Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý III/2023
Đông Phong - 15/11/2023 11:32
 
Nền kinh tế Nhật Bản trong quý III/2023 suy giảm với tốc độ hàng quý nhanh nhất trong hai năm qua, do lạm phát đè nặng nhu cầu tiêu dùng, cộng thêm những khó khăn về xuất khẩu.
GDP của Nhật Bản trong quý III/2023 đã suy giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP
GDP của Nhật Bản trong quý III/2023 đã suy giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: AFP

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý III của Nhật Bản suy giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, sau mức tăng 4,8% trong quý II, đài CNBC dẫn số liệu sơ bộ của chính phủ Nhật Bản cho hay.

Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý III/2021 và cao hơn mức giảm 0,6% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với Reuters. GDP deflator - chỉ số giảm phát GDP (hay còn gọi là chỉ số điều chỉnh GDP) của Nhật Bản trong quý III đạt 5,1%, tính theo năm.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý III đã suy giảm 0,5% so với quý II, trong khi quý II đạt tăng trưởng 1,2% so với quý trước đó.

Các mức suy giảm trên đều là lần sụt giảm đầu tiên của nền kinh tế Nhật Bản trong 4 quý qua. Chúng phản ánh một phần của xu hướng chưa ổn định kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, bởi nền kinh tế chứng kiến các giai đoạn tăng trưởng xen kẽ với suy giảm.

Số liệu GDP quý III cho thấy những thách thức chính sách mà Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này, ông Kazuo Ueda, phải đương đầu trong những tháng tới.

"Lực cản lớn nhất đối với hoạt động kinh tế là lưu kho hàng hóa, vốn đã kéo giảm 0,3% điểm tăng trưởng GDP trong quý trước. Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là nhu cầu của khu vực tư nhân đồng thời sụt giảm trên diện rộng", ông Marcel Thieliant, trưởng bộ phận khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh), nhận định.

GDP quý III của Nhật Bản suy yếu một phần do chi phí tài sản cố định giảm sâu hơn dự tính, với mức giảm 0,6% so với quý II, trái ngược với kỳ vọng tăng 0,3%.

Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân trong quý III đi ngang so với quý trước, do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu đè nặng lên nền kinh tế.

"Thu nhập thực tế của hộ gia đình sẽ giảm ít nhất cho đến giữa năm sau, điều này báo hiệu không tốt đối với chi tiêu của người tiêu dùng, điều mà chúng tôi dự đoán sẽ đi vào bế tắc vào năm tới", ông Thieliant nói thêm.

Đồng yên Nhật được giao dịch ở mức khoảng 150,6 JPY đổi 1 USD trong phiên giao dịch sáng hôm nay 15/11. Đây là tỷ giá thấp nhất trong một năm qua, đồng thời tiệm cận mức thấp nhất trong hơn ba thập kỷ.

Biến động của nền kinh tế Nhật Bản cho thấy sự phức tạp mà Ngân hàng Trung ương nước này đang đối mặt, trong bối cảnh Thống đốc Kazuo Ueda đang cân nhắc tính khả thi của việc áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng củng cố cho gói kích thích kinh tế trị giá 13.200 tỷ yên (tương đương 87 tỷ USD) của chính phủ nhằm hạn chế tác động của chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Cơ quan này dự kiến sẽ cung cấp các khoản trợ cấp và chi trả cho các hộ gia đình có thu nhập thấp để giảm thiểu tác động của hóa đơn năng lượng và sinh hoạt tăng vọt.

Kinh tế Nhật Bản chặn đà suy thoái, nhưng hồi phục chậm
Nền kinh tế Nhật Bản đã ngăn chặn được suy thoái trong quý IV/2022 nhưng tốc độ hồi phục chậm hơn nhiều so với dự báo.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư