Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Ký ức khó quên nơi chiến trường không tiếng súng
Dương Ngân - 21/06/2022 14:56
 
Hơn 2 năm với 4 làn sóng dịch Covid-19 là chừng đó thời gian các nhà báo đồng hành cùng đội ngũ y, bác sỹ, chuyển tải bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử.
Các nhà báo luôn bám sát tâm dịch để phản ánh thông tin trung thực tới bạn đọc

Không bỏ sót thông tin

Trong những ngày cao điểm của đại dịch, khi cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, mọi hoạt động bị ngưng trệ, người dân được yêu cầu ở nhà, thì những người làm báo vẫn tất bật, miệt mài với những bài viết, dòng tin, hình ảnh, thước phim phản ánh về cuộc chiến chống dịch.

Nhớ lại những ngày tháng sục sôi chống dịch trên khắp các vùng miền, từ Đà Nẵng đến Hải Dương, Bắc Ninh, nhà báo Ngô Anh Văn, Trưởng ban Xã hội, Bạn đọc, Y tế địa phương (Báo Sức khỏe và Đời sống) kể, tác nghiệp trong cái nắng nóng khủng khiếp của những ngày hè, phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra như tắm thực sự rất bức bối, khó chịu. Theo chân lực lượng y tế chống dịch, chứng kiến áp lực vượt quá sức chịu đựng thông thường mà các lực lượng tuyến đấu đang trải qua, anh thấy sự vất vả của mình chưa thấm vào đâu so với các y, bác sỹ.

Đâu cũng là những chất liệu sống động cho bài viết. Chứng kiến cảnh cán bộ y tế đút từng thìa cháo, cho bệnh nhân uống từng ngụm nước, đi lại như con thoi giữa các phòng bệnh, hay cuống cuồng, vội vã, chạy đua với thời gian bóp bóng thở cho bệnh nhân với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, mới thấu hiểu câu “lương y như từ mẫu”.

Những ngày hè năm 2021, từ sáng sớm tinh mơ đến đêm khuya, hết ngày này đến ngày khác, trực tiếp tác nghiệp ở các điểm nóng, khu cách ly, bệnh viện, khu phong tỏa, đồng hành cùng cán bộ y tế, sâu sát cơ sở, nắm địa bàn Hải Dương, Bắc Ninh, nhà báo Anh Văn cùng các đồng nghiệp đã nỗ lực hết sức, không bỏ sót thông tin về cuộc sống của bà con nơi tâm dịch.

Anh cũng xúc động khi kể lại những thông tin mà mình đã trải nghiệm để chuyển tải thành câu chữ ở những tác phẩm có tính lay động lòng người về những mảnh đời yếu thế nơi tâm dịch, hay những giọt nước mắt nghẹn ngào sinh ly tử biệt. Anh nói rằng, bản thân không thể quên được hình ảnh những em nhỏ chỉ tầm 3-4 tuổi, lứa tuổi đáng ra phải được cha mẹ chăm bẵm từ bữa cơm giấc ngủ, nhưng khi ở trong khu cách ly, các em phải tự mình làm mọi việc. Đến giờ ăn cơm, nghe loa gọi tên tự ra lấy suất cơm của mình mang về, tự ngồi xúc cơm ăn. Ăn xong lại tự giác mang bát đũa ra để đúng nơi quy định, rồi tự giác đeo khẩu trang để phòng bệnh, kể cả khi ngủ.

Anh lặng người khi nghe một anh bộ đội kể, mẹ anh bị tai biến mà anh không thể về chăm được. Và anh cũng không thể kìm lòng khi chứng kiến những cuộc gọi Facetime hay Zalo giữa người bệnh và người nhà chỉ để nhìn nhau và khóc. Gần nhau trong gang tấc mà giữa họ sự ngăn cách quá lớn, không biết bấu víu vào đâu, chiếc điện thoại trở thành cầu nối cho trái tim những người hướng về nhau.

Có những cuộc điện thoại thông báo tin vui được ra viện, nhưng cũng có những cuộc điện thoại thông báo tin buồn với thân nhân, mà tiếng tút tút sau đó vang lên lạnh ngắt và đớn đau. "Thấu hiểu ánh mắt của những người yêu nhau khi phải xa nhau, lo lắng cho nhau, nhưng bất lực không thể làm gì khiến tôi mong mỏi cuộc chiến với Covid-19 sớm ngày kết thúc để các gia đình được đoàn viên, để tiếng cười được vang xa, chứ không phải là những cái thở dài lo lắng, những giọt nước mắt lau vội", nhà báo Anh Văn nhớ lại.

Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân, nhà báo Anh Văn chuyển tải một cách chân thực những gì đã chứng kiến đến bạn đọc, để mọi người biết là tuyến đầu chống dịch đã phải vất vả hy sinh quá nhiều, để mọi người thấy được những đau thương, mất mát của dịch bệnh, để mỗi người dân đều có ý thức hơn trong việc chung tay chống dịch.

Với nhà báo Lê Hoàng Dương, Ban Thời sự chính trị - quốc tế, Báo Sức khỏe và Đời sống lại là những ngày lăn lộn khi tham gia các đoàn công tác rà soát điều kiện phòng chống dịch để trở lại sản xuất cho hàng chục nhà máy trong các khu công nghiệp Bắc Giang. Mỗi ngày, ngoài di chuyển bằng xe ô tô đến các cụm công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, anh và các thành viên đoàn công tác đã phải đi bộ nhiều km vòng quanh các nhà máy rộng hàng chục ngàn m2 dưới trời hè oi bức, không một bóng cây.

Hòa theo dòng người đang lo lắng, bất an vì dịch tại các khu công nghiệp khi kế sinh nhai bị ảnh hưởng, sức khỏe bị đe dọa, phóng viên Hoàng Dương thấy được áp lực ghê gớm, gương mặt căng thẳng của lãnh đạo địa phương khi phải ban hành những quyết định phong tỏa, cách ly hay tạm dừng sản xuất một nhà máy.

Khi ấy, việc tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn các nhà máy biện pháp phòng dịch, xử lý ổ dịch hay hạn chế dịch lây lan trở thành yêu cầu quan trọng của các chuyên gia Bộ Y tế. Ngòi bút của Hoàng Dương đã giúp chuyển tải thông điệp này tới người quản lý, điều hành các cơ sở sản xuất, kinh doanh, để họ có cái nhìn khách quan, toàn diện về công tác chống dịch, hướng tới lợi ích cộng đồng.

Tại tâm dịch Bắc Giang, nhà báo Hoàng Dương cũng thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những thành viên trong bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế khi đồng hành cùng địa phương chống dịch với những quyết định đôi lúc phải cân não. Hình ảnh các em sinh viên y khoa tuổi mới đôi mươi, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít dưới cái nắng 40 độ C, miệt mài lao vào tâm dịch để xét nghiệm, lấy mẫu, gương mặt đỏ ửng hằn vết khẩu trang, vẫn cười vui, làm việc hết sức nghiêm túc và chuyên nghiệp cũng tạo cảm hứng cho những bài viết thấm đẫm tính nhân văn của nam nhà báo.

Hoàng Dương cũng không quên được niềm vui, sự biết ơn khi ùn ùn những chuyến xe thiện nguyện mang thực phẩm, đồ dùng thiết yếu từ mọi miền tổ quốc tới tâm dịch Bắc Giang. "Cắm chốt tại tâm dịch, trải qua những ngày tháng sục sôi chống dịch cùng bà con đã cho tôi thấy rõ được sự tàn phá khốc liệt của dịch bệnh, nhưng lại là thời khắc để chứng kiến tinh thần đoàn kết tuyệt vời của đồng bào cả nước, sự tỏa sáng của đội ngũ tuyến đầu chống dịch", nhà báo Hoàng Dương nhớ lại.

Biến nỗi sợ thành sức mạnh

Nếu nói không sợ khi tác nghiệp tại tâm dịch là không đúng, nhưng sợ không có nghĩa là chùn bước, mà biến nỗi sợ thành sức mạnh, niềm tin. Theo lời nhà báo Ngô Anh Văn, trong chống dịch, quan trọng nhất là thông tin phải chính xác, không gây hoang mang dư luận. Vậy nên, trước bất kỳ thông tin nào anh đều phải cân nhắc kỹ càng giữa việc đưa hay không đưa và đưa thời điểm nào, không đưa thời điểm nào để có tác động tích cực tới công tác chống dịch, tuyệt đối tránh những thông tin gây hoang mang hay tạo tâm lý chủ quan cho người dân.

Còn theo phóng viên Hoàng Dương, điều mà bất kỳ phóng viên y tế nào khi tác nghiệp trong mùa dịch cũng băn khoăn, lo lắng chính là thông tin giả, thông tin sai sự thật phát tán trên các trang mạng xã hội. Chính điều này càng thôi thúc những phóng viên, người làm báo tâm huyết phải đi tìm hiểu, xác minh kỹ càng để có những thông tin chuẩn xác, trung thực nhất cho độc giả.

Không như khi tác nghiệp trong điều kiện bình thường, tác nghiệp khi dịch bệnh hoành hành, những nhà báo phải đối diện với nhiều khó khăn, song từ đó mỗi người tự tìm cho mình sức mạnh, sự linh hoạt. Theo nhà báo Phạm Nhung, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, vào tâm dịch có những khó khăn nhất định trong tác nghiệp do các yêu cầu bảo hộ. Khi ấy chị phải tận dụng mọi khoảnh khắc, cơ hội và phương tiện để tác nghiệp.

Đến bệnh viện điều trị Covid-19, ngoài phản ánh trung thực công việc của đội ngũ y, bác sỹ, lắng nghe tâm tư, tình cảm, chia sẻ, tư vấn của đội ngũ y tế, hay thông tin về những ca đang điều trị, nhà báo Phạm Nhung còn tranh thủ tìm kiếm những trường hợp bệnh nhân nặng, cần trợ giúp để làm cầu nối chuyển tải thông tin, kêu gọi các nhà hảo tâm trợ giúp.

Với đặc trưng là truyền hình, cần có hình ảnh, nên nhiều lúc không gặp trực tiếp được bác sỹ do đang ở trong khu điều trị, chị phải sáng tạo bằng cách nhờ bệnh nhân, bác sỹ tự mở điện thoại quay lại hình ảnh, thu âm lại giọng nói để gửi cho chị biên tập, dựng phim. Cũng có những lúc cực chẳng đã, do dịch bệnh ngăn cách, chị đành phải gọi điện thoại, thu âm lại và dùng hình ảnh nhân vật có sẵn để làm phóng sự.

Tác nghiệp khi dịch bệnh căng thẳng, các phóng viên luôn phải đối diện với nỗi lo bản thân có thể nhiễm bệnh, bởi phía sau họ là người thân. Tuy nhiên, cũng giống như đội ngũ y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch, dù còn đó lo lắng, song họ không ngại khó, không ngại khổ, vượt qua nỗi sợ hãi để chống dịch bằng ngòi bút.

Mùa hè năm 2020-2021 có lẽ sẽ là những ngày tháng không quên với Anh Văn, Hoàng Dương và những đồng nghiệp trong cuộc đời làm báo. Chưa bao giờ đường phố lại vắng vẻ, tiếng ve mùa hè lại rõ ràng đến thế và chưa khi nào cái nắng nóng mùa hè làm người ta mỏi mệt đến vậy. Nhưng ở đó, những nhà báo đang cắm chốt tại tâm dịch hiểu và trân trọng hơn ai hết về sự cố gắng của lực lượng chức năng và toàn xã hội hướng về tâm dịch. Đó cũng là động lực để các nhà báo nỗ lực mỗi ngày nhằm đưa những tác phẩm báo chí có chất lượng, phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống tới độc giả.

Đêm giao thừa hát vang "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"

 Kể lại những ngày tháng không thể quên khi tác nghiệp tại tâm dịch, nhà báo Thùy Linh, Báo Lao động cho biết, mùa đông năm 2021, trong cái rét cắt da, cắt thịt tại cơ sở điều trị Covid-19 lớn nhất miền Bắc là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chị và nhiều đồng nghiệp đã có những kỷ niệm không thể nào quên.

Đêm giao thừa năm ấy, giữa khoảnh khắc năm cũ và năm mới, hơn 200 y, bác sỹ của Bệnh viện cùng hàng trăm, hàng ngàn y, bác sỹ ở khắp các mặt trận chống dịch đang đón Tết tại nơi không có khái niệm ngày đêm đã đặt tay lên ngực, hát vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” với khát khao ngày chiến thắng dịch mau đến.

Cần lắm “Tâm sáng” nơi chiến sĩ áo trắng
Bất kỳ ngành, nghề nào cũng cần lắm chữ “Tâm” và với các y, bác sĩ, đây là điều tối quan trọng giúp họ vượt khó, thực hiện sứ mệnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư