Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF tác động mạnh đến TTCK
Kỳ Thành - 22/03/2015 15:47
 
Tuần qua, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF đã tác động làm giảm điểm trên cả 2 sàn do các quỹ này bán mạnh một số cổ phiếu bluechip.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Triển lãm Giảng Võ chỉ bán được 3,8% cổ phần IPO
VN-Index có thể về vùng 560 điểm
HNX hỗ trợ VNPT thoái vốn tại công ty con

Thị trường tuần qua giao dịch khá tiêu cực khi rơi vào trạng thái điều chỉnh giảm trong gần như suốt cả tuần giao dịch. Hiện tượng các phiên tăng giảm xen kẽ tiếp tục diễn ra nhưng áp lực bán trong các phiên gần cuối tuần đã khiến chỉ số này rơi xuống dưới vùng hỗ trợ 578 - 580 điểm.

Tâm điểm trong tuần là phiên thứ 6 khi đây là thời hạn cuối cùng để các quỹ ETF hoàn tất hoạt động mua bán phục vụ cho việc tái cơ cấu danh mục sau lần review gần nhất. Tuy nhiên nhà đầu tư trong nước đã có sự chuẩn bị về mặt tâm lý cũng như vị thế trước động thái của khối ngoại.

Giao dịch khối ngoại trong tuần chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hoạt động tái cơ cấu của quỹ ETF khi khối ngoại đã mua ròng nhẹ 8,2 tỷ đồng. Tuy chỉ bán ròng nhẹ trên HOSE, nhưng áp lực bán tập trung mạnh ở các cổ phiếu lớn như MSN, PVD, VCB đã tiếp tục tạo ảnh hưởng tiêu cực lên chỉ số và tâm lý giới đầu tư.

Tuần qua cũng đón nhận thông tin quan trọng là sau cuộc họp hai ngày,  FED đã quyết định chưa tăng ngay lãi suất trong ngắn hạn do đà hồi phục của kinh tế Mỹ đang bị ảnh hưởng do sự mạnh lên của đồng USD và lạm phát chưa đạt mức mục tiêu 2%.

Về diễn biến trên sàn HOSE, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 21/3, VN-Index đóng cửa tại mức 575,44 điểm, giảm 10,66 điểm (-1,8%) so với tuần trước. Thanh khoản tuần này trên HOSE tiếp tục được cải thiện, đạt 9.803,6 tỷ đồng, tăng 19,3%.

Diễn biến VN-Index tuần từ 16/3 đến 21/3

Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 6,4 tỷ đồng, giảm đáng kể so với tuần trước. Các mã bị bán ròng mạnh nhất là MSN (161,3 tỷ đồng), PVD (126,5 tỷ đồng), STB (120,4 tỷ đồng), VCB (118,8 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng các mã KDC (344,2 tỷ đồng), KBC (277,1 tỷ đồng), HAG (107,8 tỷ đồng), FLC (39,9 tỷ đồng)...

Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm mạnh nhất trên HOSE

Tuần qua, hàng loạt bluechip nằm trong top cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất gồm MSN, PVD, HSG do hoạt động tái cơ cấu danh mục của các ETFs.

Đáng chú ý trong tuần có cổ phiếu PNJ tăng tốt nhờ thông tin chia cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Trên sàn HNX, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần 21/3, HNX-Index đóng cửa tại mức 85,13 điểm, giảm 0,59 điểm (-1%) so với tuần trước. Tương tự sàn HOSE, thanh khoản tuần này trên HNX tiếp tục được cải thiện, đạt 3.139,4 tỷ đồng, tăng 26,5%.

Diễn biến HNX-Index tuần từ 16/3 đến 21/3

Tuần này, khối ngoại mua ròng 14,5 tỷ đồng trên HNX, tập trung tại các mã BCC (17,5 tỷ đồng),HUT (12,5 tỷ đồng), IVS (8,8 tỷ đồng)…; trong khi bán ròng chủ yếu ở PVS (16,1 tỷ đồng), VCG (12,2 tỷ đồng), VND (8 tỷ đồng)…

Top 10 cổ phiếu có tỷ lệ tăng, giảm mạnh nhất trên HNX

Nhận định thị trường tuần từ 23/3 đến 27/3:

Ngưỡng hỗ trợ 570-575 điểm đối với VN-Index vẫn đang phát huy tác dụng

CTCK BVSC

Ngưỡng hỗ trợ 570-575 điểm đối với VN-Index vẫn đang phát huy tác dụng đối với chỉ số này. Nhà đầu tư có thể xem xét bán ra một phần cổ phiếu phục vụ cho hoạt động trading đã mua vào trong các phiên trước khi chỉ số tiếp tục hồi phục. Danh mục trung và dài hạn vẫn được khuyến nghị nắm giữ với trọng tâm tại các mã có KQKD quý I khả quan hoặc nhận được thông tin hỗ trợ từ mùa đại hội cổ đông sắp tới.

Thị trường sẽ tăng điểm trở lại vào tuần giao dịch cuối của tháng 3

CTCK MSBS

Thị trường sẽ tăng điểm trở lại vào tuần giao dịch cuối của tháng 3. Như vậy là hoạt động cơ cấu danh mục của ETF đã xong, đây chính là một trong những nhân tố quan trọng nhằm tháo gỡ nút thắt tâm lý của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay và là động lực để thị trường có thể tăng điểm trở lại vào tuần tới. Hơn nữa chỉ số VN-Index có xu hướng bật lại khi tiến về mốc hỗ trợ quan trọng 570 điểm trong phiên ngày hôm nay. Chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục giảm xuống các mốc hỗ trợ thấp hơn là khó xảy ra và thiên về hướng tăng điểm trở lại vào tuần tới. Đầu tuần thị trường tăng điểm, tiến lên mốc 578-580 điểm với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trong những phiên giao dịch đầu tuần với một số cổ phiếu như VCB, HVG, BSI…

Nhà đầu tư chưa nên vội vàng quay lại thị trường

CTCK BSC

Chúng tôi cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn khó khăn do lực cầu từ khối ngoại – nhân tố chính cho đợt tăng trong tháng 2 vừa qua – nhiều khả năng sẽ bị suy giảm trong thời gian tới bởi những tác động từ: (1) khả năng nâng lãi suất của Fed và (2) trạng thái discount hiện tại của các ETFs. Bên cạnh đó, về mặt phân tách lớp cổ phiếu, chúng tôi cũng nhận thấy những tác động tiêu cực của nhóm dầu khí lên thị trường chung sẽ chưa thể chấm dứt nhanh chóng do giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu tạo đáy.

Trong báo cáo ngày hôm qua, chúng tôi đã khuyến nghị ‘Nhà đầu tư nên cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu trong nhịp hồi vào ngày mai”, và hôm nay là cơ hội để bán bớt danh mục. Do đó, nhà đầu tư nên thận trọng chờ thêm, chưa nên vội vàng quay lại thị trường, và chỉ giải ngân vào các cổ phiếu cơ bản có KQKD dự kiến tốt trong quý I. Các cổ phiếu được chúng tôi quan tâm vẫn là BID, BCC, HT1, NT2, HUT và VNE.

Nhiều mã tốt với thông tin tích cực sẽ vẫn phân hóa đi lên

CTCK SHS

Một tuần giao dịch ảm đạm tiếp tục diễn ra. Những dư âm từ việc điều chỉnh các mặt hàng đầu vào khá mạnh tay của cơ quan điều hành hay dự thảo đang được lấy ý kiến về việc sửa đổi Thông tư 210 theo hướng siết chặt hơn nguồn vốn các CTCK có thể được vay tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường. Tuần này cũng không có nhiều tin tức đủ sức nặng vực dậy tâm lý của nhà đầu tư nội. Diễn biến tiếp tục tăng giá của đồng USD và phiên mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại trong ngày cuối cùng của kỳ tái cơ cấu 2 quỹ ETF là 2 nét chấm phá nổi bật nhất của tuần giao dịch.

USD Index neo quanh mốc 100 trong tuần này sau khi lập kỷ lục 100,72 trong tuần trước đó. Ảnh hưởng mạnh nhất của xu hướng này là làm suy yếu giá các mặt hàng trên thế giới, trong đó có dầu mỏ. Yếu tố này tác động khá mạnh lên diễn biến của nhóm các cổ phiếu dầu khí tuần qua, qua đó ảnh hưởng rất tiêu cực lên diễn biến thị trường chung do nhiều mã thuộc nhóm này có giá trị vốn hóa lớn và đều mang ý nghĩa là các mã trục của 2 sàn.

Đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng khá mạnh tới dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường cận biên như Việt Nam. Khối ngoại thường có xu hướng rút tiền trú ẩn dưới đồng USD và hưởng lợi từ việc USD lên giá do các tài sản không được định giá bằng USD sẽ dần bị mất giá.

Cần thời gian tính bằng tháng để đánh giá diễn biến của xu hướng này, tuy vậy ngay trong tuần qua cũng dễ dàng nhận thấy dấu ấn của việc khối ngoại bắt đầu có tín hiệu rút tiền khá quyết tâm khi quỹ ETF VNM ngày 19/3 bất ngờ bị rút gần 1 triệu CCQ tương ứng giá trị khoảng 1,7 triệu USD, liền ngay sau đó khối ngoại đã có phiên bán ròng kỷ lục với giá trị hơn 226 tỷ trên HOSE.

Quan điểm thận trọng tiếp tục được chúng tôi duy trì, nhất là trong bối cảnh VN-Index đã phá vỡ vùng hỗ trợ cứng trong ngắn hạn và giao dịch khối ngoại đang có những diễn biến tiêu cực. Tuy vậy sự phân hóa sẽ diễn ra. Nhiều mã tốt với thông tin tích cực sẽ vẫn phân hóa đi lên trong bối cảnh mùa họp đại hội cổ đông đang đến gần. Tuy vậy cơ hội sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư nắm bắt được các thông tin sớm, hoạt động mua đuổi sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư