Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Kỳ vọng con sóng mới của cổ phiếu VNM
Hằng Phan - 23/02/2024 11:43
 
Việc giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có phiên bật tăng mạnh với thanh khoản tăng vọt là cơ sở để kỳ vọng VNM tiếp tục kiểm định lại vùng giá 74.000 đồng/cổ phiếu và 80.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh của Vinamilk tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024.  Ảnh: Đức Thanh

VNM bứt phá khỏi vùng tích lũy, thanh khoản cải thiện tốt

Phiên đầu tuần này, giá cổ phiếu VNM tăng 2,71%, đóng cửa ở mức 71.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 7,3% so với ngày đầu tháng 2/2024 (67.000 đồng/cổ phiếu), với khối lượng khớp lệnh hơn 6,65 triệu đơn vị. Diễn biến này vừa đi theo thị trường chung, vừa có đà quán tính tăng của VNM từ phiên cuối tuần trước (ngày 16/2) với thanh khoản đột biến hơn 11,11 triệu đơn vị - khối lượng giao dịch lớn thứ 2 trong lịch sử của cổ phiếu này, sau phiên kỷ lục ngày 23/6/2023.

Cùng thời điểm, quỹ ngoại Platinim Victory Pte.Ltđ đăng ký mua gần 21 triệu cổ phiếu VNM, nhưng đến hạn đăng ký mua (từ ngày 17/1 đến 15/2) chưa mua được cổ phiếu nào do điều kiện thị trường không thuận lợi. Các nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu VNM cũng không quá xa lạ với động thái đăng ký mua vào của cổ đông ngoại này mấy năm qua.

Nếu đặt cổ phiếu VNM vào bối cảnh Vinamilk được ví như “con bò già” gặp thách thức về “bão hòa tăng trưởng”, thì diễn biến tăng giá của VNM sau thời gian tích lũy dài, kèm thêm thông tin đăng ký “mua khủng” của quỹ ngoại có tác động tâm lý khá tích cực, thậm chí nhiều nhà đầu tư cá nhân có phần hưng phấn muốn mua ngay cổ phiếu này.

Giới đầu tư ngay lập tức liên hệ tới kỳ vọng con sóng mới của cổ phiếu VNM, với các câu chuyện “xúc tác” đáng mong đợi như công ty con của Vinamilk là Mộc Châu Milk (mã MCM) có kế hoạch chuyển sàn từ UpCOM sang HoSE. Với nền tảng là kết quả kinh doanh khởi sắc của Mộc Châu Milk, cổ phiếu MCM được kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực khi chuyển sàn, qua đó gián tiếp tác động tích cực đến việc định giá lại khoản đầu tư của Vinamilk tại đây (Vinamilk sở hữu 86% tại Vilico - công ty mẹ nắm giữ hơn 59% vốn tại Mộc Châu Milk).

Dự báo tăng trưởng tốt

Kết quả kinh doanh quý IV/2023 tăng trưởng tích cực dẫn dắt đà tăng cả năm của Vinamilk. Lũy kế cả năm 2023, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 60.369 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ; hoàn thành 95% kế hoạch doanh thu và 105% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kết quả đó ghi nhận nỗ lực của Vinamilk trong chiến dịch tái định vị thương hiệu, với thị phần của danh mục sữa nước tăng 2,8 điểm phần trăm từ tháng 7 đến tháng 12/2023. Vinamilk đã duy trì thị phần sữa nước ở mức khoảng 56% tại thời điểm cuối năm 2023.

Với Vinamilk, câu chuyện tăng trưởng doanh thu - được xem là “chìa khóa” quan trọng cho triển vọng trung và dài hạn - vẫn chưa có dấu hiệu tích cực rõ ràng. Dĩ nhiên, nhà đầu tư trên thị trường đa phần sẽ nhìn con số lợi nhuận và với kết quả trên, có thể thấy, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp này đến từ việc cải thiện biên lợi nhuận gộp (chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm) và do nền so sánh quý IV/2022 thấp.

Bởi vậy, câu chuyện được chờ đợi trong năm 2024 vẫn là Vinamilk có duy trì được tăng trưởng 2 con số hay không. Còn ở thời điểm hiện tại, giới phân tích chưa thấy có cơ sở đủ mạnh để tin tưởng vào kỳ vọng VNM trở thành cổ phiếu tăng trưởng vững vàng như trước đây.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa không có cơ hội với cổ phiếu VNM. Ở góc nhìn ngắn hạn hơn, sự cải thiện về biên lợi nhuận gộp, tăng trưởng lợi nhuận đã diễn ra trong quý IV/2923 và là mức tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất trong 5 năm qua.

Ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, chuyên gia chiến lược đầu tư SSI Research cho rằng, điều đó vẫn có thể duy trì trong quý I/2024 khi nền so sánh lợi nhuận quý IV/2022 và quý I/2023 là thấp. Theo đó, ở giai đoạn hiện nay, nếu nhà đầu tư muốn tìm kiếm cổ phiếu thuộc doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao, thì VNM là một lựa chọn.

Một yếu tố khác cần chú ý, VNM hiện ở vùng giá 71.900 đồng/cổ phiếu, cổ tức được trả đều đặn 4.000 - 5000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất khoảng 7% - nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng. Với tỷ suất cổ tức đối với 1 cổ phiếu có rủi ro rất thấp như VNM, thì việc chia cổ tức đều đặn vùng này được xem là điểm tựa quan trọng để downside risk (rủi ro giảm giá) của cổ phiếu VNM không quá lớn. Rủi ro lớn nhất của cổ phiếu VNM lúc này, theo ông Hiếu, là rủi ro đi ngang.

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Agriseco Research, kỳ vọng kết quả kinh doanh của Vinamilk tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024 nhờ biên gộp duy trì ở mức tốt, chiến lược tái cấu trúc kỳ vọng ảnh hưởng tích cực trong dài hạn và nhu cầu tiêu thụ hồi phục trong năm 2024 - 2025.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán BSC cũng đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Vinamilk trong năm 2024 dựa trên giả định biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhờ giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. Dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vinamilk lần lượt đạt 63.501 tỷ đồng và 9.928 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,6% và 14% so với thực hiện năm 2023.

Vinamilk: Doanh thu xuất khẩu quý IV/2023 tăng gần 20%
Với mức lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9.019 tỷ đồng, ước tính mỗi ngày Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lãi 24,7 tỷ dồng, tăng khoảng 5%...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư