Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái
Đông Phong - 15/02/2024 18:12
 
Nhật Bản bất ngờ rơi vào suy thoái vào cuối năm ngoái, đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức, theo Reuters.
tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản đã giảm 0,2% trong quý IV/2023, ngược với dự báo tăng 0,1%. Ảnh: AFP
Tiêu dùng cá nhân tại Nhật Bản đã giảm 0,2% trong quý IV/2023, ngược với dự báo tăng 0,1%. Ảnh: AFP

Nguy cơ tiếp tục suy giảm trong quý I/2024

Dữ liệu được chính phủ Nhật Bản hôm nay 15/2 cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2023 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau mức giảm 3,3% trong quý III. Kết quả tăng trưởng này là điều bất ngờ so với dự báo tăng trưởng 1,4% của thị trường.

Kinh tế được cho là rơi vào suy thoái kỹ thuật khi có hai quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm.

Kết quả tăng trưởng quý IV/2023 làm dấy lên nghi ngờ về thời điểm Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ bắt đầu thoát chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã áp dụng dài cả thập kỷ.

Một số nhà phân tích cho rằng Nhật Bản sẽ đối mặt thêm một đợt suy thoái khác trong quý này do nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc suy yếu, tiêu dùng và sản xuất trì trệ tại một đơn vị của tập đoàn Toyota, từ đó chỉ ra con đường phục hồi kinh tế đầy thách thức đối với nền kinh tế này.

"Điều đặc biệt đáng chú ý là sự chậm chạp trong phục hồi tiêu dùng và chi tiêu vốn vốn là trụ cột chính của nhu cầu trong nước", nhà kinh tế cao cấp Yoshiki Shinke của Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.

"Nền kinh tế Nhật Bản sẽ vẫn thiếu động lực trong thời điểm hiện nay bởi không có các động lực tăng trưởng chủ chốt", nhà kinh tế cao cấp Yoshiki Shinke đánh giá.

Các nhà phân tích vẫn kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ loại bỏ dần gói kích thích tiền tệ khổng lồ trong năm nay, nhưng tình hình kinh tế suy giảm có thể đặt ra sự hoài nghi đối với dự báo của cơ quan này rằng tăng lương sẽ hỗ trợ tiêu dùng và giữ lạm phát ổn định quanh mức mục tiêu 2%.

Nhà kinh tế cao cấp Stephan Angrick của Moody's Analytics, cho biết: "Hai lần giảm GDP liên tiếp và ba lần giảm liên tiếp về nhu cầu trong nước là tin xấu, ngay cả khi những điều chỉnh chính sách có thể thay đổi con số cuối cùng ở mức cận biên".

"Điều này khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khó có thể kiến giải cho việc tăng lãi suất chứ chưa nói đến một loạt đợt tăng lãi suất", ông Angrick nói thêm.

Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Yoshitaka Shindo nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được mức tăng trưởng tiền lương vững chắc để củng cố tiêu dùng, điều mà ông mô tả là "thiếu động lực" do giá cả tăng cao.

"Chúng tôi hiểu rằng Ngân hàng Trung ương Nhật bản phải xem xét toàn diện các dữ liệu khác nhau, bao gồm tiêu dùng và rủi ro đối với nền kinh tế trong việc đưa ra chính sách tiền tệ", ông Yoshitaka Shindo nói tại cuộc họp báo sau công bố kết quả tăng trưởng quý IV/2023.

Đồng yên ổn định sau công bố kết quả tăng trưởng quý IV/2023 và giao dịch ở mức 150,22 JPY "ăn" 1 USD, gần mức thấp nhất trong ba tháng qua.

Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản sụt giảm do một số nhà giao dịch chùn bước trước việc đặt cược vào sự thay đổi chính sách sớm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm 4 điểm cơ bản xuống còn 0,715%. Trong khi đó, chỉ số Nikkei tăng lên mức cao nhất trong 34 năm khi dữ liệu tăng trưởng càng củng cố những lời trấn an gần đây từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rằng chi phí lãi vay sẽ ở mức thấp ngay cả sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm.

Bà Naomi Muguruma, chiến lược gia trưởng về trái phiếu tại công ty chứng khoán Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, đánh giá: "Nhu cầu trong nước yếu khiến Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khó thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ". "Rào cản để chấm dứt lãi suất âm trong tháng 3 đã tăng lên", bà Naomi Muguruma nói thêm.

Tiêu dùng và chi phí vốn cùng giảm

Tiêu dùng cá nhân, yếu tố đóng góp hơn một nửa sản lượng kinh tế Nhật Bản, đã giảm 0,2% trong quý IV/2023, trong khi thị trường dự báo tăng 0,1%. Nguyên nhân sụt giảm là do chi phí sinh hoạt tăng và thời tiết ấm áp khiến các hộ gia đình hạn chế ra ngoài ăn và mua săm quần áo mùa đông.

Mặt khác, chi phí vốn, một động lực tăng trưởng quan trọng khác của khu vực tư nhân, đã giảm 0,1% trong quý IV/2023, trái ngược với dự báo tăng 0,3%.

Thực tế, cả tiêu dùng và chi phí vốn của Nhật Bản đều đã sụt giảm trong quý thứ ba liên tiếp.

Một cuộc khảo sát hàng quý cho thấy các công ty lớn của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng chi tiêu vốn lên 13,5% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024. Tuy nhiên, mức đầu tư thực tế lại chậm trễ do chi phí nguyên liệu thô tăng cao và tình trạng thiếu lao động.

Số liệu đơn đặt hàng máy móc gần đây nhất - một chỉ số hàng đầu về chi tiêu vốn - đã sụt giảm trong tháng 11/2023. Điều này cũng làm dấy lên sự hoài nghi về quan điểm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rằng đầu tư mạnh mẽ sẽ củng cố nền kinh tế.

Trong quý IV/2023, nhu cầu bên ngoài tính theo giá trị xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ nhập khẩu) đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào GDP Nhật Bản nhờ xuất khẩu tăng 2,6% so với quý trước đó.

Các nguồn tin của Reuters cho rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đặt nền tảng cho việc chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4 tới và cải cách các nội dung khác trong khuôn khổ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Việc chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của Nhật Bản được dự báo sẽ xảy ra vào thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất và thậm chí sẽ giảm lãi suất trong năm nay.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu khi triển vọng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sáng sủa hơn, nhưng cảnh báo về những rủi ro bao gồm căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Trong khi các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chưa bật đèn xanh về thời điểm chấm dứt chính sách lãi suất âm, thì nhiều nhà đầu tư kỳ vọng điều đó sẽ xảy ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay. Kết quả thăm dò tháng 1 của Reuters cho thấy tháng 4 là lựa chọn được các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ bãi bỏ chính sách lãi suất âm.

Một số nhà phân tích cho rằng thị trường lao động thắt chặt của Nhật Bản và kế hoạch chi tiêu doanh nghiệp mạnh mẽ đang tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương nước này sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Ông Marcel Thieliant, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho biết: "[Ngân hàng Trung ương Nhật Bản] đã nhận định rằng tiêu dùng tư nhân 'vẫn tăng vừa phải' và chúng tôi nghi ngờ rằng nó sẽ tiếp tục mang lại tín hiệu lạc quan cho cuộc họp chính sách sắp tới vào tháng 3". Chuyên gia này này dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4 tới.

Nhật Bản: BoJ duy trì lãi suất âm, giữ mục tiêu lạm phát ở mức 2%
Kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì lãi suất ở mức âm với mục tiêu duy trì lạm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư