Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo
Nguyên Đức - 30/08/2013 07:59
 
Dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2013 chỉ vào khoảng 5,4%, thấp hơn mục tiêu đề ra. >>> GDP năm 2014 dự báo tăng 5,6 - 5,8% >>> Những mảng sáng tối của nền kinh tế >>> Đến 20/8, tín dụng mới tăng 5,41%

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2013 cho thấy, năm nay, tăng trưởng GDP ước chỉ đạt khoảng 5,4%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua hồi cuối năm ngoái (5,5%).

8 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,3%
so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Hà Thanh)

Việc khó đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, trên thực tế, đã được đề cập từ cách đây ít tháng, khi những diễn biến của nền kinh tế cho thấy, các khó khăn lớn hơn dự kiến và nhất là khi Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP quý I đạt 4,76% và quý II cũng chỉ đạt 5%.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP trong quý III/2013 đạt khoảng 5,46% và quý IV đạt khoảng 6%.

“Như vậy, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm chỉ khoảng 5,4%”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nói.

Nếu đúng như dự báo, thì có thể thấy, nền kinh tế tiếp tục có một năm tăng trưởng tương đối thấp và phục hồi chậm hơn dự báo. Năm ngoái, GDP tuy tăng trưởng 5,03%, nhưng đấy là con số được tính toán dựa trên giá cố định năm 1994.

Nếu tính theo giá cố định năm 2010 như cách tính của năm 2013, thì tăng trưởng GDP của năm ngoái là 5,25%, chỉ thấp hơn 0,15 điểm phần trăm so với con số 5,4% dự báo của năm nay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về nguyên nhân chậm phục hồi của nền kinh tế, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, các động lực cho tăng trưởng rất yếu và theo ông, tổng cầu là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Đây cũng chính là vấn đề mà ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) quan ngại. Tổng cầu yếu, cộng thêm xuất khẩu đang tăng chậm lại, khiến tăng trưởng kinh tế “không cách nào” có thể ở mức cao.

Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, chỉ số biểu hiện sức mua của nền kinh tế, sau khi trừ yếu tố giá cả, chỉ còn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012. Ước cả năm, con số này cũng chỉ vào khoảng 5,2-5,3%, trong khi năm ngoái đạt 6,2%.

Tổng cầu thấp, không tạo được động lực cho sản xuất - kinh doanh, cho đầu tư phát triển, khiến tồn kho khó có thể được giải tỏa và hệ lụy tất yếu sẽ là tăng trưởng thấp.

Tổng cầu yếu là lý do khiến gần đây, nhiều quan điểm cho rằng, Việt Nam nên kích cầu đầu tư vào tiêu dùng. Tuy nhiên, trả lời báo chí trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ, tổ chức chiều 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý và sẽ không có “gói kích cầu lớn hơn cả gói kích thích kinh tế năm 2009” như phóng viên đã hỏi.

Không có gói kích cầu, song từ nay tới cuối năm, một số giải pháp để tăng tổng cầu và khơi thông tín dụng sẽ được triển khai thực hiện. Chẳng hạn, tăng phát hành trái phiếu chính phủ cho các công trình giao thông, thủy lợi; cho vay tín dụng hỗ trợ nhà ở (khoảng 30.000 tỷ đồng); các chương trình hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đi vào hoạt động sẽ giúp giải quyết nợ xấu, tăng trưởng tín dụng do các ngân hàng được vay tái cấp vốn bằng trái phiếu đặc biệt (ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng). Đây sẽ là những yếu tố có tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV.

Với tăng trưởng GDP năm nay chỉ 5,4%, năm ngoái là 5,03% và năm 2011 là 5,89%, thì mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho 5 năm 2011 - 2015 là gần như không thể đạt được.

Trong bối cảnh đó, không thể không sốt ruột khi các giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đã được ban hành tại Nghị quyết 02 của Chính phủ ngay từ đầu năm, được triển khai còn khá chậm chạp.

Những mảng sáng tối của nền kinh tế
Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế sau 2/3 chặng đường của năm 2013 vẫn tiếp tục đối mặt với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư