Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Kỳ vọng đón nhà đầu tư chiến lược làm “nóng” cổ phiếu dược
Thanh Thủy - 07/11/2024 09:11
 
Giao dịch cổ đông nội bộ sôi động nhiều tháng nay cùng tiềm năng tìm cổ đông chiến lược trong đợt phát hành riêng lẻ đã tác động tích cực đến cổ phiếu DBD của Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) thời gian qua.

Sôi động giao dịch nội bộ

Cuối tháng 10/2024, bà Nguyễn Thị Thủy, chị gái ông Nguyễn Tiến Hải - thành viên Hội đồng Quản trị Bidiphar cho biết đã mua vào 1 triệu cổ phiếu DBD, với giá trị giao dịch ước tính gần 50 tỷ đồng. Giao dịch giúp nhà đầu tư này nâng sở hữu tại Bidiphar từ 1,88 triệu cổ phiếu (1,79%) lên hơn 2,88 triệu cổ phiếu (3,08%).

Trong thời gian gần đây, giao dịch cổ phiếu DBD diễn ra sôi động ở cả nhóm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Ngay trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) đã mua thành công 2,81 triệu cổ phiếu DBD, tương đương 94% lượng cổ phiếu đã đăng ký giao dịch. Ông Phan Tấn Thư, CEO công ty chứng khoán này cũng đang đảm nhận vị trí thành viên Hội đồng Quản trị của Bidiphar.

Không riêng BMSC, hai tổ chức khác có liên quan đến ông Thư là Quỹ Đầu tư trái phiếu Lighthouse và Quỹ Đầu tư năng động Lighthouse cũng mua mới lần lượt 80.000 cổ phiếu và 170.000 cổ phiếu DBD, tương ứng với 0,09% và 0,23% vốn điều lệ trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8/2024.

KWE Beteilgungen AG - tổ chức đầu tư tài chính đến từ Thụy Sĩ đã mua vào 205.000 cổ phiếu DBD để nâng tỷ lệ sở hữu từ gần 8,23 triệu cổ phiếu (8,79%) lên hơn 8,43 triệu cổ phiếu (9,01%). Tổ chức ngoại này là cổ đông lớn thứ hai của Bidiphar, sau cổ đông nhà nước là Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Định (đang sở hữu 13,3% vốn điều lệ). KWE trở thành cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ của Bidiphar từ đầu năm 2023.

Các lệnh mua từ cổ đông nội bộ liên tục được công bố trong những tháng gần đây, phần nào giúp tăng sức nóng trong diễn biến giá cổ phiếu DBD. Cổ phiếu DBD có thời điểm tăng vượt lên trên 50.200 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất từng ghi nhận kể từ khi giao dịch vào giữa năm 2018.

Kỳ vọng M&A

Bidiphar tiền thân là Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh Bình Định làm chủ sở hữu. Từ tháng 3/2014, công ty này chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty TNHH một thành viên sang mô hình công ty cổ phần.

Trong quý III/2024, doanh thu thuần của Bidiphar đạt hơn 452,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 88,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 15,6% so với cùng kỳ năm 2023. Giải trình tới các cổ đông, Tổng giám đốc Phạm Thị Thanh Hương cho biết, Công ty đã đẩy mạnh nhóm mặt hàng dược phẩm sản xuất, nên biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ. Theo cập nhật của chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và thuốc thẩm phân máu là các dòng sản phẩm chính của Công ty, với tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu hàng sản xuất 9 tháng đạt lần lượt là 28%, 20% và 12%. Cùng với đó, cổ tức nhận được trong quý từ công ty con tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Một số khoản mục chi phí như dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm mạnh.

Lũy kế sau 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của Bidiphar đạt hơn 1.269 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 3%, về hơn 246 tỷ đồng.

So với mục tiêu 2.000 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, hãng dược phẩm này hoàn thành hơn 65% kế hoạch doanh thu và gần 79,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế. Dù tăng trưởng có phần khiêm tốn, Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Bidiphar những năm qua đều trên 19%. Tỷ lệ trả cổ tức 4 năm nay gần đây đều trên 20%.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức giữa năm 2024, Bidiphar thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho tối đa 5 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán là 23,3 triệu cổ phiếu, với giá chào bán tối thiểu 50.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần chào bán mới tương đương 25% cổ phiếu đang lưu hành.

Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được bổ sung vốn phục vụ hoạt động đầu tư cho dự án nhà máy mới OSD Non-Betalactam tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP/WHO-GMP sản xuất các thuốc dạng rắn như viên nén, viên nén bao, viên nang cứng… và chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I, Công ty triển khai đầu tư nhà máy công suất 500 triệu sản phẩm/năm và thực hiện các thủ tục hành chính từ năm 2024 đến năm 2029. Sau năm 2029, công suất toàn nhà máy mở rộng lên 1,3 tỷ sản phẩm/năm.

Đợt phát hành riêng lẻ dự kiến thực hiện trong năm 2024-2025. Thông tin từ Chứng khoán Phú Hưng cho biết, Bidiphar vẫn đang tiến hành đàm phán với 4 nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, với tiêu chí ưu tiên là tìm kiếm đối tác chiến lược mang lại giá trị mới, có thể chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng Công ty.

Trong khi sự xuất hiện của cổ đông chiến lược vẫn là câu chuyện ở tương lai, thì tiềm năng từ mua bán - sáp nhập (M&A) đang ít nhiều tác động đến giá cổ phiếu DBD. Trước đó, các thương vụ M&A lĩnh vực y dược như Aska Phamaceutical Co.,Ltd (Nhật Bản) nắm giữ gần 35% vốn Dược Hà Tây đã khiến cổ phiếu DHT “tăng nhiệt”.

Cũng phải nói thêm rằng, trong kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước của Chính phủ, Bidiphar là một trong số những doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên, trong báo cáo hồi đầu tháng 10/2024, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đang xin ý kiến để lại vốn nhà nước tại Bidiphar, vì đây là doanh nghiệp có ảnh hưởng lớn đối với vấn đề an sinh, xã hội của tỉnh. Câu chuyện thoái 13,3% phần vốn nhà nước tại hãng dược này có thể đổi hướng dù thời hạn đã cận kề.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 16 năm 2024

Sự kiện thường niên uy tín về mua bán - sáp nhập doanh nghiệp và kết nối đầu tư do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ được tổ chức tại Khách sạn JW Marriott Saigon (TP.HCM) vào thứ Tư, ngày 27/11/2024. Với chủ đề “Nhộn nhịp thương vụ/A Blossoming Market”, Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2024 sẽ thảo luận chuyên sâu về các cơ hội M&A đang trỗi dậy vào các lĩnh vực tiềm năng như bất động sản, bán lẻ, công nghệ, năng lượng tái tạo, dịch vụ tài chính và logistics.

Diễn đàn M&A 2024 sẽ có các hoạt động chính sau:

Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam & quốc tế.

Vinh danh các Thương vụ & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2023 - 2024.

Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2024 (song ngữ Việt - Anh).
Bidiphar hợp tác Crearene AG phát triển giải pháp tiên phong điều trị cho bệnh nhân chạy thận
Công ty cổ phần Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định và Crearene AG vừa ký ghi nhớ hợp tác để phát triển các giải pháp điều trị bằng creatine...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư