Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Kinh tế Singapore tăng trưởng 7,2% năm 2021, cao nhất một thập kỷ
Lê Quân - 03/01/2022 16:05
 
Sau cuộc suy thoái tồi tệ do đại dịch Covid-19, nền kinh tế Singapore khép lại năm 2021 với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ.
Nền kinh tế Singapore được dự báo tăng trưởng từ 3 - 5% trong năm 2022. Ảnh: AFP
Nền kinh tế Singapore được dự báo tăng trưởng từ 3 - 5% trong năm 2022. Ảnh: AFP

Nhật báo The Straits Times dẫn công bố ngày 3/1 của Bộ Công thương Singapore (MTI) cho biết nền kinh tế này đã tăng trưởng 7,2% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2010 và cao hơn các ước tính trước đó.

Vào tháng 11/2021, Bộ Công thương Singapore dự đoán rằng GDP năm 2021 của nước này ước tăng khoảng 7%, mức cao nhất trong ngưỡng tăng dự báo 6 - 7%. Năm 2020, nền kinh tế Singapore suy giảm 5,4% do tác động của đại dịch Covid-19.

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2022, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nền kinh tế nước này dự kiến sẽ tăng trưởng từ 3 - 5% trong năm 2022, tương tự dự báo mà Bộ Công thương đưa ra hồi tháng 11/2021.

Trong quý IV/2021, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 7,1% trong quý III. Trong cuộc thăm dò trước đó của Bloomberg, các chuyên gia kinh tế dự báo GDP quý IV/2021 của Singapore ước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng cả năm 2021 ước đạt 7,1%.

Giới phân tích cho rằng mức tăng trưởng hàng quý cao như trên cho thấy nền kinh tế Singapore đã lấy lại động lực tăng trưởng, bất chấp số ca nhiễm biến thể Omicron toàn cầu tăng nhanh khiến Singapore phải tạm ngừng bán vé các tuyến du lịch an toàn (VTL) cho đến ngày 20/1.

Bà Selena Ling, Trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược tài chính tại Ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết triển vọng tăng trưởng năm 2022 của Singapore sẽ phụ thuộc vào việc nới lỏng hơn các quy định giãn cách xã hội và tăng cường triển khai chương trình du lịch an toàn VTL để tăng sức sống cho ngành dịch vụ, đồng thời giảm bớt tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng xấu đến ngành xây dựng nước này.

Bà Selena Ling cho rằng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Bộ Công thương Singapore hàm ý tốc độ tăng trưởng ngành sản xuất chế tạo sẽ kém nổi bật hơn, trong khi hai lĩnh vực dịch vụ và xây dựng sẽ lấy lại sức tăng.

Ông Barnabas Gan, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng UOB nhận định, sự phục hồi của các lĩnh vực liên quan đến du lịch và hàng không của Singapore dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2022, mặc dù trước đó Bộ Công thương nước này dự báo rằng các hoạt động kinh doanh trong năm sẽ duy trì dưới ngưỡng trước đại dịch Covid-19.

"Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc dần nới lỏng các hạn chế trong nước của Singapore sẽ giúp tạo nguồn cung nhân lực bền vững và hỗ trợ các ngành thâm dụng lao động như xây dựng", ông Barnabas Gan nêu.

Sản xuất chế tạo là lĩnh vực hoạt động hiệu quả nhất của nền kinh tế Singapore trong quý IV/2021, với sản lượng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi mức tăng trưởng 7,9% trong quý III. Xét cả năm 2021, sản xuất chế tạo tăng trưởng 12,8%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,3% của năm trước.

Theo lý giải của Bộ Công thương Singapore, sản xuất chế tạo tăng trưởng cao trong quý IV/2021 được hỗ trợ bởi việc mở rộng sản xuất ở các cụm công nghiệp. Đặc biệt, các cụm công nghiệp điện tử và cơ khí chính xác tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ, do nhu cầu toàn cầu đối với chất bán dẫn và thiết bị bán dẫn liên tục tăng.

Tuy vậy, Singapore đang đứng trước những rủi ro có thể làm chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Trong đó, lạm phát đang là vấn đề đáng lo ngại khi lạm phát tổng thể của nước này đã tăng lên 3,8% vào tháng 11/2021. Trước đó, lạm phát tháng 10/2021 của Singapore chạm mức cao nhất trong hơn 8 năm qua sau khi đạt mức 3,2%. Bên cạnh đó, lạm phát lõi tháng 11 (không bao gồm tiền thuê nhà và chi phí vận tải đường bộ tư nhân) đã tăng lên 1,6% từ mức 1,5% của tháng 10.

Sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Singapore - và làn sóng đột biến mới của Covid-19 là những rủi ro tiềm ẩn khác có thể khiến quỹ đạo tăng trưởng của Singapore chệch hướng.

Singapore hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, với 87% dân số được tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ và tiêm nhắc lại đạt khoảng 40%.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng đất nước này có thể "tự tin một cách thầm lặng" rằng họ có thể đối phó với các tác động của biến thể Omicron mặc dù họ vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn. Ông Lý Hiển Long cũng đánh giá, vị thế của Singapore hiện nay đã được "củng cố rất nhiều" so với hai năm trước trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ngày càng được cải thiện, bao gồm cả tiêm chủng cho trẻ nhỏ.

Sau khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm trong vài tháng trở lại đây do biến thể Delta, số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Singapore đã giảm xuống còn vài trăm ca trong tuần qua. Tỷ lệ nhập viện và nhập viện chăm sóc đặc biệt cũng đã giảm xuống.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Singapore sẽ tiếp tục mở cửa trong quý đầu tiên của năm 2022 khi số người nhập viện giảm và nhiều người được tiêm nhắc lại", TS. Chua Hak Bin, đồng Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Công ty tài chính Maybank Kim Eng (Singapore) nhận định.

Thị trường dịch vụ công nghệ Singapore: Người tài luôn có đất dụng võ
Có quy mô chỉ như một thành phố nhưng Singapore là “đất dụng võ” của 80/100 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư