Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 08 tháng 02 năm 2025,
Doanh nhân Trần Phương Nga, CEO Tập đoàn Thiên Long: Động lực bứt tốc từ tư duy dám thay đổi
Hoài Sương - 08/02/2025 08:08
 
CEO của doanh nghiệp hơn 40 năm tuổi đang tìm cách củng cố vị thế doanh nghiệp trong ngành văn phòng phẩm và gắn với khách hàng trẻ. Đồng thời, xây dựng bài toán dài hơi để thương hiệu phát triển bền vững ở thị trường thế giới.
Doanh nhân Trần Phương Nga, CEO Tập đoàn Thiên Long.

Sự thay đổi của… số 1

“Thiên Long đã không chỉ là… bút bi như đã từng có trong hơn 40 năm phát triển”, bà Trần Phương Nga, CEO Tập đoàn Thiên Long tự tin chia sẻ, sau khi các thông tin về kết quả kinh doanh năm 2024 dần hé lộ.

Đây là năm Thiên Long ghi nhiều dấu ấn về mặt kinh doanh. Báo cáo sơ bộ cho thấy, nhờ động lực từ các thị trường nước ngoài, hiệu quả hoạt động và quản lý chi phí hiệu quả, Tập đoàn vẫn duy trì lộ trình để giữ vững vị thế dẫn đầu trong ngành. Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu của Công ty đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa đạt 2.545 tỷ đồng, đóng góp 73% trong tổng doanh thu và doanh thu xuất khẩu đạt 925 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.

Khấu trừ các khoản thuế phí, đơn vị sở hữu thương hiệu bút bi Thiên Long lãi ròng 448 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 118% kế hoạch cả năm. Biên lợi nhuận ròng cũng được cải thiện, tăng từ mức 11,09% lên 12,91%...

Tuy vậy, các con số không khiến nữ CEO an tâm. “Lợi nhuận có thể tăng thêm chục tỷ mỗi năm, nhưng có lẽ Thiên Long thay đổi chưa đủ nhanh”, bà Nga bộc bạch.

Cũng phải thẳng thắn, 4 năm qua, vị trí của CEO ở doanh nghiệp số 1 ngành hàng văn phòng phẩm Việt Nam này là ghế nóng. Đây là giai đoạn Thiên Long thực hiện chiến lược tái cơ cấu theo mô hình tập đoàn sau 40 năm hình thành và phát triển, cũng là thời gian phục hồi sau dịch bệnh Covid-19.

Bà Nga cũng thừa nhận, trong 4 năm đảm nhận ví trí CEO, 3 năm đầu bà tập trung vào tái cấu trúc, tập trung phát triển thị trường nội địa. Không những thế, xu hướng tiêu dùng văn phòng phẩm theo phong cách thời trang đã manh nha. “Trước dịch, tôi nghĩ sẽ phải mất chục năm nữa, nhưng mọi thứ đã thay đổi quá nhanh”, bà Nga tâm tư.

Trong xu hướng này, cây bút không đơn thuần để viết, hộp màu cũng không chỉ là 36 hay 72 màu…, mà trở thành biểu tượng cá nhân của người dùng, chứa đựng không chỉ thói quen, mà cả đam mê, sở thích và sự trải nghiệm của người dùng ở mọi lứa tuổi. Chưa kể, sau dịch bệnh, xu hướng làm việc, học tập trực tuyến tăng, nhu cầu về văn phòng phẩm thay đổi…

Tất nhiên, Thiên Long vẫn có thế mạnh của doanh nghiệp dẫn đầu. Bà Nga tự hào nhắc về dòng bút màu được đánh giá có độ chính xác rất cao về phổ màu, an toàn với người dùng, đã xuất đi các nước châu Âu, Mỹ.

Bà cũng nhắc đến dòng bút đánh dấu vết mổ phục vụ phẫu thuật (Surgical Skin Marker) mà Thiên Long đã làm từ năm 2017, khi một công ty Mỹ có nhu cầu đặt loại bút đặc biệt này, chọn Thiên Long nhờ kinh nghiệm, năng lực sản xuất và đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về yếu tố sạch, tiệt trùng. Đến nay, hợp tác giữa hai bên vẫn tiếp tục, với doanh số tăng trưởng rất tốt cho Thiên Long. Bên cạnh đó, Thiên Long có thêm khách hàng là các bệnh viện, thẩm mỹ viện... tại Việt Nam.

Nhưng nữ CEO cho rằng, sự thay đổi sẽ không phải chỉ diễn ra ở bên ngoài, bằng các khoản đầu tư, mà còn phải là sự chuyển mình từ bên trong. “Thời gian qua, chúng tôi đã có sự thay đổi đáng kể từ bên trong với tư duy “dám thay đổi”. Đây là động lực lớn để chúng tôi có thể bứt tốc trong thời gian tới”, bà Phương Nga tin tưởng.

Làn gió mới từ xanh

Nhìn lại, bà Nga thừa nhận, có nhiều lúc bà cũng hoài nghi, không chắc một công ty có bề dày như Thiên Long có thay đổi được không.

Vốn là dân tài chính, làm việc ở nhiều tổ chức trong nước, nước ngoài trước khi về đầu quân cho Thiên Long vào năm 2012, bà Nga có lợi thế khi điều hành một doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn tái cấu trúc. Bà đã xây dựng được hệ thống quản trị tài chính để làm “xương sống” vững chắc cho các bước tiến mới.

Thay đổi không chỉ là chấp nhận cái mới, mà đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro, có thể mất hết những gì đang có. Thực tế, đã có doanh nghiệp có bề dày lịch sử hoạt động tương tự đã mất rất nhiều khi sai lầm trong các bước tái cấu trúc.

Song, bà Nga chia sẻ, bối cảnh bên ngoài thay đổi quá nhanh lại mang đến những giải pháp cho Thiên Long.

“Chúng ta phải luôn có tinh thần đa dạng và hội nhập. Bởi, khi con người sẵn sàng thay đổi, làm mới bản thân thì sẽ không định kiến và từ đó chúng ta dễ dàng thích ứng được với sự thay đổi chung của thời cuộc”, CEO Thiên Long phân tích khi nhìn vào sự phục hồi rất nhanh của Thiên Long sau dịch bệnh.

Ở đây, bài toán mà nữ CEO phải giải không chỉ là sự thay đổi hành vi tiêu dùng mà trực tiếp hơn, là sự đổ bộ của các loại văn phòng phẩm giá rẻ qua các sàn thương mại điện tử. “Đây là giai đoạn khốc liệt nhất mà Thiên Long phải đối mặt”, bà Nga tâm sự.

Để thích ứng, doanh nghiệp đã định hướng thay đổi tầm nhìn, cải tiến sản phẩm nhằm cân bằng giữa việc đổi mới với giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển bền vững. Thành quả của hành trình xanh từ 15 năm trước hiện hữu. Từ bảng đen truyền thống được tái chế với những phế phẩm còn lại trong sản xuất, đến hoạt động tiết kiệm điện, nước, cùng nhiều giải pháp mang lại sản phẩm tốt hơn cho môi trường với giá thành cạnh tranh.

“Chúng tôi không chỉ tái chế phế phẩm nhựa, mà còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế việc bán phế liệu. Hiện nay, trong nhà máy sản xuất của Thiên Long, tỷ lệ phế phẩm được chúng tôi cố gắng đẩy xuống ở mức 1%”, bà Nga chia sẻ thêm.

Dù vậy, theo bà Nga, những cải tiến trong sản xuất đòi hỏi chi phí lớn, vì sẽ phải thay đổi hàng loạt thiết bị để áp dụng công nghệ tiết kiệm điện và giảm thiểu phế phẩm, song song với việc vẫn phải đảm bảo thẩm mỹ để đến thuyết phục người tiêu dùng. Chưa kể bài toán đồng bộ lợi ích của 3 nhóm khách là phụ huynh (ưu tiên sự an toàn), học sinh (mẫu mã đẹp) và điểm bán (đòi hỏi doanh số).

Dù khó, nhưng bà Nga cho rằng, đó là việc phải làm để Thiên Long vẫn là số 1, dù thị trường thay đổi, người tiêu dùng thay đổi.

Trò chuyện với CEO Trần Phương Nga

Năm 2025 sẽ là năm thế nào trong kế hoạch của Tập đoàn Thiên Long?

Năm 2025 sẽ là thời gian Thiên Long bắt đầu đẩy mạnh xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Đâu là thế mạnh của thương hiệu?

Hiện tại, Tập đoàn phát triển ngành hàng với 5 nhóm sản phẩm: bút viết và sản phẩm tiện ích; dụng cụ mỹ thuật; dụng cụ học sinh; văn phòng phẩm và dòng cao cấp. Chúng tôi sẽ tối ưu hóa nhu cầu của người dùng, từ nhóm trẻ mầm non đến học sinh, dân văn phòng hay doanh nhân, để có thể vừa đa năng, vừa hướng tới cá nhân hóa trong từng sản phẩm.

Chúng tôi xác định hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ những thị trường khó tính để tự hoàn thiện mình, tự đặt ra cho mình những chuẩn mực toàn cầu, vừa tạo được chỗ đứng trong hoạt động xuất khẩu, vừa mang những sản phẩm quốc tế phục vụ người Việt.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển bền vững để tạo nên sự khác biệt trong cạnh tranh…

Hiện tại, Thiên Long đã đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển dòng sản phẩm ECO Style - sản phẩm thân thiện với môi trường. Mặc dù gặp không ít thách thức về công nghệ và chi phí, chúng tôi vẫn kiên định theo đuổi, với niềm tin rằng, bền vững không chỉ là xu hướng, mà là trách nhiệm.

Chúng tôi cũng đang tài trợ Chương trình “Vì mái trường xanh”, với mong muốn hướng dẫn trẻ thu gom vỏ bút đã qua sử dụng để cho ra các sản phẩm tái chế. Dù đây là một hoạt động nhỏ, nhưng sẽ dần tạo thói quen xanh cho các em, hình thành tư duy tiêu dùng xanh trong thế hệ trẻ.

Tôi muốn nhắc đến một vài câu chuyện để thấy, Thiên Long phát triển bền vững không phải để khác biệt, mà xuất phát từ tâm huyết xây dựng giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và cộng đồng. Thậm chí, để chọn phát triển xanh, chọn thực hành ESG, cán bộ ,công nhân viên, cũng như cổ đông của Công ty cũng phải chấp nhận hy sinh một phần về quyền lợi, lợi ích…
Doanh nhân Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam: Tìm “chỗ đứng” cho lụa Việt
Với khát khao định vị thương hiệu lụa Việt trên “bản đồ” thế giới, ông Lê Thái Vũ quyết định tái khởi nghiệp với một kế hoạch bài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư