác.

Cunnison không phải ngoại lệ, khi mà tài sản trong các quỹ thị trường tiền tệ đến nay tăng thêm gần 1.000 tỷ USD so với mức kỷ lục 3.800 tỷ USD thời khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, ông Cunnison đang cố dung hòa sự lệch pha giữa nền kinh tế Mỹ đang diễn biến xấu còn thị trường chứng khoán đang hồi phục mạnh mẽ.

Còn đối với thị trường trái phiếu, nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài. Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý tài sản Independent Advisor Alliance cho hay, nhà đầu tư này đang giữ nhiều danh mục đầu tư bằng tiền mặt hơn bình thường. Xem xét các trái phiếu doanh nghiệp có khả năng sinh lời cao, ông Zaccarelli cho rằng cơ hội đầu tư vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Giữ tiền bằng tiền mặt đang có lợi cho nhà đầu tư này, giúp ông tránh được những biến động của thị trường. “Giữ tiền mặt thực sự đang bảo vệ chúng ta”, ông Zaccarelli quả quyết.

Dấu hiệu trở lại thị trường chứng khoán

Đã xuất hiện những lo ngại xoay về cú chạy đà gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi chỉ số S&P 500 lao dốc 5,9% trong phiên giao dịch 18/6, mức sụt giảm lớn nhất kể từ tháng 3 trước khi rung lắc dữ dội trong phiên 19/6. Nhưng tính chung lại, S&P 500 vẫn tăng phi mã 37% so với mức điểm thiết lập cuối tháng 3 và chỉ giảm 5,1% từ đầu năm đến nay.

Bất chấp đà tăng điểm gần đây, chứng khoán Mỹ trong mắt nhà đầu tư lúc này vẫn đang ở ngưỡng thấp nhất trong thập kỷ qua, theo dữ liệu của Tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức Deutsche. Nhóm nghiên cứu của Deutsche cho biết nhiều nhà đầu tư cá nhân đã tranh thủ nhập cuộc khi thị trường chứng khoán hứng chịu các đợt bán tháo, còn nhà đầu tư tổ chức lớn hơn chậm chân hơn khi gần đây mới bắt đầu tăng mua vào.

Chuyên gia Jeremy Grantham từ Công ty quản lý đầu tư và tài sản GMO LLC, người được đề cao vì đã đưa ra những cảnh báo trước khi Phố Wall chứng kiến những đổ vỡ vào năm 2000 và 2008, nhận định vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao nhất trong lịch sử, trong khi nền kinh tế rơi vào suy thoái chưa từng có.

Không khó để nhận ra sự lệch pha giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ cũng như phản ứng thị trường hiện nay. Cổ phiếu nhóm S&P 500 có hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu (P/E) ở ngưỡng cao lịch sử 10%, trái lại nền kinh tế Mỹ đang hứng chịu đợt suy thoái tồi tệ và được dự báo suy giảm từ 10-14% trong năm nay.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới chính thức rơi vào suy thoái từ tháng 2/2020, chấm dứt chuỗi tăng trưởng dài lịch sử 128 tháng. Trong khi đó, cổ phiếu thuộc rổ S&P 500 được giao dịch với mức lợi nhuận cao 21,7 lần so với dự kiến, điều này vô tình đẩy hệ số P/E của cổ phiếu rổ S&P 500 sắp đến ngưỡng bong bóng dotcom.

Đáng ngại hơn, các nhà đầu tư như ông Cunnison có xu hướng quay lại thị trường chứng khoán. Cunnison cho biết ông trở lại đầu tư chứng khoán từ giữa tháng 5 và sẽ tăng mua cổ phiếu nếu giá tiếp tục giảm. Giới quan sát thị trường đánh giá sự thận trọng bơm tiền của các nhà đầu tư như Cunnison là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán vẫn có “room” để xoay sở.

“Nếu xu hướng trên trở lại thị trường được duy trì, sẽ tạo lực đẩy quan trọng giúp chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng cao”, ông Stephen Suttmeier, chuyên gia phân tích kỹ thuật chứng khoán tại Bank of America nhận định.

Dow Jones đứt chuỗi 6 phiên lên điểm, chứng khoán Nhật - Hàn vẫn giữ đà tăng
Sắc xanh tiếp tục duy trì trên thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch sáng nay 10/6 dù số liệu lạm phát tháng 5 của Trung Quốc không như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư