Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Kinh tế Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát dai dẳng
Đông Phong - 08/02/2024 18:34
 
Trung Quốc chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 giảm nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, điều này gia tăng áp lực phục hồi kinh tế.
Trung Quốc ghi nhận giá thịt lợn giảm 17% trong tháng 1/2024, kéo giá thực phẩm nói chung giảm 5,9% và đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử thống kê số liệu từ năm 1994. Ảnh: Reuters
Trung Quốc ghi nhận giá thịt lợn giảm 17% trong tháng 1/2024, kéo giá thực phẩm nói chung giảm 5,9% và đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử thống kê số liệu từ năm 1994. Ảnh: Reuters

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 8/2 công bố chỉ số CPI tháng 1 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm nhanh nhất kể từ tháng 9/2009. Mức giảm này còn tệ hơn dự đoán giảm 0,5% của các nhà kinh tế.

Ông Zhiwei Zhang, chủ tịch công ty quản lý quỹ Pinpoint (Hong Kong) cho rằng: "Dữ liệu CPI công bố ngày hôm nay cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với áp lực giảm phát dai dẳng". "Trung Quốc cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để tránh nguy cơ giảm phát ăn sâu vào người tiêu dùng", ông Zhiwei Zhang cảnh bảo.

Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 2,5% trong tháng 1, đánh dấu mức giảm liên tiếp 16 tháng đối với chi phí tại nhà máy.

Các chỉ số giá được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố trong bối cảnh giới chức nước này kêu gọi cần phải hành động nhiều hơn nữa để kích thích nền kinh tế và xoay chuyển tình trạng lao dốc của thị trường chứng khoán.

Thực tế, niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm sút bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp kích thích, bao gồm việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và phát hành thêm trái phiếu chính phủ để "bơm máu" cho các dự án xây dựng.

Trung Quốc cũng đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn đợt bán tháo cổ phiếu trị giá 5.000 tỷ USD. CSI 300 - chỉ số chứng khoán đo lường vốn hóa thị trường của 300 cổ phiếu hạng A tại Trung Quốc - đã tăng 0,4% trong ngày giao dịch 8/2, đánh dấu ngày tăng điểm thứ tư. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ biến động nhẹ quanh mức 7,1945 CNY "ăn" 1 USD.

Nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận tình trạng giá cả sụt giảm trong phần lớn thời gian của năm ngoái khi quốc gia này nỗ lực vực dậy nhu cầu nội địa và niềm tin của người tiêu dùng. Các thước đo về giá cả trên toàn nền kinh tế trong quý IV/2023 đã đánh dấu cú trượt dốc dài nhất kể từ năm 1999. Thực tế này đặt ra thách thức cho các nhà hoạch định chính sách khi tìm cách thúc đẩy tăng trưởng năm 2024.

"Báo cáo (chỉ số giá) chỉ ra một thông điệp - nền kinh tế cần các biện pháp chính sách tích cực để thúc đẩy nhu cầu và loại bỏ niềm tin khỏi tình trạng ì ạch. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng việc chống giảm phát là ưu tiên hàng đầu và có vẻ sẽ tung ra nhiều biện pháp kích thích hơn. Câu hỏi đặt ra là chúng sẽ mạnh đến mức nào - và liệu các ngân hàng có hiện thực hoá chính sách nới lỏng đó dưới hình thức bơm tín dụng nhiều hơn và rẻ hơn hay không", ông Eric Zhu, nhà phân tích kinh tế tại Bloomberg, nhận xét.

Chỉ số CPI lõi (không bao gồm các mặt hàng có giá dễ biến động: năng lượng và thực phẩm) đã tăng 0,4% trong tháng 1/2024 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Đáng chú ý, Trung Quốc ghi nhận giá thịt lợn giảm tới 17% trong tháng 1, kéo giá thực phẩm nói chung giảm 5,9% và đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử thống kê số liệu từ năm 1994.

Giới phân tích cho rằng rủi ro từ giảm phát mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt là nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc không thể xoay chuyển xu hướng một cách có hiệu quả, nó có nguy cơ dẫn đến một vòng xoáy đi xuống khi mọi người ngừng mua hàng do kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm. Điều đó sẽ làm giảm mức mua chung và ảnh hưởng tới các doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế dự báo áp lực giảm phát ở Trung Quốc sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất 6 tháng nữa, chủ yếu là do khủng khoảng bất động sản. Mặc dù Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức là "khoảng 5%" trong năm 2023, nhưng thành tích tăng trưởng này khó có thể lặp lại trong năm nay nếu không có nỗ lực lớn hơn từ phía các nhà hoạch định chính sách.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc tại tập đoàn ANZ, đánh giá: "Những khó khăn về bất động sản kéo dài và biến động của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng đến tâm lý hộ gia đình".

Chuyên gia kinh tế của ANZ nhận định rằng "áp lực giảm phát vẫn còn mạnh" do thiếu cầu dẫn đến dư thừa công suất. Cho nên, việc cần làm trước mắt là cắt giảm lãi suất và dữ liệu lạm phát yếu có thể là lý do chính đáng để thực hiện cắt giảm.

Kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều
Lợi nhuận công nghiệp tháng 11/2023 của Trung Quốc tăng trưởng hai con số, trong khi bất động sản tiếp tục suy giảm, nhu cầu nội địa cần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư