Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công
Hồng Sơn - 23/08/2013 21:13
 
 Ý tưởng, giải pháp đổi mới và sáng tạo, nhất là đổi mới về sản phẩm, dịch vụ, đổi mới sáng tạo trong định vị thương hiệu, công thức thành công của một doanh nghiệp… là những vấn đề được bàn thảo sâu tại Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2013 với chủ đề “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công” được tổ chức sáng nay (23/8) tại Khách sạn InterContinental Asiana Saigon Hotel (TP.HCM).

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco dẫn 4 câu chuyện, mà theo ông là những vấn đề mang tính vi mô của doanh nghiệp.

Thứ nhất, Sabeco là một doanh nghiệp nhà nước, nên tới đây phải thực hiện theo quy định mới về tiền lương.

Theo đó, tiền lương sẽ bị khống chế theo các mức. Nghĩa là doanh nghiệp sẽ không thể trả lương “vượt khung” cho những người giỏi. Vậy, những người giỏi này có thể ở lại hay sẽ theo các tập đoàn đa quốc gia với mức lương rất cao?

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có dấu hiệu thực hiện các hoạt động chuyển giá trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, doanh nghiệp bị khống chế mức chi phí dành cho các hoạt động maketting, truyền thông…

Và một câu chuyện nữa, đó là việc các doanh nghiệp Việt có trách nhiệm rất cao trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng.

Các diễn giả tại Hội nghị thường niên Vietnam CEO Summit 2013 với chủ đề “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công”

Theo ông Tuất, trong các câu chuyện nêu trên, trừ hoạt động hỗ trợ cộng đồng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc và các doanh nghiệp Việt có trách nhiệm tham gia, thì 3 ví dụ còn lại phản ánh sự thiếu bình đẳng trong một “cuộc chơi” mang tên tự do cạnh tranh.

Dù đây là những câu chuyện vi mô của từng doanh nghiệp, nhưng nếu không tìm được những tiếng nói chung, sự ủng hộ từ các chính sách vĩ mô, thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là bất lợi trong cuộc cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.

Phân tích thêm những khó khăn mà doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt, Giáo sư Frank Go đến từ Trường ERASMUS (Hà Lan) cho rằng, các doanh nghiệp đang thiếu các thành tố của 3 trụ cột của kinh doanh thành công. Trong đó, đáng chú ý là khoảng cách giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng còn khá xa.

“Đâu có gì ngạc nhiên nếu doanh nghiệp không thành công khi xa rời khách hàng và những trải nghiệm của họ”, GS. Frank Go nhấn mạnh.

Cũng theo vị giáo sư này, các doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam cần quan sát và so sánh, rút ra những kinh nghiệm trong tăng trưởng kinh tế, nhất là sự thay đổi cấu trúc phát triển ngành sản xuất chủ lực của Trung Quốc và những sự thay đổi này sẽ có ảnh hưởng đến doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Phan Đăng Tuất, có lẽ không nơi nào trên thế giới mà sự chênh lệch về giá bán cùng một loại sản phẩm lại lên đến hàng trăm lần như ở thị trường bia Việt Nam. Bia Sài Gòn buộc phải đổi mới, tạo ra những sự khác biệt, trong đó thực hiện khẩn trương và quyết liệt 3 “hóa”, đó là: nhất thể hóa, hiện đại hóa và minh bạch hóa…

Trong khi đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên nhấn mạnh đến bản chất và ý nghĩa của cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và các tập đoàn đa quốc gia. Đó là một cuộc chiến sống còn về kinh tế, là một cuộc cạnh tranh tự chủ của quốc gia và là cuộc cạnh tranh bản sắc của các nền văn hóa.

“Tôi không ngại các thương hiệu cà phê lớn của thế giới đã và sẽ có mặt ở Việt Nam. Điều mà Trung Nguyên lo ngại, đó là các tập đoàn đa quốc gia bằng cách này hay cách khác đang tìm cách thâu tóm các vùng nguyên liệu cà phê tại Việt Nam”, ông Vũ khẳng định.

Theo vị Chủ tịch của Trung Nguyên thì đây là một cuộc chiến toàn diện, đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng…

Đề xuất các ý tưởng, giải pháp đổi mới và sáng tạo cho doanh nghiệp Việt, ông Michael Thomas Szczepanski, Giám đốc dịch vụ tư vấn PwC cho rằng, chiến lược đổi mới là nhân tố quyết định để doanh nghiệp đạt được mục tiêu và thành công.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần phải đổi mới đến mức nào? Nếu có ý tưởng đột phá về công nghệ, mô hình kinh doanh… thì phải cân nhắc chiến lược đổi mới ngay lập tức, hay thực hiện từng bước cho phù hợp điều kiện cụ thể của doanh nghiệp?

Cũng theo đề xuất của vị chuyên gia này, cần có 10 nhân tố để xây dựng mô hình hoạt động của doanh nghiệp, trong đó lưu ý đến các nhân tố như lãnh đạo, tổ chức, văn hóa, quản trị, cấp vốn, quy trình…

“Nếu bạn là CEO, khi quyết định tung ra sản phẩm mới, bạn phải chắc chắn biết khách hàng muốn gì. Sự hiểu biết khách hàng, thị trường… hay nói cách khác là kinh nghiệm địa phương là một lợi thế lớn của các doanh nghiệp nội địa so với các tập đoàn đa quốc gia ”, ông Michael Thomas Szczepanski gợi ý.

Cùng chung quan điểm, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng, ý thức của người tiêu dùng, hay nếu nói nâng tầm là ý thức dân tộc, lòng yêu nước của người dân - nếu biết khơi dậy và phát huy đúng lúc, đúng chỗ sẽ là ưu thế vượt trội của các doanh nghiệp Việt.

“Trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nếu các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu nhân sự giỏi thì có thể tìm nguồn từ bên ngoài. Tuy nhiên, vấn đề này cũng có những mặt trái, nên doanh nghiệp đừng mượn quá sức ”, ông Vũ lưu ý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đến từ Đại học Harvard cho rằng, cần tạo môi trường sáng tạo trong chính doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp hãy dành chi phí đáng kể cho sự sáng tạo và tốt nhất là tạo sự cân bằng đối với chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Mỗi doanh nhân hãy là một người sáng tạo, phải thanh thản và có tâm thế sáng tạo. Với tôi, kinh nghiệm đó là âm nhạc cổ điển. Âm nhạc chính là môi trường, chất xúc tác rất tốt cho sáng tạo”, ông Tuấn chia sẻ.

Đặng Lê Nguyên Vũ với "Một khát vọng", "Ba tinh thần"
Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên cho rằng, cần cài đặt tâm thế cho thanh niên cộng đồng thiểu số với “Một khát vọng”, đó là khát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư