Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 06 tháng 02 năm 2025,
Doanh nhân Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam: Tìm “chỗ đứng” cho lụa Việt
Thanh Chung - 06/02/2025 08:47
 
Với khát khao định vị thương hiệu lụa Việt trên “bản đồ” thế giới, ông Lê Thái Vũ quyết định tái khởi nghiệp với một kế hoạch bài bản, quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ “dòng sông lụa”, góp phần giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc.
TIN LIÊN QUAN
Doanh nhân Lê Thái Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam

Đã có “vốn” để tiếp tục khởi nghiệp

Sau chuyến tham quan dài ngày tại châu Âu và các làng nghề trong nước, ông Lê Thái Vũ thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp ngành lụa trong nước còn chậm so với các doanh nghiệp trên thế giới khá nhiều. Tuy nhiên, thế giới đã bước vào kỷ nguyên kỹ thuật, kỷ nguyên hội nhập, nên vấn đề về công nghệ có thể sớm được cải thiện.

“Chuyến đi lần này không chỉ để tham quan, tìm hiểu công nghệ sản xuất lụa của các nước, mà còn giúp tôi sốc lại tinh thần để tiếp tục với nghề, bởi trước đó, đại dịch Covid-19 khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng gục ngã. Nhiều người nghĩ rằng, tôi đã dừng lại”, ông Vũ chia sẻ.

Ông kể, giai đoạn Covid-19 là lần thứ 2 ông nếm phải “trái đắng”. Lần đầu là vào năm 2003, ông thành lập công ty ở TP.HCM, nhưng do đại dịch SARS hoành hành, gần như toàn bộ hệ thống showroom của Công ty ở các thành phố lớn bị đình trệ. Sau đó, dịch cúm gà tạo nên sự khủng hoảng vào đúng chu kỳ đi xuống của ngành lụa, khiến gia đình ông lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Đến năm 2006, ông quyết định chọn Hội An là nơi khởi nghiệp, với hình thức vừa sản xuất vừa làm du lịch.

“Ý tưởng ban đầu là mở showroom, bảo tàng, lưu trú trải nghiệm…, song rất may là tôi kịp chuyển hướng qua du lịch và làng lụa bắt đầu vươn mình, nhờ đó có thể sử dụng du lịch làm đòn bẩy để chấn hưng ngành tằm tang (trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa - PV). Mô hình Làng lụa Hội An được nhiều người cùng nghề ngưỡng mộ, bởi trong bối cảnh ngành lụa thế giới ‘hấp hối’, Làng lụa Hội An vẫn sống và phát triển mạnh mẽ”, ông Vũ kể.

Trước khi Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp của ông Vũ đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều lễ hội để quảng bá hình ảnh làng nghề truyền thống về tơ lụa ở Quảng Nam. Trong đó, dấu ấn lớn nhất là tổ chức thành công Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới vào năm 2019, tại Làng lụa Hội An.

Festival đã thu hút sự tham gia của Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á và Nhật Bản, Học viện Mekong. Đặc biệt, sự kiện còn có sự tham dự của 8 quốc gia, đại diện 5 thành phố cùng hàng chục đơn vị sản xuất, làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam.

Ông Vũ cho rằng, đây là cơ hội để tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với nhiều tổ chức và thị trường quốc tế. Đồng thời, sự kiện cũng góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất, khôi phục các làng nghề truyền thống.

Doanh nghiệp đang trên đà phát triển, thì Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia, khiến ngành lụa bị ảnh hưởng nặng nề và Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam cũng không ngoại lệ.

“Những thăng trầm, trải nghiệm và trả giá trong thời gian qua chính là nguồn ‘vốn’ lớn để tôi tiếp tục sự nghiệp, đồng thời cũng định vị được mình đang ở đâu để bắt đầu một chương mới. Chuẩn bị cho năm 2025 đầy hứa hẹn, tôi đã tới nhiều quốc gia và điểm đến trong nước, chuẩn bị kế hoạch để tái khởi nghiệp chắc chắn hơn, bền vững hơn”, ông Vũ chia sẻ.

Điều kiện khí hậu của Việt Nam thuận lợi để phát triển ngành trồng dâu, nuôi tằm. Đến nay, lụa Việt đã có mặt ở hàng chục quốc gia, đặc biệt là các nước tham gia Hiệp hội Tơ lụa thế giới.

“Tôi đã kết nối và quảng bá thương hiệu lụa Việt đến các quốc gia có nghề lụa truyền thống. Tham gia cộng đồng tơ lụa thế giới, sản phẩm lụa Việt đã lan tỏa đến nhiều nước. Các doanh nghiệp ngành lụa Việt Nam đang cùng với thế giới bảo tồn, phát huy giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất”, ông Vũ nói.

Dự báo tình hình năm 2025, vị doanh nhân cho rằng, đây sẽ là một năm đầy hứa hẹn và có nhiều khởi sắc đối với ngành lụa. Bởi vậy, việc cần làm với doanh nghiệp lúc này là tạo ra những sản phẩm ấn tượng, chất lượng hơn để cung cấp cho thị trường.

Mới đây, ông có dịp đến thăm một nhà máy tơ lụa với công nghệ hiện đại ở Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đơn vị này hoạt động 3 ca mỗi ngày để kịp cung cấp lụa cho các nước Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc… “Có thể thấy, ngành lụa đang phục hồi và phát triển sau đại dịch”, ông Vũ nhận định.

Theo ông, lụa Việt mang nét đẹp độc đáo nhờ sự kết hợp giữa truyền thống và tinh hoa văn hóa, tạo nên sản phẩm khác biệt trên thị trường quốc tế, nhưng để thực sự có một vị trí vững chắc trên “bản đồ” lụa thế giới, thì vẫn còn một chặng đường dài. Theo đó, các doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là xây dựng thương hiệu mạnh để cạnh tranh với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan.

Trong kế hoạch khởi nghiệp lần này, ông Vũ sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ và thiết kế để nâng cao chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm, xây dựng nhà máy có công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tích cực quảng bá lụa Việt qua các sự kiện quốc tế, triển lãm và hợp tác với các nhà thiết kế hàng đầu để sản phẩm có thể tiếp cận thị trường cao cấp. Đặc biệt, ông sẽ tập trung xây dựng chuỗi giá trị bền vững, kết hợp giữa người trồng dâu, nuôi tằm và nghệ nhân để giữ được tinh hoa truyền thống, nhưng vẫn có tính hiện đại, để tăng sức cạnh tranh.

Giấc mơ “dòng sông lụa”

Giấc mơ “dòng sông lụa” đã theo ông Vũ trong hơn một thập kỷ qua, nhưng vẫn còn dang dở. Chính điều này đã thôi thúc ông quyết tâm tạo đột phá trong ngành tơ lụa để hiện thực hóa giấc mơ của mình.

Ông Vũ chia sẻ, từ thế kỷ 17, người Việt đã hình thành, phát triển “con đường tơ lụa trên biển” và thương cảng Hội An chính là nơi giao thương, trung chuyển hàng của con đường tơ lụa này. Do vậy, ngoài phát triển kinh tế, đưa lụa ra quốc tế, ông Vũ còn đặt ra sứ mệnh cho Công ty cổ phần Tơ lụa Quảng Nam là phải tạo nên một con đường tơ lụa mới từ Hội An và Quảng Nam.

Trước đây, các bãi bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn của Quảng Nam bạt ngàn nương dâu, nhưng thời gian qua, nghề lụa gặp khó khăn, nên dâu tằm đã phải nhường chỗ cho các loại cây trồng khác.

Theo ông Vũ, để thực hiện thành công dự án “dòng sông lụa”, cần khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, nhưng trước tiên, phải làm sao để những người dân theo nghề này có thể nuôi sống được gia đình họ. Ông Vũ cho biết, sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân để khôi phục những biền dâu và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm tơ tằm.

“Ước nguyện lớn nhất của tôi và xuyên suốt nhiều năm qua là thực hiện dự án ‘dòng sông lụa’ dọc theo triền sông Thu Bồn. Dòng sông lụa sẽ làm trục nối giữa 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn để phục hồi ngành dâu tằm”, ông Vũ bộc bạch.

Dự án này, ngoài việc khôi phục ngành trồng dâu nuôi tằm xứ Quảng, còn có mục đích khác là tạo thêm sản phẩm du lịch để kéo khách về cho Làng lụa Hội An, phố cổ Hội An, biến nơi đây trở thành một điểm đến trải nghiệm, khám phá sinh thái, làng quê cho du khách và quan trọng nhất là giữ gìn được làng nghề truyền thống, tạo thu nhập cho người dân.

Ông Vũ cho biết, “dòng sông lụa” đã bắt đầu thành hình với việc kết nối các làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ hội văn hóa và xây dựng điểm đến du lịch lụa tại Quảng Nam.

“Dù gặp không ít thách thức từ biến động thị trường và sự cạnh tranh, tôi vẫn tin rằng, giấc mơ này hoàn toàn khả thi. Với đam mê và lòng kiên trì, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy dự án, coi đây không chỉ là công việc kinh doanh, mà còn là sứ mệnh giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc”, ông Vũ khẳng định.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa giấc mơ này không phải là điều dễ dàng. Do đó, ông Vũ muốn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền về chính sách, đặc biệt là các ưu đãi trong đầu tư và quảng bá. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái, hợp tác để tạo nên chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ sản xuất, quảng bá đến tiêu thụ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư