Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Kỹ sư Nguyễn Bảo Anh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Mixel Việt Nam: “Tôi muốn làm người mở đường”
Hoàng Anh - 10/02/2025 09:15
 
Từ thuở ban đầu chưa biết vi mạch là gì, nhưng với quyết tâm cháy bỏng, kỹ sư Nguyễn Bảo Anh đã góp phần khẳng định trí tuệ Việt trong lĩnh vực công nghệ mới và đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng vi mạch trong nước lớn mạnh.
Kỹ sư Nguyễn Bảo Anh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Mixel Việt Nam

Khẳng định trí tuệ Việt

Năm 2024, cộng đồng vi mạch bán dẫn ở Việt Nam ngạc nhiên khi hay tin Nguyễn Bảo Anh chuyển từ Công ty Synopsys - doanh nghiệp nổi tiếng của Mỹ về vi mạch bán dẫn mà anh gắn bó rất lâu và đã đảm nhận đến chức vụ Giám đốc cấp cao, để bắt đầu hành trình mới tại Mixel Việt Nam - một doanh nghiệp mới nhỏ hơn. “Tôi muốn ra khỏi vùng an toàn, làm người mở đường để hình thành một hệ sinh thái vi mạch đa dạng tại Đà Nẵng”, Bảo Anh chia sẻ.

Công ty Mixel (Mỹ) là một trong 4 doanh nghiệp mới về vi mạch bán dẫn thành lập doanh nghiệp tại Đà Nẵng trong năm 2024. Quyết định mở trụ sở tại Đà Nẵng của Mixel đến từ niềm tin được xây dựng từ lâu đối với cá nhân Nguyễn Bảo Anh sau rất nhiều năm làm việc với các đối tác và khách hàng trên thế giới. Vì thế, các đối tác từ Mỹ đã trao cho kỹ sư trẻ này chức Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Mixel Việt Nam.

CEO Nguyễn Bảo Anh kể, hành trình trở thành kỹ sư vi mạch đến như một cơ duyên. 20 trước, khi nhiều bạn bè đều chọn TP.HCM hay Hà Nội để học đại học, thì Bảo Anh quyết định ở lại quê nhà Đà Nẵng để học ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Lúc đó, vi mạch bán dẫn vẫn là khái niệm xa vời, công ty hoạt động trong lĩnh vực này ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Khi ấy, tôi cũng chẳng biết vi mạch bán dẫn là gì. May mắn là khi đi thực tập và ra trường thì tôi được nhận vào làm trong một công ty vi mạch nhỏ là SDS, do một Việt kiều Mỹ mở chi nhánh tại Đà Nẵng. Lương lúc ấy hơn 4 triệu đồng, rất lớn đối với một sinh viên mới ra trường”, Bảo Anh kể về những ký ức không thể quên.

Để khỏa lấp lỗ hổng kiến thức và kinh nghiệm trong ngành bán dẫn, Bảo Anh miệt mài nghiên cứu, giải quyết những vấn đề kỹ thuật khó, mỗi ngày làm việc mười mấy tiếng đồng hồ. Nhờ thế mà sau hơn một năm, Bảo Anh không những kinh qua tất cả các bước thiết kế, mà còn được tin tưởng giao cho dẫn dắt một dự án hoàn chỉnh.

Sau đó, anh được công ty cử đi học cao học ở Hàn Quốc về ngành bán dẫn, mảng Analog Mixed Signal (AMS) - một trong những mảng thiết kế vi mạch mới lúc ấy tại Việt Nam. Hai năm được đào tạo ở Hàn Quốc đã cung cấp cho Bảo Anh rất nhiều kiến thức để trở về Đà Nẵng xây dựng một nhóm làm việc chuyên về mảng này.

Bắt đầu đi từ những sản phẩm đơn giản, rồi phát triển đến những sản phẩm phức tạp hơn, nhóm của Bảo Anh dần khẳng định trình độ thiết kế của mình ở Việt Nam. “Khách hàng ban đầu chỉ giao những việc đơn giản, bởi họ chưa có niềm tin. Quan điểm của mình là làm hơn những gì khách hàng mong đợi, để tạo dựng thương hiệu và cũng khẳng định người Việt có thể làm được. Dần dần, mình sẽ tăng độ khó công việc lên, nghiên cứu làm những sản phẩm cao cấp hơn, để khi khách hàng cần là có thể đáp ứng được”, Bảo Anh chia sẻ.

Sự chuẩn bị của kỹ sư Bảo Anh chẳng hề dư thừa. Năm 2014, cơ hội đến khi một doanh nghiệp Mỹ hỏi về HBM2 PHY, một sản phẩm đa khuôn (multi-die) mà lúc đó chưa phổ biến trên thế giới. Chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa tưởng tượng sản phẩm cuối cùng ra sao, nhưng trước cơ hội lớn, nhóm của Bảo Anh đánh liều ôm 200 trang tài liệu qua Mỹ để thuyết phục khách hàng. Sự liều lĩnh và quyết tâm đó đã được đền đáp khi dự án được trao cho họ thực hiện.

“Do thiếu kinh nghiệm, nên chúng tôi tốn rất nhiều công sức phát triển dự án. Nhưng may mắn là toàn bộ đội ngũ đều quyết tâm làm cho bằng được. Sau hơn một năm nghiên cứu miệt mài, dự án đã thành công, trở thành một trong những sản phẩm chủ lực và giúp công ty thắng nhiều dự án lớn”, Bảo Anh nhắc lại lần mạo hiểm nhớ đời của nhóm.

Vào thời điểm không có nhiều công ty có thể cung cấp công nghệ HBM, công ty của Bảo Anh có thêm nhiều khách hàng lớn, nhận thêm nhiều dự án. Nhóm làm việc của Bảo Anh mở rộng nhanh chóng, năm 2015 tràn cả vào TP.HCM, năm 2017 mở thêm một chi nhánh ở Ấn Độ. “Chỉ khi nắm được công nghệ lõi có giá trị, ta mới làm chủ được sự phát triển lâu dài của đội ngũ. Đó là tầm nhìn mà tôi luôn chia sẻ với các thành viên trong nhóm”, Bảo Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Bảo Anh (đứng) và các cộng sự tại Công ty Mixel Việt Nam đang lên ý tưởng cho những sản phẩm vi mạch mới 

Khát vọng mở đường

Thành công của nhóm Bảo Anh đã dần dần mang Việt Nam và Đà Nẵng, từ chỗ chẳng được biết đến trên bản đồ vi mạch bán dẫn thế giới, dần đến gần hơn với các đối tác và khách hàng quốc tế. Các sản phẩm về multi-die IP của nhóm đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn lớn của Mỹ như Synopsys, Cadence. Đây là một thành tựu đáng tự hào vì rất hiếm khi một công nghệ cao như multi-die IP được làm chủ bởi một nhóm kỹ sư đến từ Việt Nam.

Năm 2019, công ty mà Bảo Anh làm việc được Tập đoàn Synopsys mua lại. Các công nghệ do nhóm Bảo Anh phát triển được tiếp tục nâng cấp với nguồn lực lớn hơn. Sự tham gia của “ông lớn” vi mạch bán dẫn giúp Bảo Anh và cộng sự có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hơn, từ đó sản xuất được sản phẩm chủ lực mới cho công ty.

Nếu tôi có thể giúp một công ty như Mixel thành công ở Đà Nẵng, các công ty khác sẽ vững tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, sẽ có nhiều công nghệ lõi mới được đưa vào đào tạo cho đội ngũ kỹ sư, góp phần tạo nên một hệ sinh thái công nghệ đa dạng, tạo ra nền tảng bền vững cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Đất nước chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm lớn của thế giới về vi mạch, trí tuệ nhân tạo.

CEO Nguyễn Bảo Anh

Sự đầu tư từ công ty mới cũng giúp nhóm của Bảo Anh phát triển nhanh chóng. Đến năm 2024, nhóm đã mở rộng lên gần 200 nhân viên với 3 văn phòng tại Đà Nẵng, TP.HCM và Hà Nội. Nhóm đã tuyển dụng nhân lực hỗ trợ theo hợp đồng từ các văn phòng khác của Synopsys như Ấn Độ, Ai Cập hay Armenia. Số lượng kỹ sư tham gia các dự án của nhóm có lúc lên đến gần 500 nhân sự từ khắp nơi trên thế giới.

Tập đoàn Synopsys đã giao cho AMS Synopsys Việt Nam chịu trách nhiệm sáng tạo, thiết kế và phát triển dòng sản phẩm lõi IP cho giao tiếp đa khuôn (multi-die PHY IP). Đây là sản phẩm quan trọng của xu hướng thiết kế chip tương lai với công nghệ kết nối đa khuôn rất phức tạp như UCIe tốc độ cao mà chưa nơi nào trên thế giới từng công bố, ngoài Synopsys.

“Tập đoàn Intel (Mỹ) sau đó đã trình làng mẫu chip 3nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối UCIe đa khuôn giữa 2 chip đến từ hai nhà sản xuất khác nhau trong cùng một package do đội ngũ Synopsys Việt Nam thiết kế vào năm 2023”, Bảo Anh tự hào khi kỹ sư Việt Nam sản xuất thành công sản phẩm mà cả thế giới phải công nhận.

Gần 20 năm gắn bó với chip và vi mạch, tham gia thực hiện thành công nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế, Bảo Anh khẳng định, trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ Việt chẳng hề thua kém nước nào trên thế giới. “Lúc trước, các nước giao việc để các nhóm tại Việt Nam làm, thì bây giờ, bắt đầu xuất hiện những nhóm người Việt Nam giao việc cho kỹ sư các nước khác thực hiện”, Bảo Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, Việt Nam đi sau rất nhiều, để bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong trong lĩnh vực này không phải là điều đơn giản, bởi đây là ngành công nghệ đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Theo Bảo Anh, để giải quyết bài toán này, trước hết, chúng ta cần phải đào tạo nguồn nhân lực tốt, kế đến phải có hệ thống chính sách đủ lớn, hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp tạo thêm việc làm. 

Gắn bó với vi mạch và trăn trở với công nghệ mới, kỹ sư Bảo Anh luôn khát khao xây dựng một cộng đồng vi mạch Việt Nam lớn mạnh. Nhiều năm qua, anh hoạt động như một con thoi để kết nối cộng đồng vi mạch cả nước, đào tạo sinh viên, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng đề án phát triển vi mạch bán dẫn và thuyết phục nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến với Việt Nam.

Ngoài thử thách bản thân, việc Bảo Anh quyết định chuyển qua làm việc cho Công ty Mixel cũng vì muốn có thêm nhiều doanh nghiệp vi mạch khác đến với Việt Nam. “Có rất nhiều công ty tương tự Mixel, dù quy mô nhỏ và vừa, nhưng nắm những công nghệ lõi quan trọng. Nhưng do không có nguồn lực như các tập đoàn lớn, nên họ không dám mạo hiểm mở rộng sang một thị trường non trẻ như Việt Nam”, Bảo Anh nói.

Trên hành trình chinh phục ngành công nghiệp vi mạch, kỹ sư Nguyễn Bảo Anh và những đồng nghiệp vẫn đang miệt mài nghiên cứu, lên ý tưởng cho những sản phẩm và dự án mới. Họ kiên nhẫn và quyết tâm tạo dựng một nền tảng lâu dài và sẽ tiếp tục góp sức mình để đưa Việt Nam tham gia cuộc đua tỷ đô mang tên vi mạch bán dẫn.

Doanh nhân Đoàn Anh Tuân, CEO Công ty TNHH Thế Hệ Mới: Lật ngược thế cờ trên thị trường trà Việt
Việt Nam là nước xuất khẩu chè thô đứng tốp đầu thế giới, song thị trường trà trong nước từng bị “thống trị” bởi các thương hiệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư