Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kinh tế tư nhân và giấc mơ thịnh vượng cho người Việt (phần 4)
Bảo Duy - 19/05/2017 07:12
 
Chính phủ liêm chính - kiến tạo. Doanh nghiệp liêm chính - sáng tạo. Đó sẽ là hành trang để Chính phủ và doanh nghiệp đồng hành trên con đường tạo nên sự thịnh vượng cho người Việt.

Bài 4: Hành động vì Việt Nam thịnh vượng

Món quà của Thủ tướng

13h19 chiều thứ Tư (17/5), những tràng pháo tay vang dội Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia, chỉ vài phút sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

“Chỉ thị về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được ký vào 13h00 ngày 17/5. Sẽ không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần; thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. Chỉ thị này mang số 20 và sẽ được công bố ngay sau đây”, Thủ tướng bắt đầu bài phát biểu kết luận trước 2.000 đại biểu dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017.

Doanh nghiệp vui mừng thực sự. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn gọi đây là “món quà đặc biệt của Thủ tướng”.

Ngay vài tiếng trước,  ông Lộc vẫn phải báo cáo Thủ tướng về tình trạng doanh nghiệp mỗi năm phải tiếp 6 - 7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức. Trong năm 2016, khi đã có Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, vẫn có tới 14% doanh nghiệp bị kiểm tra 4 lần trở lên...

Cũng phải nói thêm, 1 ngày trước (16/5), Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị này. Lý do, theo như Công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng, đó là “vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm”.

Có nghĩa là đã có nhiều cán bộ, công chức đã phải làm việc suốt đêm. Nhưng, công việc chắc chắn mới chỉ bắt đầu.

Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan phải rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán, để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi. Mục tiêu cuối cùng phải đạt được, đó là không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu báo cáo kết quả trong quý II/2017.

Điều đáng nói, các công việc này sẽ không chỉ dừng lại ở một vài cơ quan Chính phủ.

Áp lực không thể bàn lùi

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đã nhắc tới nhiều “món quà” tiếp theo ngay khi bước chân ra khỏi Hội trường lớn của Trung tâm Hội nghị Quốc gia vào 14h00.

“Thủ tướng đã nghe trực tiếp nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, không qua một kênh nào. Thủ tướng cũng nói Chính phủ thấy rõ rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Thời háo hức chia sẻ.

Ông Thời và các doanh nhân đang chờ thông tin cụ thể sau cuộc gặp, bởi họ đều tin là các đầu việc mà Thủ tướng giao cho bộ, ngành, địa phương sẽ được công bố và họ sẽ nhìn vào đó để giám sát.

Thậm chí, các doanh nghiệp đã bàn tới kế hoạch thay đổi cách thức làm ăn, thậm chí cả chiến lược kinh doanh cho phù hợp với các quy định mới. Chính phủ gỡ rào cản, hết xin - cho nghĩa là doanh nghiệp phải làm tốt hơn hiện tại rất nhiều, thậm chí phải làm khác mới có thể trụ được.

“Chúng tôi đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thương hiệu riêng, thay vì phải mượn danh”, ông Thời nói.

Còn ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 cũng đã có ngay cuộc làm việc với các thành viên Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam tham dự cuộc gặp với Thủ tướng.

“Chúng tôi đã tính chuyển đổi một số trang trai đang hoạt động theo mô hình hộ gia đình lên doanh nghiệp, vì sẽ còn nhiều việc cần phải làm bài bản hơn”, ông Thắng tiết lộ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
“Các doanh nghiệp yên tâm rằng, Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao.
Không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo, mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; Không chỉ chi phí giao dịch thấp, mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả.
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng, mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh”.

Nhưng, với nhiều công chức nhà nước có mặt tại Hội nghị và cả những đồng nghiệp, họ đã nhìn thấy một khối lượng công việc khổng lồ.

Thủ tướng đã nói, thuế phí cao cho doanh nghiệp là vấn đề Chính phủ rất trăn trở và sẽ có chương trình hành động cụ thể. Thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp,  nên có hiện tượng "cò" làm dịch vụ…

Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã nhắc tới tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức...

Không chỉ vậy, yêu cầu của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khoá XII mà nhiều doanh nghiệp đã nhắc tới với kỳ vọng nhanh được hiện thực hóa, đó là “chăm lo phát triển kinh tế tư nhân nhanh, lành mạnh và đúng đắn hơn, thực sự trở thành động lực quan trọng để giải phóng sức sản xuất, phát triển kinh tế xã hội” đặt nặng trách nhiệm lên những người đồng hành của doanh nghiệp trên con đường phát triển đất nước.

Cũng phải nói thêm, lý giải nguyên nhân triển khai Nghị quyết 35 chưa quyết liệt, hiệu quả tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới nhận thức của người đứng đầu,  những tồn tại trong nhiều cán bộ, công chức do chưa tự đổi mới tư duy, từ quản lý doanh nghiệp sang lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, chưa theo kịp tinh thần, chủ trương nhà nước kiến tạo, còn định kiến, phân biệt đối xử..

“Một bộ phận công chức có chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, thiếu thực tế, cứng nhắc trong vận dụng chính sách; chưa giải quyết kịp thời cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Giấc mơ thịnh vượng

Tất nhiên, sẽ không có bất cứ cơ hội nào để bàn lại.

Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Khoá XII đã yêu cầu, xóa bỏ mọi định kiến, rào cản với khu vực kinh tế tư nhân.

Thủ tướng Chính phủ đã cam kết: “Xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế”.

Mọi chuyển động của nền kinh tế sẽ theo hướng này, không có cách nào khác.

Một nền kinh tế cổ vũ, vun trồng và hậu thuẫn cho sức sáng tạo, liêm chính của người dân, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam chắc chắn sẽ lớn mạnh. Con đường thịnh vượng cho từng người dân Việt Nam, cho nền kinh tế Việt Nam đang rất gần.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển
Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn coi kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển và tạo điều kiện phát huy vai trò của thành phần kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư