Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,7% trong quý II/2024
Đông Phong - 15/07/2024 11:16
 
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc sáng nay 15/7 công bố GDP quý II của nước này tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,1% mà các nhà kinh tế dự báo với Reuters.
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2024 bất ngờ sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Ảnh: AFP
Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 6/2024 bất ngờ sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Ảnh: AFP

Doanh số bán lẻ tháng 6 của Trung Quốc cũng không đạt kỳ vọng do chỉ tăng 2%, so với dự báo tăng trưởng 3,3%. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp lại vượt kỳ vọng, với mức tăng 5,3% trong tháng 6 so với một năm trước, cao hơn ước tính tăng trưởng 5% của Reuters.

Trung Quốc chứng kiến đầu tư tài sản cố định ở khu vực đô thị trong 6 tháng đầu năm đã tăng 3,9%, đáp ứng kỳ vọng của giới phân tích. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất chế tạo đã làm chậm tốc độ tăng trưởng trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư bất động sản cũng giảm ở cùng tỷ lệ 10,1%.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã không tổ chức họp báo để công bố số liệu lần này. Cơ quan này nêu trong thông cáo báo chí tiếng Anh rằng: "Chúng tôi phải nỗ lực hơn nữa để tiếp thêm sinh lực cho thị trường và kích thích động lực bên trong".

Họ cũng kêu gọi những nỗ lực "củng cố và tăng cường động lực phục hồi và tăng trưởng kinh tế, để đảm bảo sự phát triển bền vững và lành mạnh của nền kinh tế".

Cũng theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 5% trong tháng 6, không thay đổi so với tháng trước.

Dữ liệu hải quan công bố tuần trước cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đạt tăng trưởng nhanh nhất trong 15 tháng, còn nhập khẩu bất ngờ sụt giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn yếu. Cụ thể, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng hơn dự báo với mức ​8,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhập khẩu không đạt được kỳ vọng tăng trưởng nhẹ khi sụt giảm 2,3%.

Các chỉ số kinh tế khác của Trung Quốc cũng chỉ ra nhu cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 6 đã thấp hơn kỳ vọng khi tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0,6% trong tháng 6, thấp hơn một chút so với mức tăng 0,7% trong nửa đầu năm.

Mặt khác, dữ liệu tín dụng mới nhất của Trung Quốc cũng chỉ ra sự sụt giảm mạnh về tốc độ tăng trưởng của nguồn cung tiền và các khoản vay bằng nhân dân tệ mới trong nửa đầu năm 2024, so với cùng kỳ năm trước.

Theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), các khoản cho vay hộ gia đình đã tăng 1,46 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 200 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, gần bằng một nửa của con số 2,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm ngoái.

Các khoản cho vay doanh nghiệp đã tăng 11 nghìn tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm nay, thấp hơn một chút so với mức 12,81 nghìn tỷ nhân dân tệ được ghi nhận cùng kỳ năm ngoái.

"Dữ liệu tín dụng và tiền tệ tháng 6 cho thấy nhu cầu tín dụng vẫn yếu", các nhà phân tích của Goldman Sachs đánh giá. Họ cho biết thêm: "Thông tin chính sách gần đây cho thấy PBOC tiếp tục tập trung vào việc truyền tải chính sách tiền tệ và hạ thấp tầm quan trọng của tăng trưởng tín dụng tổng hợp. Trong tương lai, tốc độ tăng trưởng của các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ mới và cung tiền M2 có thể dần chậm lại".

Trong quý I/2024, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng vượt kỳ vọng với mức 5,3%, so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát dai dẳng
Trung Quốc chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 giảm nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009, điều này gia tăng áp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư