Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Lại dấy lên nỗi lo doanh nghiệp không lớn
Hà Nguyễn - 22/10/2020 08:12
 
Nỗi lo này một lần nữa dấy lên khi những số liệu 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 được đưa ra lấy ý kiến công luận.
.
Cần tiếp tục có các chính sách thiết thực và hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khâu thực thi chính sách.

Sau 5 năm, đã có tới 99,99% tổng số nhiệm vụ, giải pháp giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện được hoàn thành, nhưng lại chỉ có 50% mục tiêu đặt ra đạt và vượt. Số 50% còn lại không đạt, rất tiếc lại là những chỉ tiêu quan trọng với sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam.

Cụ thể, Nghị quyết 35/NQ-CP đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Đến năm 2020, khu vực tư nhân Việt Nam sẽ đóng góp 48-49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bên cạnh đó, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 30-35% GDP; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%; hàng năm có 30-35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Trong 6 chỉ tiêu trên, 3 chỉ tiêu về TFP, năng suất lao động và hoạt động đổi mới sáng tạo là đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng, nhưng các chỉ tiêu còn lại thì không.

Tới thời điểm này, cả nước mới có 795.000 doanh nghiệp, do đó, chỉ tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động là không thể đạt được vào cuối năm nay. Khu vực tư nhân cũng chỉ đóng góp 43% GDP và 46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội mà thôi.

Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao? Bởi ngay khi ban hành, Nghị quyết 35/NQ-CP được coi là một bước đột phá, tạo điều kiện phát triển khu vực tư nhân Việt Nam với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được ấn định nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Phải nhấn mạnh thêm rằng, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp này là rất trúng và đúng, được thiết kế tương ứng với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sáng tạo và khởi nghiệp; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; giảm chi phí kinh doanh; bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 99,9% nhiệm vụ được giao cho các bộ, ngành đã hoàn thành.

Vậy vì sao doanh nghiệp vẫn không lớn!

Không thể phủ nhận những nguyên nhân đến từ bối cảnh đặc biệt của năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ số lượng doanh nghiệp thành lập mới bị ảnh hưởng, mà số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể cũng tăng đột biến. Do dịch, số doanh nghiệp tạm ngừng đăng ký kinh doanh có thời hạn từ đầu năm đến nay tăng gần 82% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp 3,7 lần so với mức tăng bình quân của cả giai đoạn 2015-2019.

Cũng không thể phủ nhận, các mục tiêu đặt ra ngay từ ban đầu đã là một thách thức lớn. Chẳng hạn, với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020, thì vào thời điểm năm 2015, cả nước mới có 442.885 doanh nghiệp đang hoạt động. Nghĩa là, muốn đạt được mục tiêu, tốc độ tăng về số doanh nghiệp hoạt động bình quân mỗi năm phải đạt 17,7%. Trong khi thực tế, giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ là 14,4%, còn tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 10,5% - đều thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cần đạt được.

Cũng không thể không nói tới câu chuyện chính sách khuyến khích hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, do đó, số doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh rất khiêm tốn. Trong khi đó, đây là khu vực được kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp.

Nhưng rõ ràng, chuyện các mục tiêu của Nghị quyết 35/NQ-CP đặt ra không đạt được còn nằm ở việc các chính sách chưa đi vào thực tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP cũng đề cập thực trạng đa số chính sách, giải pháp mới dừng ở việc ban hành các quy định, văn bản quy định pháp luật, mà chưa đi vào cuộc sống. Hơn nữa, mức độ tiếp cận, thụ hưởng chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng hạn chế. Hộp thư điện tử, đường dây nóng trả lời doanh nghiệp ở các địa phương hầu như không hoạt động...

Tất nhiên, có cả những nguyên nhân đến từ sự hạn chế, yếu kém trong nội tại của khu vực doanh nghiệp. Đó là khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, thị trường, chất lượng nguồn nhân lực. Đó là quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao nên khó và thậm chí là không dám tham gia các sân chơi lớn. Đó là chưa làm chủ được công nghệ, còn vướng mắc về thể chế và bản thân tự doanh nghiệp chưa thực sự năng động, sáng tạo...

Chỉ ra những nguyên nhân như vậy để thấy rằng, cần tiếp tục có các chính sách thiết thực và hiệu quả hơn trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khâu thực thi chính sách. Tất nhiên, còn cần cả sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp. Nếu không thì nỗi lo “doanh nghiệp không lớn” không biết đến bao giờ mới được giải tỏa.

Đề án Cải cách mô hình kiểm tra hàng nhập khẩu: Vì lợi ích của doanh nghiệp
Nếu thực hiện tốt việc cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu, thì môi trường kinh doanh sẽ thêm phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư