Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Kỳ họp GEF 6: Chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn
Hoàng Anh - 24/06/2018 22:10
 
Ngày 24/6, tại Đà Nẵng, Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường (GEF 6) toàn cầu đã chính thức bắt đầu. Là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường, kỳ họp thu hút sự tham gia của Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Theo bà Naoko Ishii-  Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường toàn cầu, thì đây là cuộc họp Hội đồng cuối cùng trong chu kỳ thứ 6 của GEF, là cơ hội để nhìn lại những gì đã đạt được trong suốt bốn năm qua, để chuẩn bị khởi động cho chu kỳ GEF-7. Vì vậy rất nhiều công việc sẽ được thảo luận trong những ngày sắp đến tại Đà Nẵng.

Bà Naoko Ishii cho rằng, Kỳ họp lần này là “cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, đảm bảo hơn và đáng sống hơn”. “Kịch bản phát triển thông thường sẽ tạo ra thảm hoạ và thay đổi mang tính gia tăng sẽ không bao giờ đủ. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ và đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai”, bà Naoko Ishii phát biểu.

Theo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, kỳ họp GEF 6 “là dịp để từng quốc gia, từng cá nhân thể hiện bằng hành động, nhằm chung tay hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân của các màu da, dân tộc về một Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”. 

Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường (GEF 6) toàn cầu đã chính thức diễn ra tại Đà Nẵng.
Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường (GEF 6) toàn cầu đã chính thức diễn ra tại Đà Nẵng.

Trong kỳ họp GEF 6 , ngoài các phiên họp toàn thể sẽ có các cuộc thảo luận bàn tròn về Lương thực, khôi phục và sử dụng đất; các thành phố bền vững; kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương; động vật hoang dã; đổi mới trong năng lượng sạch; tài chính bảo tồn; đất khô cằn bền vững...

Ngay trong chiều 24/6, đã diễn những hoạt động đầu tiên của Kỳ họp GEF 6, đó là đối thoại đa bên về các thành phố khu vực Đông Nam Á chuyển đổi thành công hướng đến cơ chế khí hậu Paris sau năm 2020.

Các đại biểu trao đổi tại Kỳ họp GEF 6.
Các đại biểu trao đổi tại Kỳ họp GEF 6.

Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc - UNIDO cũng tổ chức hội thảo về tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận lồng ghép đối với hệ thống thực phẩm, mở ra con đường dẫn tới đa lợi ích toàn cầu.

Với tiêu đề “Sạch, Lạnh, Thông minh- các chiến lược về thực phẩm và chuỗi lạnh nhằm tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu", hội thảo cũng đã giới thiệu những nỗ lực mà UNIDO và các đối tác của mình đã làm được, nhấn mạnh các phương pháp tiếp cận thực phẩm theo chuỗi giá trị, một cách tiếp cận tổng thể nhằm thiết lập khả năng thích ứng và giảm thiểu một số tác nhân gây thách thức đối với môi trường trên toàn cầu. Hội thảo, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp tiếp cận lồng ghép hệ thống thực phẩm để có thể tạo nhiều lợi ích toàn cầu đồng thời xem xét tầm quan trọng của việc kết hợp công nghệ sáng tạo và kỹ thuật trong quá trình xử lý, vận chuyển và lưu kho các sản phẩm nông nghiệp.

Các đại biểu thảo luận trong hội thảo Tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận lồng ghép đối với hệ thống thực phẩm.
Các đại biểu thảo luận trong hội thảo Tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận lồng ghép đối với hệ thống thực phẩm.

Kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị quốc tế Furama, TP Đà Nẵng. Được tổ chức bốn năm một lần, Đại hội đồng GEF hội tụ Bộ trưởng môi trường và các quan chức cấp cao đến từ 183 quốc gia thành viên; cùng với các cơ quan Liên hợp quốc, các quốc gia phát triển khu vực; các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu.

Dự án lấn vịnh Đà Nẵng bị vấp từ ý tưởng
Đang có những cảnh báo nghiêm túc về dự án lấn vịnh Đà Nẵng có tên là Hoa Sen (Lotus Island) của liên danh 3 nhà thầu đến từ Malaysia, Quỹ Bamboo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư